Không chỉ đảm bảo tính minh bạch, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng hóa qua chợ đầu mối sẽ hạn chế được khâu trung gian, từ đó sẽ không còn những mối lo về việc bị thương lái ép giá, người nông dân được thụ hưởng đúng giá trị sản phẩm mình làm ra.
1 kg rau sạch bình thường người nông dân chỉ bán được khoảng 2.000 đồng thì khi qua chợ đầu mối, giá này có thể lên tới 7-8.000 đồng/kg. Không chỉ đảm bảo tốt về giá, hàng hóa qua chợ đầu mối còn được kiểm soát về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Thế nhưng, các chợ đầu mối ở Việt Nam vẫn chưa thực hiện đúng và đầy đủ chức năng của nó.
Lâu nay, các sản phẩm nông sản như thịt lợn, thịt gà, rau củ quả… đến tay người tiêu dùng thường có mức giá khá cao. Thế nhưng giá trị thực mà người nông dân – nhà sản xuất nhận về lại thấp vô cùng. Một kg rau chỉ nhận được 2, 3 ngàn đồng, thậm chí còn thấp hơn nếu vào chính vụ, được mùa. Còn giá một kg vải, nhãn cũng chưa đến 10 ngàn đồng. Hay giá thịt gà bán tại chợ truyền thống ở một số tỉnh, thành như Vĩnh Phúc, Hòa Bình chỉ dao động từ 50-60 ngàn đồng/kg…
Theo giới chuyên gia kinh tế, tình trạng này sẽ chấm dứt nếu Việt Nam phát triển mô hình chợ đầu mối theo đúng quy chuẩn quốc tế. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội không ít lần nhắc đến vai trò quan trọng của chợ đầu mối trong việc nâng cao chất lượng và giá trị hàng hóa của người nông dân.
“Tại Hàn Quốc, hàng hóa sau khi thu hoạch, nhất là hàng nông sản thực phẩm, thủy hải sản… nhất thiết cần phải gom vào các chợ đầu mối. Việc tổ chức này vừa quản lý được chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, vừa nắm vững cung cầu hàng hóa phục vụ cho từng địa bàn mà chợ đầu mối được phân công đảm nhiệm”, ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Tất nhiên là các chợ đầu mối phải có đầu vào là các vùng sản xuất lớn tập trung, sản xuất sạch để cung cấp hàng hóa cho chợ. Điều lợi nữa là lợi nhuận trong chuỗi giá trị hàng hóa từ sản xuất đến trao đổi, phân phối tiêu dùng được phân chia một cách tương đối hợp lý.
Nếu như một kg rau bình thường người nông dân chỉ bán được giá 2000-3000 đồng thì khi qua chợ đầu mối, giá này được nâng lên gấp 4,5 lần. “Chợ đầu mối là nơi các sản phẩm hàng hóa đã qua kiểm soát và đảm bảo về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nói như chúng ta hay nói là “hàng sạch”, “nông sản sạch”. Và như thế, rõ ràng giá trị hàng hóa của người nông dân được nâng lên. Bản thân người tiêu dùng cũng yên tâm khi mua hàng”, chuyên gia Vũ Vinh Phú nêu quan điểm.
Nhiều người vẫn quen với những cái tên của các chợ đầu mối phía Bắc như Đồng Xuân, Long Biên, chợ Đền Lừ; phía Nam là Bình Điền, Bến Thành, Thủ Đức… song thực tế, những chợ này vẫn chưa hoạt động đúng với quy chuẩn của một chợ đầu mối. Theo ông Phú, chợ đầu mối tại Việt Nam chủ yếu làm nhiệm vụ gom hàng lại, có thể kiểm tra chất lượng sơ bộ và cung cấp cho các siêu thị, chợ nhỏ lẻ trong thành phố hay các tiểu thương về bán lẻ tại các chợ truyền thống.
Trong khi các chợ đầu mối ở các nước để hoạt động phải có hàng loạt các chức năng, như giao dịch buôn bán thông qua đấu giá công khai trên sàn giao dịch nằm trong từng chợ đầu mối. Đây là một mô hình mua bán rất minh bạch công khai và văn minh, trước hết đem lại lợi ích cho người sản xuất, sau đó cho cả người tiêu dùng xã hội. Nhìn rộng ra, chợ đầu mối từng vùng còn là nơi thu hút các nhà đầu tư du lịch. Hệ thống hậu cần của chợ được tổ chức quy mô, văn minh và hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường và hiệu quả.
Không chỉ đảm bảo tính minh bạch, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng hóa qua chợ đầu mối sẽ hạn chế được khâu trung gian, từ đó sẽ không còn những mối lo về việc bị thương lái ép giá, người nông dân được thụ hưởng đúng giá trị sản phẩm mình làm ra.
Và hiện nay tư duy “ham của rẻ” đã dần được thay đổi bằng “chất lượng tốt” và “vệ sinh an toàn thực phẩm”, những sản phẩm không được qua khâu kiểm soát thực phẩm cũng như không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ không còn là lựa chọn của người tiêu dùng. Bởi vậy, việc xây dựng các chợ đầu mối đúng quy chuẩn rất cần được xem xét và sớm triển khai phù hợp với xu hướng hội nhập hiện nay.