Đơn vị nghiệp vụ của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) vừa phối hợp với QLTT Hà Nội kiểm tra, phát hiện và thu giữ hàng nghìn sản phẩm lậu được vận chuyển bằng đường hàng không đến “tập kết” tại kho hàng hóa nội địa (NCTS), thuộc Công ty CP dịch vụ hàng hóa Nội Bài. Dư luận không thể hiểu nổi vì sao một lô hàng lậu lớn như vậy lại có thể dễ dàng “đi máy bay”, sau đó lại dễ dàng được nhập kho của Công ty CP dịch vụ hàng hóa Nội Bài mà không hề bị phát hiện.
Thông tin ban đầu của cơ quan QLTT cho thấy, có đến 1.877 sản phẩm hàng lậu các loại, chứa đựng trong 43 kiện và 10 thùng chứa hàng, gồm: Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, tân dược, đồ gia dụng, đồ chơi (con thú), sữa các loại... đã “lọt lưới” sự kiểm soát của Vietnam Airlines và Công ty CP dịch vụ hàng hóa Nội Bài để “đi máy bay” từ TP HCM ra Hà Nội rồi “chui” vào kho hàng chờ ngày tung ra thị trường tiêu thụ. Điều đó dấy lên lo ngại rằng, hàng không sẽ trở thành con đường an toàn cho hàng lậu.
Giả sử như là một kho lưu giữ hàng hóa bình thường hay của tư nhân thì việc để lọt hàng nghìn sản phẩm lậu vào là chuyện dễ hiểu. Song, Công ty CP dịch vụ hàng hóa Nội Bài là đơn vị chuyên nghiệp, cung cấp dịch vụ hàng hóa cho 27/55 hãng hàng không trong và ngoài nước thì không thể có chuyện “sơ ý” như vậy. Nếu nói là sơ ý, giả sử các đường dây buôn lậu ma túy đưa heroin, thuốc lắc... từ tam giác vàng về cất giữ tại kho hàng của Công ty CP dịch vụ hàng hóa Nội Bài thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Ngay cả Vietnam Airlines cũng không thể nói không biết có lô hàng lậu lớn như vậy được doanh nghiệp này vận chuyển từ Nam ra Bắc. Ngay cả khi máy móc bỗng dưng “hỏng”, đội ngũ nhân viên chưa làm hết trách nhiệm, thì vẫn còn có các thủ tục giấy tờ phải khai báo, làm sao có thể không phát hiện hàng lậu?!
Đó là còn chưa kể khi hàng nghìn mặt hàng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ nhập từ nước ngoài về TP HCM, lực lượng hải quan ở đâu để lô hàng lậu lớn như vậy có thể dễ dàng được thông quan vào nội địa? Nếu tới đây cơ quan chức năng điều tra phát hiện ra đây chính là đường dây chuyên vận chuyển hàng lậu bằng đường hàng không thì những đơn vị liên quan không thể tránh khỏi trách nhiệm. Sẽ không có bất cứ cá nhân, tổ chức nào có thể hình thành “đường dây” vi phạm pháp luật, nếu không có sự bảo kê, dung túng, nhấm nháy tiêu cực của một số cán bộ, công chức thoái hóa biến chất.
Lâu nay có một thực tế là khi lực lượng QLTT hay cảnh sát kinh tế phát hiện, bắt giữ hàng lậu thì không thể tìm được chủ hàng, mà chỉ có những người vận chuyển thuê. Theo đó, số đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi buôn lậu không nhiều, không đủ sức răn đe, trấn áp những kẻ đã, đang và sẽ có ý định buôn lậu. Đây chính là lỗ hổng lớn trong hành lang pháp lý đã tồn tại khá lâu nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp khắc phục triệt để nhằm bịt lại. Đó chính là lý do nạn buôn lậu không có dấu hiệu thuyên giảm.
Chỉ trong thời gian ngắn gần đây, lực lượng QLTT của Hà Nội và TP HCM liên tục phát hiện, xử lý nhiều tụ điểm buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng nhái những thương hiệu lớn. Những lô hàng giả, hàng nhái, hàng lậu đó ở đâu ra nếu không phải là được lén lút đưa vào thị trường nội địa từ nước ngoài? Song, cuối cùng hình thức xử lý cũng chỉ dừng lại ở việc xử phạt vi phạm hành chính, cùng lắm là tịch thu tang vật là hết. Hầu như chưa có chủ của số hàng lậu, hàng giả, hàng nhái nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Và trong những năm qua, có không ít vụ vận chuyển hàng lậu, hàng cấm bằng đường hàng không bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ (chưa kể những vụ việc trót lọt không bị phát hiện), nhưng chưa có bất cứ một cán bộ hải quan cửa khẩu nào phải chịu trách nhiệm. Các hãng hàng không cũng không hề bị “sờ” đến khi vận chuyển hàng lậu, hàng cấm cho các đường dây tội phạm. Khi mà việc làm sai chỉ là do lỗi khách quan, hoặc thậm chí nếu căng thẳng quá thì chỉ là “rút kinh nghiệm sâu sắc” thì nạn buôn lậu sẽ khó mà khống chế, kiểm soát và triệt tiêu được. Đơn giản vì làm sai không phải chịu trách nhiệm thì có gì phải sợ?