Hàng Việt tiếp tục chinh phục người Việt

LAM HỒNG 27/07/2023 07:00

TP Hồ Chí Minh đã phát huy được vai trò tiên phong, sáng tạo, gắn Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động) với chương trình bình ổn thị trường. Nhờ vậy đã tạo sức lan tỏa và chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành vi của người tiêu dùng trong việc ưu tiên sử dụng hàng Việt.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân.

Chất lượng ngày càng nâng cao

Theo ông Ngô Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM, trong năm 2022, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã quyết tâm triển khai nội dung Cuộc vận động. Nhờ đó đã đạt được nhiều kết quả đáng chú ý. Cụ thể, công tác tuyên truyền từng bước làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Hàng hóa mang thương hiệu Việt ngày càng được chú trọng hơn về chất lượng, mẫu mã.

Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với lợi ích của người tiêu dùng, mạnh dạn đầu tư, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt với giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo ông Huỳnh Thanh Tuấn - Giám đốc Phòng Quản lý chất lượng Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (SGC), với định hướng nhất quán trong phát triển hàng Việt, TPHCM triển khai vận hành đồng bộ và có hiệu quả hệ thống 800 điểm bán, với đa dạng các mô hình doanh nghiệp cùng tham gia, tỷ lệ hàng Việt ngày càng được nâng cao. Riêng hàng trong hệ thống thuộc SGC luôn duy trì trên 90%, phục vụ nhiều phân khúc khách hàng khác nhau, từ kênh truyền thống đến kênh trực tuyến, từ thành thị đến nông thôn.

Ngoài các giải pháp chuyên môn trong bán lẻ, các doanh nghiệp TPHCM cũng tích cực hưởng ứng chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”, thực hiện 300 chuyến bán hàng lưu động mang hàng hóa bình ổn đến với người tiêu dùng tại các vùng sâu, vùng xa, khu chế xuất, khu công nghiệp, vùng bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, tích cực triển khai nhanh các phương án “giải cứu”, tiêu thụ nông sản tại nhiều tỉnh, thành, địa phương như dưa hấu của tỉnh Kon Tum, thanh long của tỉnh Bình Thuận…

Chinh phục người tiêu dùng

Là địa phương vùng ngoại thành có nhiều điều kiện để phát triển các mặt hàng nông nghiệp, ông Lê Đình Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi chia sẻ, lãnh đạo huyện thường xuyên hỗ trợ kết nối chuỗi cung ứng tiêu thụ nông sản giữa kinh tế hợp tác xã, doanh nghiệp, nông hộ và người tiêu dùng thông qua các trang thông tin điện tử, ứng dụng và các trang mạng xã hội. Song song đó, huyện còn giúp các đơn vị sản xuất và cung ứng nông sản tham gia các sàn giao dịch thương mại, kinh tế chia sẻ, phát triển các nền tảng giao dịch trực tuyến… để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng tăng tỷ trọng của nông nghiệp, góp phần mở rộng thị trường, nâng cao năng lực phát triển sản phẩm.

Để nâng cao hiệu quả Cuộc vận động, bà Trần Kim Yến - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cho rằng, trước hết cần nâng tầm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sang “Hàng Việt chinh phục người Việt”, lúc này doanh nghiệp và hàng hoá chinh phục, tìm đến để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, chứ không chỉ dừng lại ở mức “ưu tiên” dùng hàng Việt như trước đây. Như vậy hàng hoá Việt mới thực sự phát triển bền vững.

“Tập trung các giải pháp hỗ trợ, định hướng, giúp chuẩn hóa có truy xuất nguồn gốc sản xuất ngành hàng nông sản thực phẩm tươi sống, là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, gắn liền với đời sống hàng ngày của người dân, giúp ổn định cung - cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất, gián tiếp hỗ trợ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm, đây là mối quan tâm lớn nhất của người dân hiện nay” - bà Yến nhấn mạnh.

Theo bà Yến, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục, là giải pháp hàng đầu, nhằm tạo sự đồng thuận xã hội cao, qua đó tiếp tục xây dựng thói quen, nét đẹp văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam.

Bà Yến đề nghị, chính quyền TPHCM cần tiếp tục thực hiện tốt chương trình hành động thực hiện Cuộc vận động, cụ thể hóa công tác quản lý nhà nước nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp củng cố và nâng cao năng lực hoạt động. Tăng cường kết nối các tỉnh, thành trong cả nước nhằm tạo thêm sức mạnh tổng hợp trong sản xuất kinh doanh hàng Việt Nam...

“Các doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối cần tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng hàng hóa, mang lại sự yên tâm, giúp người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm, quyết định chọn mua hàng Việt Nam thay thế cho các sản phẩm ngoại nhập. Để làm được điều đó, cần phải thể hiện quyết tâm chung của lãnh đạo thành phố, cả hệ thống chính trị và người dân trong xây dựng văn hóa mua sắm hàng hóa Việt Nam, bảo vệ nền sản xuất quốc gia” - Ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng Việt tiếp tục chinh phục người Việt