Những tháng cuối năm này, lợi dụng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa gia tăng trên thị trường, nhiều mặt hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm… được các đối tượng tung ra tiêu thụ với số lượng lớn.
Liên tiếp trong quãng thời gian ngắn từ đầu tháng 12 trở lại đây, nhiều vụ buôn lậu hàng giả, hàng nhái kém chất lượng bị bắt. Điều đáng quan tâm là một số lượng hàng giả hàng nhái này không những được đưa ra thị trường, tuồn vào chợ dân sinh, vào các shop kinh doanh dịp cuối năm mà còn tự do buôn bán trên mạng. Cũng do thương mại điện tử ngày càng gia tăng, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm qua mạng nhiều nên hàng giả, hàng nhái càng rộng đất sống.
Hàng giả bán theo hình thức thương mại điện tử với thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện và xử lý. Đáng chú ý, các loại hàng hóa này được bán trên các tên miền trùng hoặc gần giống với nhãn hiệu đã được đăng ký, gây nhầm lẫn cho người sử dụng.
Các nhóm hàng thường hay bị làm giả, nhái là: Đồ công nghệ, quần áo và giày dép, mỹ phẩm, đồ gia dụng. Nhiều mặt hàng có giá trị cao của nước ngoài cũng bị làm giả. Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tính riêng trong quý III/2020, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 63.110 vụ việc vi phạm; khởi tố 369 vụ với 454 đối tượng (tăng 25% so với cùng kỳ)
Chính cơ quan này cũng nhận xét, vấn nạn buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc trên các nền tảng thương mại điện tử đang là vấn đề nổi cộm, lực lượng chức năng đã ban hành nhiều kế hoạch để đấu tranh, tổ chức các đợt ra quân nhằm xử lý các vi phạm. Tuy nhiên, các hành vi gian lận thương mại trên môi trường điện tử vẫn rất phổ biến và ngày càng tinh vi.
Ông Hồ Tùng Bách - Phó Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương) cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2020, Cục đã nhận được 176 khiếu nại liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ.
“Dịp cuối năm là thời điểm để các đối tượng buôn lậu hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Vì thời gian này nhu cầu mua sắm tăng cao, chưa kể do ảnh hưởng của Covid-19, thu nhập người lao động giảm sút, không phải ai cũng đủ điều kiện mua hàng chất lượng, giá cao nên hàng lậu, hàng nhái càng có đất sống”- Ông Bách cho biết.
Để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, mới đây, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2021.
Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là các mặt hàng trọng điểm như thuốc lá, các loại pháo nổ, hàng may mặc, dược phẩm, đồ điện tử …
Ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách để xảy ra vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phức tạp, kéo dài. Đồng thời chỉ đạo, kiểm tra các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã phát hiện, bắt giữ.
“Cần có chế tài mạnh xử lý hành động mua gian bán lận, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh sẽ tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Khi đó sẽ thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững, tránh thất thu thuế cho Nhà nước”, Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.