Gần Tết, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, vấn nạn hàng giả, hàng nhái lại gia tăng về số lượng lẫn chủng loại, vươn “vòi bạch tuộc” ra khắp các địa phương, từ thành thị đến nông thôn, thậm chí len lỏi cả vào các trung tâm thương mại, siêu thị lớn.
Thực trạng hàng gian, hàng giả, kém chất lượng vẫn chưa khi nào hết nhức nhối, càng lùi về cuối năm, cận Tết, vấn nạn này càng có xu hướng “vươn” mạnh hơn ra thị trường. Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Thế nhưng dường như sự vào cuộc của nhà quản lý, cơ quan chức năng vẫn chưa đủ lực để triệt tiêu vấn nạn này.
Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, cơ quan chức năng vừa phát hiện và tiêu hủy hơn 200 đôi giày thời trang là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng tại Hà Giang.
Theo đó, kết thúc quá trình xác minh và trình cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt, Đội Quản lý thị trường số 1 (QLTT) - Cục QLTT tỉnh Hà Giang cùng các cơ quan liên quan đã giám sát tiêu hủy 215 đôi giày là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng (Gucci).
Trước đó, ngày 4/1/2021, cũng đơn vị này đã phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an thành phố Hà Giang dừng để khám phương tiện vận tải xe ô tô biển kiểm soát 34C-220.44 nhãn hiệu KIA, do tài xế Vũ Khánh Dương điều khiển. Kết quả khám phát hiện 215 đôi giày thời trang có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng Gucci đang được bảo hộ tại Việt Nam. Toàn bộ số hàng hóa do ông Dương khai nhận là chủ hàng và không xuất trình được bất kỳ một loại hóa đơn, chứng từ gì liên quan đến hàng hóa.
Kết thúc quá trình xác minh, Đội QLTT số 1 đã trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Dương. Ngày 18/1/2021, cơ quan chức năng đã buộc tiêu huỷ toàn bộ sản phẩm hàng hoá giả mạo nhãn hiệu nói trên.
Một vụ việc bắt rượu nhập lậu cũng đã được cơ quan QLTT tỉnh Lào Cai xử lý hôm 16/1 vừa qua. Cụ thể, theo Cục QLTT tỉnh Lào Cai, cơ quan này đã tạm giữ gần 1.100 lọ rượu trái cây nhập lậu được đóng trong 90 hộp carton (12 lọ/hộp) có dung tích 500ml/lọ. Toàn bộ vỏ hộp có ghi chữ nước ngoài, hoàn toàn không có hóa đơn, chứng từ.
Tại thời điểm kiểm tra chủ hàng là bà Nguyễn Thị Len (sinh năm 1967, trú tại tổ 55, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai). Đội QLTT số 5 đã ra quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng trên để xử lý theo quy định. Giá trị ước tính gần 50 triệu đồng.
Đáng quan ngại, không chỉ các sản phẩm tiêu dùng bị nhái, làm giả, mà các sản phẩm thực phẩm “bẩn” cũng được các đối tượng tuồn vào thị trường dịp cận Tết, gây hoang mang cho người tiêu dùng, bởi thực phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sinh mạng của con người.
Còn tại Bình Dương, Cục QLTT vừa qua đã thu giữ được gần 430kg thực phẩm đông lạnh khi thực hiện kiểm soát vào ban đêm ở quốc lộ 14. Đáng chú ý, số lượng thực phẩm đông lạnh này lại được vận chuyển trên xe vận tải thông thường, không phải xe đông lạnh. Theo chủ hàng, do “số lượng ít” nên gửi xe khách cho tiện.
Trước đó, Cục QLTT Bắc Giang cũng đã phát hiện một xe ôtô vận chuyển 440 hộp chất bột (loại 0,5kg) có trọng lượng 220kg, được sản xuất từ nước ngoài nhưng không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Qua đấu tranh, chủ hàng khai nhận hàng hóa là chất phụ gia thực phẩm (chất điều vị hương và hương vị thịt).
Có thể thấy, vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn đang từng ngày, từng giờ tìm cách len lỏi vào thị trường, đe dọa đời sống người dân, làm tổn thất uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Nêu nguyên nhân của thực trạng này, chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú nhận định, do chế tài chưa đủ sức răn đe, trong khi lợi nhuận lại rất lớn, nên các đối tượng không từ bất cứ thủ đoạn nào để thực hiện các hành vi vi phạm, tuồn hàng giả, hàng nhái vào thị trường. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý tuy đông nhưng không mạnh, chức năng quản lý còn chồng chéo... dẫn đến hiệu quả quản lý chưa được như kỳ vọng. Ngoài ra, chính tâm lý “ham của rẻ” của người tiêu dùng vẫn đang trở thành hành vi tiếp tay cho các đối tượng vi phạm.
Theo đại diện Tổng cục QLTT, thời gian qua cơ quan QLTT các địa phương đều khẳng định, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường là hoạt động hàng ngày của lực lượng QLTT. Tuy nhiên, đại diện cơ quan QLTT thừa nhận, dịp cuối năm, cận tết vẫn là dịp vấn nạn này gia tăng mạnh nhất, bởi vậy công tác kiểm tra kiểm soát vào thời điểm này đều phải tăng cường gấp nhiều lần, bất kể ngày hay đêm.