Hai thái cực châu Phi

Thảo Nguyên (theo African-Pygmyes.com) 05/08/2017 08:30

Châu Phi với rất nhiều bí ẩn và lý thú, một châu lục luôn thu hút sự chú ý của thế giới. Châu Phi có quá nhiều điều khiến người châu lục khác ngạc nhiên, ở đó có những tộc người rất cao nhưng cũng lại có tộc người lùn nhất thế giới.

Người cao ở Nam Sudan.

1. Daniel Fland - nhà nhân chủng học nổi tiếng với những nghiên cứu về các bộ lạc thổ dân châu Phi cho biết:

- Châu Phi như thể hai thái cực khi chỉ cần nhìn vào những tộc người lênh khênh, đối ngược với những tộc người quá nhỏ bé. Bạn có thể ngạc nhiên khi bắt gặp trên đường một thanh niên cao chừng 2m dắt tay một người bạn chỉ cao hơn 1,4m chút xíu. Nhưng với người ở đây, điều đó không có gì là lạ cả.

Với người Pygmy, chiều cao trung bình của một người đàn ông trưởng thành cũng chỉ dừng lại ở con số 1,45m. Trong khi đó, với phụ nữ là 1,33m. Nhưng theo D.Fland, họ chưa chắc đã là người lùn nhất vì chính ông đã từng “sống chung” với những tộc người trong rừng thẳm, họ còn thấp bé hơn nữa.

- Với những bộ lạc tới nay vẫn sống rất hoang sơ trong những khu rừng rậm, chiều cao của họ rất hạn chế. Đáng chú ý là vòng đời của họ cũng rất ngắn, có lẽ vì thế mà họ sinh con đẻ cái khá sớm và chấm dứt việc ấy cũng rất sớm, khi ngoài 30 tuổi. Trong rừng, chính nhờ vào tầm vóc nhỏ bé họ lại thoăn thoắt len lỏi qua những bụi cây hay là lội qua dòng suối dữ một cách khá dễ dàng.

Kể từ năm 1980, chính quyền địa phương nơi có người Pygmy sinh sống đã tìm cách đưa họ ra khỏi rừng, thay đổi cách sống nay đây mai đó bằng cách dựng nhà, làm vườn, chăn nuôi gia súc gia cầm. Cuộc sống của một bộ phận người Pygmy đã đổi khác nhưng đáng tiếc là chiều cao của họ không được cải thiện và nhiều tập tục lâu đời vẫn tồn tại, kể cả tục kết hôn sớm.

- Tới nay, rất nhiều phụ nữ Pygmy chỉ cao chừng 1,2m và vẫn có con rất sớm. Người 20 tuổi, bạn rất khó đoán được người phụ nữ đó bao nhiều tuổi: 17 hay là 40? D.Fland nói và cho biết thêm: chiều cao không được cải thiện và cân nặng của họ cũng không. Trung bình 1 người Pygmy trưởng thành cũng chỉ nặng chừng 35kg.

Một người “cao kều” bọ tộc Massai Kenya.

Cuộc sống của họ rất vất vả, chậm chạp nhưng thật ngạc nhiên là mỗi gia đình lại khá hạnh phúc. Hầu như không có chuyện cãi nhau trong gia đình người Pygmy. Vợ chồng rất chung thủy, cùng nhau chăm sóc con cái, cho dù con trai bao giờ cũng được cha mẹ cưng chiều hơn.

Người Pygmy cũng không tin vào cuộc sống sau cái chết, đối với họ chết là sự kết thúc nên họ sống khá vô tư. Đấng tối cao với họ là Rừng, nơi nuôi sống, che chở tổ tiên họ và chính họ nữa. Chính vì vậy, khi những khu rừng nhiệt đới đang bị khai thác tràn lan khiến họ rất đau lòng, “nhưng đôi khi là bất lực”- D.Fland nói.

Người Pygmy ở Congo.

