Thời gian được ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ấn định cho sở - ngành liên quan, rà soát lại toàn bộ các dự án (DA), làm việc với các nhà đầu tư có DA được TP phê duyệt, cấp đất tại bán đảo Sơn Trà làm cơ sở để báo cáo Chính phủ là 20 ngày, kể từ ngày 1/6 đã qua.
Cho đến cuối ngày 21/6 vẫn chưa có thông tin từ sở - ngành có trách nhiệm của TP Đà Nẵng về rà soát và làm việc với chủ đầu tư các DA ở Sơn Trà - đặc biệt là với hơn 10 DA bỏ hoang hàng thập kỷ ở phía Đông bán đảo Sơn Trà.
Biệt thự thuộc Dự án du lịch, lưu trú bị bỏ hoang hàng chục năm ở sườn Đông và Đông - Nam Sơn Trà (Ảnh: Thanh Tùng).
15 cây số “phế tích”
Câu chuyện về Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Sơn Trà tầm nhìn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đang chờ một kết thúc có hậu.
Việc sườn Tây - Nam bán đảo Sơn Trà bị phá nát với 40 móng biệt thự xây không phép bị dư luận phát hiện từ giữa tháng 3 năm nay, là “giọt nước tràn ly” bộc lộ nhiều bất ổn trong quản lý, quy hoạch.
Theo con đường dài hơn 15 km phía Đông bán đảo Sơn Trà, du khách sẽ gặp hàng loạt biệt thự thuộc các DA du lịch, lưu trú bị đình trệ, hoang phế.
Từ năm 2008 ở Sơn Trà đã có 11 DA đầu tư du lịch, lưu trú. Trong đó có ít nhất 10 DA nằm ở sườn Đông và Đông – Nam. Từ chân núi đi lên, du khách dễ dàng nhìn thấy DA Khu du lịch Bãi Bụt của Công ty cổ phần (CTCP) Hải Duy bị bỏ hoang.
Tiếp đến là DA Savico của CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn, DA Biển Đông của Công ty TNHH Trường Phúc, DA Sơn Trà Resort và Spa của CTCP Sơn Trà, DA sinh thái biển Ghềnh Bàn Bãi Đa của CTCP Xây dựng 79.
Tất cả các DA này bị đình trệ trong gần 1 thập kỷ qua. DA đầu tư du lịch, lưu trú bị đình trệ, bỏ hoang chiếm diện tích rất lớn đất đai Sơn Trà.
Tại phiên họp thường kỳ của UBND TP Đà Nẵng ngày 1/6, ông Huỳnh Đức Thơ nêu ý kiến: Sơn Trà đang có 25 DA đầu tư.
Trong số này có 18 DA đầu tư du lịch có cơ sở lưu trú. Tổng diện tích đất được quy hoạch cho các DA là 1.222 ha. Tất cả các DA nói trên đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt đúng quy định, quy trình trước năm 2012.
Có thể nói, các DA được thành phố phê duyệt, cấp đất đều nằm ở vị trí đắc địa nhất của Sơn Trà, án ngữ lối đi và cả tầm nhìn của du khách trước trời biển bao la.
Với hàng trăm ha diện tích đất cấp cho các DA rồi bị bỏ hoang, TP Đà Nẵng đã lãng phí nguồn tài nguyên đất đai vô cùng lớn suốt hàng chục năm trời. Cộng với đó là những tác động tiêu cực về thiên nhiên, môi trường cả trước mắt cũng như lâu dài.
Thiếu vắng tham vấn, phản biện
Năm 1992, Sơn Trà được công nhận là Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) với tổng diện tích 4.400 ha. Tuy nhiên cho đến năm 2016, theo đánh giá của giới chuyên môn Sơn Trà đã bị mất đi 1/4 diện tích để phát triển thành Khu du lịch quốc gia.
Cũng có ý kiến cho rằng trên thực tế diện tích đất rừng mất đi của Sơn Trà chiếm 1/3 tổng diện tích 4.439 ha được công bố vào năm 1977.
Do tính chất đặc thù là KBTTN lại có cảnh quan biển – đảo tuyệt đẹp nên Sơn Trà trở thành mục tiêu đặc biệt cho các DA khách sạn, resorts…
Đây là nguyên nhân phát sinh hàng loạt vấn đề bất cập trong quản lý, bảo tồn thiên nhiên về xâm lại quy mô ranh giới KBT, mâu thuẫn giữa định hướng bảo tồn thiên nhiên và khai thác phát triển, cấp phép đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.
Thời hạn 3 tháng mà Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ấn định cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND.TP Đà Nẵng được tính tại cuộc họp giữa Phó Thủ tướng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP Đà Nẵng ngày 28/5.
Hạn chót để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND.TP Đà Nẵng trả lời dứt khoát, có đồng ý với Kiến nghị của Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng là ngày 30/8, đang cận kề.
“Kịch tính” quanh câu chuyện Sơn Trà không chỉ xoay quanh bản Kiến nghị về Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Sơn Trà của ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng gửi Thủ tướng mà phần nào cho thấy vai trò giám sát của cộng đồng dân cư, phản biện của giới chuyên môn, khoa học bị xem nhẹ.
Trước khi Quy hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Tổng cục Du lịch chấp bút được công bố, hoàn toàn thiếu vắng tham vấn, phản biện khoa học từ tổ chức xã hội, giới chuyên môn và cộng đồng dân cư về bản quy hoạch này.
Hàng loạt DA bị bỏ hoang, trở thành “phế tích” ở sườn Đông Sơn Trà là hậu quả rõ nhất của việc cấp - ngành có trách nhiệm ở Đà Nẵng bỏ qua vai trò tham vấn, phản biện của giới khoa học và của người dân
Không bao giờ là quá muộn nếu như địa phương và ngành quản lý lắng nghe, ghi nhận một cách cầu thị phản ánh từ báo chí – đặc biệt là các tham vấn, phản biện khoa học, tâm huyết từ cộng đồng trước mỗi chủ trương, quyết sách về quy hoạch.