Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc vừa có thông báo về việc tiếp tục cho phép người lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam thuộc diện E-9 đang làm việc tại Hàn Quốc sắp hết hạn hợp đồng được tự động gia hạn thời gian làm việc.
Những đối tượng nào được gia hạn?
Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, đây là lần gia hạn thứ 3 liên tiếp kể từ ngày 13/4/2021 và tiếp tục được xem là một trong những giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng nặng nề tới Hàn Quốc.
Có hai nhóm đối tượng được gia hạn trong đợt này. Một là người lao động diện E-9 hợp pháp có thời hạn hợp đồng kết thúc trong khoảng thời gian từ 13/4/2022 đến 31/12/2022 (bao gồm lao động hết hạn 3 năm và 4 năm 10 tháng), nhưng chưa từng được gia hạn hợp đồng trong các lần gia hạn trước đây.
Nhóm thứ hai là người lao động diện E-9 hợp pháp đã từng được tự động được gia hạn 1 năm, hoặc đã từng được gia hạn một đợt 50 ngày và một đợt 1 nằm trong các lần gia hạn trước đây, có thời hạn hợp đồng kết thúc trong khoảng thời gian từ 13/4/2022 đến 30/6/2022. Tuy nhiên quy định này không áp dụng đối với người lao động kết thúc hợp đồng 4 năm 10 tháng và trước đây đã được gia hạn 50 ngày và sau đó tiếp tục được gia hạn thêm 1 năm.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh- Xã hội Nguyễn Bá Hoa cho biết, cùng với các thị trường truyền thống, Bộ đang thúc đẩy ký kết các thỏa thuận về hợp tác lao động đối với CHLB Đức, Australia (Chương trình Visa nông nghiệp), với Israel và một số thị trường châu Âu khác. Như vậy, kế hoạch 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022 có khả năng thực hiện được.
Trước đó, hồi cuối tháng 12/2021, Ủy ban Chính sách nhân lực nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc đồng ý cho phép tự động gia hạn thời gian cư trú thêm 1 năm đối với lao động nước ngoài theo Chương trình EPS (visa E-9) có thời điểm kết thúc hợp đồng (hợp đồng 3 năm hoặc hợp đồng 4 năm 10 tháng) trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 đến 12/4/2022.
Thị trường tiềm năng
Không chỉ gia hạn thời gian cư trú mà trước đó Chính phủ Hàn Quốc cũng đã có thông báo Việt Nam không nằm trong danh sách các quốc gia cần tăng cường kiểm dịch. Theo đó, kể từ ngày 1/4, lao động Việt Nam nhập cảnh vào Hàn Quốc được tiếp tục áp dụng các quy định về miễn cách ly y tế trong thời gian 7 ngày nếu đã tiêm đủ số liều cơ bản vaccine phòng, chống Covid-19.
Ngoài xác nhận về tiêm chủng, lao động khi nhập cảnh vào Hàn Quốc cần có chứng nhận xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước khi xuất cảnh và kiểm tra mã Q-code khi nhập cảnh.
Việt Nam đang đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc ở một số ngành nghề như: Công nghiệp; dịch vụ; nông nghiệp, thuyền viên. Các lao động chủ yếu đi theo chương trình Cấp phép việc làm giá rẻ (EPS) và chương trình thuyền viên. Đây đều là các chương trình tốt được lao động Việt Nam đăng ký tham gia cao, tỷ lệ lao động trúng tuyển lớn.
Trong năm 2022, tổng chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS) Hàn Quốc sẽ tiếp nhận 59.000 người (tăng 7.000 chỉ tiêu so với năm 2021). Phân bổ theo ngành nghề, ngành sản xuất chế tạo 44.500 chỉ tiêu (tăng 6.800 chỉ tiêu so với năm 2021); nông nghiệp, chăn nuôi 8.000 chỉ tiêu (tăng 1.600 chỉ tiêu); ngư nghiệp 4.000 chỉ tiêu (tăng 1.000 chỉ tiêu); xây dựng 2.400 chỉ tiêu (tăng 600 chỉ tiêu) và dịch vụ 100 chỉ tiêu (giữ nguyên so với năm 2021).
Có thể thấy sau gần 2 năm “ngủ đông” do dịch Covid hiện nay lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã có sự khởi sắc. Tuy nhiên để nắm bắt được cơ hội, lĩnh vực xuất khẩu lao động cần có sự thay đổi về nâng cao chất lượng cũng như giám sát quản lý, hạn chế những tiêu cực trong hoạt động XKLĐ.
Thực tế ngay thị trường Hàn Quốc, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc đối tượng môi giới lừa đảo đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. Các đối tượng môi giới chào mời, quảng bá có thể đưa người lao động sang làm công việc thời vụ tại Hàn Quốc với visa C4 và E-8 theo Thỏa thuận ký kết giữa địa phương của Việt Nam với địa phương của Hàn Quốc.
Các đối tượng môi giới cam kết sẽ đảm bảo các thủ tục đưa người lao động sang Hàn Quốc theo chương trình này để thu tiền bất chính của người lao động. Thậm chí còn có cả website quảng bá về hoạt động của doanh nghiệp và hình ảnh tuyển chọn, đào tạo người lao động và nơi người lao động làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, các đối tượng này cũng lợi dụng uy tín của các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để lập ra các công ty có tên tương tự nhằm đánh lừa người lao động.
Trước thực tế này, ông Nguyễn Gia Liêm khuyến cáo, để tránh bị lừa đảo người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần trực tiếp liên hệ đến doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ LĐTB&XH cấp.