2. Trái ngược với người Pygmy, ở Sudan có những tộc người rất cao lớn. Trong những bộ tộc ấy, đàn ông có chiều cao trung bình là 1,9m còn phụ nữ là 1,8m. Đa phần họ có vóc người thanh mảnh, phát triển chiều cao chứ không phải chiều ngang. Gầy, nhưng cơ thể họ săn chắc và đặc biệt rất dẻo dai.

Trong số những tộc người “cao kều” ấy của đất nước Sudan phải kể đến bộ lạc Nilotic (đến từ thượng nguồn sông Nile), người Maasai, người Turkana, người Samburu và người Zilka. Đây là những bộ tộc coi rừng là nhà, tuy rằng sau này họ không còn sống quá sâu trong rừng, đã chuyển ra ngoài bìa rừng, làm nhà và chăn nuôi gia súc. Họ có khả năng thuần phục thú rừng thành thú nhà và rất tài giỏi điều khiển những đàn gia súc lớn.

Khu vực đầm lầy của sông Nile Trắng là nơi tộc người Zilka. Đây là tộc người sống du canh du cư. Đi đâu họ cũng lùa theo đàn cừu, đàn dê hoặc đàn bò- những con bò to lớn với đôi sừng dài và cong. Từ trong rừng, cùng đàn gia súc, người Zilka tìm tới những cánh đồng cỏ. Hiện tổng số người Zilka chừng 1,5 triệu, nhưng đó là con số không thật chính xác bởi rất khó kiểm kê đủ số người do họ vẫn sống du cư. Trong một năm, người Zilka có thể đi từ Nile thượng ở đông nam Sudan cho đến tây nam Ethiopia.

Người Zilka với đàn gia súc của mình.

Theo truyền thống, người Zilka sống du canh du cư, nhà cửa rất tạm bợ, tuy rằng một cộng đồng có thể lên tới 100 gia đình. Cách đây chưa lâu, hai nhiếp ảnh gia Carol Beckwith và Angela Fisher đã chụp một loạt hình ấn tượng miêu tả cuộc sống của những người Zilka chăn gia súc ở Nam Sudan. Bộ ảnh nằm trong dự án bảo tồn “nghi lễ thiêng liêng và truyền thống văn hóa của các bộ lạc châu Phi”.

Những gì được hai nhiếp ảnh gia công bố cho thấy tới nay cuộc sống du cư của người Zilka vẫn không hề thay đổi. Đó là những người đàn ông, đàn bà cao lênh khênh ăn mặc theo lối truyền thống. Những đứa trẻ thân hình gầy guộc hứa hẹn chiều cao đáng nể hàng ngày theo đuôi những con bò to lớn. Hầu hết chúng không đến trường. Mùa đông cũng như mùa hè ăn mặc rất sơ sài nhưng chúng không hề mặc cảm về điều đó.

Tuy nhiên, không phải lúc nào người Zilka cũng nay đây mai đó. Vào mùa mưa, họ sống trong những ngôi làng trên thảo nguyên và trồng ngũ cốc. Những lúc ấy, vai trò quan trọng thuộc về người đàn bà, con đàn ông không chăn thả gia súc cũng không săn bắn, nhiều người rủ nhau ra sông câu cá. Tối đến họ mới trở về nhà tham dự bữa cơm gia đình vì từ xưa người Zilka có thói quen ăn một bữa trong ngày. Họ chỉ ăn khi mặt trời đã lặn. Lúc đó, mọi người quây quần quanh bếp lửa để uống sữa, ăn cá, rau, nước đun sôi. Thịt dê cũng có nhưng không thật đều đặn trong bữa ăn hàng ngày.

Tới nay, các nhà nhân chủng học vẫn không lý giải được tại sao với chế độ ăn uống đạm bạc như vậy mà người Zilka ít khi bị bệnh tật, đặc biệt lại sở hữu thân hình cao lớn, săn chắc, dẻo dai hiếm có...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hai thái cực châu Phi