Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, nguyên Chính ủy quân giải phóng miền Nam sinh ngày 1/1/1914 tại Quảng Điền -Thừa Thiên. Thiếu tướng Lê Đình Thiệp, nguyên Chính ủy quân khu Tây bắc, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Lao động & Thương binh & Xã hội) cũng sinh vào ngày 1/1/1914 tại Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.
Gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Trên bước đường cách mạng, họ từng có nhiều năm tháng công tác bên nhau như khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là Hiệu trưởng trường Chỉnh huấn cán bộ quân đội, thì Tướng Thiệp được điều từ quân khu Việt Bắc về làm Phó hiệu trưởng trường này; ở Tổng cục chính trị QĐND VN nơi Tướng Nguyễn Chí Thanh nhiều năm là Chủ nhiệm Tổng cục, thì sau này ông Lê Đình Thiệp cũng là Bí thư Đảng ủy của Tổng cục. Và một điều đặc biệt nữa là, hai vị tướng lại là những thông gia của nhau. Con trai của tướng Lê Đình Thiệp là anh Lê Việt Bắc là một sỹ quan quân đội, đã kết hôn cùng chị Nguyễn Thị Thanh Hà cũng là một sỹ quan quân đội là con gái đầu lòng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Kể về ông Lê Đình Thiệp, trong “Lịch sử cách mạng Đảng bộ và nhân dân huyện Đông Anh 1930 – 2005” có ghi: Sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám (5-1941), Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định xây dựng vùng xung quanh Hà Nội thành an toàn khu (ATK) của Trung ương, gồm các huyện Hoài Đức, Đông Anh, Từ Sơn, một phần huyện Gia Lâm và một phần huyện Yên Lãng.
Đông Anh nằm ở trung tâm ATK. Sau đó các cơ sở cách mạng trong ATK1 (vùng an toàn khu chính thức) ngày càng phát triển rộng, nhiệm vụ càng nặng nề hơn, Thường vụ Trung ương đã tăng cường cho đội công tác nhiều cán bộ: Hoàng Tùng, Trần Quốc Hương (Mười Hương), Trần Độ, Lê Đình Thiệp, Trần Cư, Nguyễn Thị Điệp (Hằng), Nguyễn Thị Hải.
Tháng 7 năm 1943, đồng chí Trần Độ được cử làm đội trưởng đồng thời làm Bí thư chi bộ đội công tác hoạt động từ Ba Đê lên vùng Võng La, Viên Nội,… đồng chí Nguyễn Thị Hằng (Điệp) tăng cường từ khu vực Ba Đê trở xuống, thường hoạt động tại Văn Tinh, Xuân Trạch, Lại Đà, Hội Phụ, Du Lâm.
Tại Văn Tinh, gia đình ông Lĩnh, ông Ký là nơi ăn ở và làm việc của các đồng chí Lê Đình Thiệp, Nguyễn Thị Điệp (Hằng); các đồng chí Trần Độ, Trần Cư còn đến đây trao đổi công tác với Đội công tác, huấn luyện quân sự cho đội tự vệ Xuân Trạch.
Tờ mờ sáng ngày 21/8/1945, từng đoàn người xếp theo đội ngũ, từ các ngả tiến về gốc gạo Ba Đê hợp nhất thành đoàn biểu tình vũ trang khởi nghĩa do Ban công tác đội ATK tổ chức và chỉ huy. Đồng chí Trần Độ, chỉ huy trưởng – phụ trách chung; đồng chí Lê Đình Thiệp chỉ huy phó – phụ trách khối tự vệ chiến đấu; đồng chí Nguyễn Thị Điệp (Hằng) chỉ huy phó – phụ trách khối quần chúng. Sau khi chỉnh đốn đội ngũ, chỉ huy trưởng nói vài nét về tình hình, về thời cơ và nhiệm vụ … và ra lệnh xuất phát. Đoàn biểu tình đông tới hàng ngàn người, hành quân dài hàng cây số. Đi đầu là khẩu đại liên Chiêu Hòa do tự vệ khiêng, hơn 10 cây súng trường, rồi đến tự vệ mang vũ khí thô sơ. Tiếp sau là khối các đoàn thể cách mạng hàng ngũ uy nghiêm, khí thế bừng bừng. Ngay sau khi làm chủ hoàn toàn được huyện, Ủy ban khởi nghĩa đã tổ chức mít tinh thành lập UBND cách mạng lâm thời. Đồng chí Lê Đình Thiệp được cử làm Chủ tịch; đồng chí Nguyễn Thị Điệp (Hằng), Phó Chủ tịch huyện.
(Trích “Lịch sử cách mạng Đảng bộ và nhân dân huyện Đông Anh 1930 – 2005”, Nhà xuất bản Hà Nội, 2005)
Chân dung Thiếu tướng Lê Đình Thiệp.
Đồng chí Chủ tịch Lê Đình Thiệp chính là Thiếu tướng Lê Đình Thiệp sau này. Ông sinh tại thôn Du La, xã Cẩm Chế, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương trong một gia đình nông dân nghèo. Ông tham gia Cách mạng từ tháng 3 năm 1937, được kết nạp vào Đảng tháng 10 năm 1939. Từ buổi đầu sớm giác ngộ, ông tham gia Hội ái hữu thợ giặt, Tự vệ Đỏ của thành phố Hà Nội, gia nhập Đoàn Thanh niên phản đế, là Ủy viên Ban Chấp hành Công hội Đỏ thành phố Hà Nội, phụ trách binh vận ở tổng Sơn Tây, công tác tại Ban Kinh tế và Ban Công tác Đội bảo vệ an toàn khu của Trung ương, Bí thư Huyện ủy Đông Anh, Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên, phái viên kiểm tra Liên khu Việt Bắc. Sau khi tăng cường cho quân đội, ông là Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy Sư đoàn 349, Phó Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Trường Chỉnh huấn cán bộ trung cao Quân đội, Phó Chính ủy kiêm Phó Bí thư Quân khu ủy Việt Bắc. Từ 1958 đến 8-1969, ông giữ các chức vụ: Ủy viên Thường vụ Khu ủy Khu tự trị Việt Bắc, Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy Quân khu Tây Bắc, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương, Bí thư Đảng ủy Đảng bộ Tổng cục Chính trị, Bí thư Ban Cán sự Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương, Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Học viện Chính trị Quân sự, và Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ LĐTB&XH). Quá trình tham gia cách mạng, ông từng được trao tặng nhiều huân huy chương cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và Huân chương Hồ Chí Minh được truy tặng ngày 15/4/2011. Trong buổi lễ trao tặng huân chương Hồ Chí Minh, Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân (Nay là Chủ tịch Quốc hội) nhấn mạnh, “đây là phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng, ghi nhận những công lao to lớn, thành tích đặc biệt xuất sắc của đồng chí Lê Đình Thiệp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Qua nhiều vị trí và cương vị công tác, trong bất cứ hoàn cảnh nào đồng chí đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có nhiều đóng góp tích cực như đưa chính sách thương bệnh binh phát triển toàn diện về trợ cấp, chăm sóc đời sống, sắp xếp việc làm, qua đó đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, và của mọi cấp, mọi ngành cho công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, góp phần làm tốt công tác hậu phương quân đội, động viên cán bộ, chiến sĩ hăng hái trong chiến đấu, nhân dân hết lòng chi viện cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Đình Thiệp mãi mãi là tấm gương sáng cho anh em đồng chí, đồng nghiệp, gia đình và con cháu noi theo”.
Con trai của ông Lê Đình Thiệp là anh Lê Việt Bắc, tuổi nhỏ theo học trường thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, cùng các bạn học Võ Dũng, Nguyễn Thiện Nhân, Trần Kiến Quốc, Dương Minh Đức...và Nguyễn Thị Thanh Hà. Rồi sau này cũng như các bạn học, cả anh chị đều tham gia quân đội, tiếp tục con đường binh nghiệp của cha anh mình, và đều trở thành những sỹ quan xuất sắc. Tình yêu của họ gắn liền với màu xanh quân phục, mái nhà nhỏ của họ nằm trong mái nhà chung của đơn vị, cho đến mãi sau này khi chị Thanh Hà chuyển ra bên ngoài làm Cục phó Cục hàng không, thì họ vẫn sống ở phố nhà binh Lý Nam Đế, với tất cả vui buồn của cuộc sống người lính. Anh Lê Việt Bắc tuy là rể, nhưng luôn yêu thương chăm sóc gia đình vợ như gia đình mình, luôn là “anh hai” của các em vợ, và cũng như vậy với chị Thanh Hà, luôn coi bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ của mình. Tôi không bao giờ quên được tiếng reo vui của chị cách đây ít năm khi thông báo cho anh em bạn bè chúng tôi hay bố chồng của mình là ông Lê Đình Thiệp đã đựợc Nhà nước truy tặng Huân chương cao quý Hồ Chí Minh - Một niềm hạnh phúc lớn của gia đình và những người con...