Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng hàng Việt vẫn khó khăn khi tìm đường vào siêu thị. Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho rằng, trên thực tế hàng hóa khi gia nhập vào các hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, đại siêu thị chưa bao giờ dễ dàng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do kênh bán lẻ hiện đại ở Việt Nam còn khá ít, chưa đạt được 30% thị phần, trong khi kế hoạch của Bộ Công thương đưa ra là năm 2020 chúng ta phải đạt được 40%.
Tại các siêu thị, hàng Việt vẫn chưa được người tiêu dùng lựa chọn nhiều.
Theo khẳng định của lãnh đạo các siêu thị cũng như nhiều kênh phân phối hiện đại, hàng Việt đã chiếm một tỷ lệ không nhỏ tại các kênh phân phối này, song thực tế, khảo sát của phóng viên tại nhiều kênh bán hàng hiện đại cho thấy, hàng Việt vẫn khá lép vế so với hàng ngoại nhập.
Chỗ đứng khá khiêm tốn
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” góp phần không nhỏ trong việc thay đổi tư duy tiêu dùng của người Việt. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo cuộc vận động, nếu như năm 2006, tỷ trọng hàng Việt bán trong các siêu thị chỉ chiếm chưa đầy 50% thì hiện tại, con số này đã được thay thế bằng mức 80-90%, thậm chí, có những đơn vị đã coi hàng Việt là sự lựa chọn duy nhất, như Vinatexmart chỉ bán 100% hàng Việt…
Con số đưa ra là như vậy song thực tế, theo khảo sát của phóng viên tại một số hệ thống siêu thị như Big C, Fivimart…, hàng nhập ngoại vẫn chiếm tỷ lệ lớn, và sự lựa chọn của người tiêu dùng vẫn chưa hoàn toàn thiên về hàng Việt. Tại các kệ bán hàng của siêu thị Big C, dù hàng hóa Việt được bày bán rất nhiều nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn lựa chọn các dòng sản phẩm nghiêng về phía hàng Thái Lan, hàng Nhật Bản nhiều hơn. Ngay cả các loại bánh kẹo nếu có xuất xứ Nhật Bản cũng bán chạy hơn hẳn so với đồ ăn “made in Việt Nam”.
Theo phản ánh của nhiều người tiêu dùng, không phải họ quay lưng với hàng Việt, mà khi vào siêu thị, nếu cùng một loại sản phẩm nhưng một loại xuất xứ từ Nhật Bản, một loại từ Việt Nam mà giá lại không chênh bao nhiêu thì tất yếu họ sẽ lựa chọn hàng Nhật Bản.
Như vậy, có thể thấy rõ, cho dù phần lớn các siêu thị đều khẳng định số lượng hàng Việt Nam vẫn chiếm ưu thế trong các kênh phân phối hiện đại nhưng thực tế diễn ra cho thấy, hàng Việt vẫn đang bị lép vế hẳn so với hàng ngoại nhập. Điều này cho thấy, có vẻ như con đường đến với các kênh phân phối hiện đại của hàng hóa Việt Nam vẫn khá gian nan. Một DN cà phê phản ánh, muốn chen chân vào được các kênh phân phối hiện đại, DN gặp rất nhiều yêu cầu từ phía chủ siêu thị, và mệt nhất là khi đưa hàng vào các siêu thị, mức chiết khấu rất cao, thường cao hơn so với kênh bán lẻ khoảng 10%. Thực tế này khiến nhiều DN nản.
Hàng Việt vẫn gặp khó khăn khi vào hệ thống siêu thị. (Ảnh minh họa).
Xé lẻ là khó thắng
Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam thừa nhận, trên thực tế hàng hóa khi gia nhập vào các hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, đại siêu thị chưa bao giờ dễ dàng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do kênh bán lẻ hiện đại ở Việt Nam còn khá ít, chưa đạt được 30% thị phần trong khi kế hoạch của Bộ Công thương đưa ra là năm 2020 chúng ta phải đạt được 40%. Chính vì vậy, sự hiện diện của hàng Việt trong các hệ thống bán lẻ hết sức hạn chế.
Bên cạnh đó, yêu cầu chất lượng sản phẩm vào các siêu thị, đại siêu thị cao hơn so với bán lẻ ở các chợ truyền thống, các cửa hàng nhỏ, lẻ. Và các yêu cầu đó cũng chính là “rào cản” đối với các sản phẩm hàng Việt. “Một khía cạnh nữa là không phải nhãn hàng nào cũng cập nhật các yêu cầu của các hệ thống bán lẻ hiện đại về chất lượng cũng như kỹ thuật, khó cạnh tranh với các nhãn hàng khác đang có trong siêu thị”- bà Loan cho hay.
Vấn đề cuối cùng là cạnh tranh, theo bà Loan, mặc dù hàng Việt đã có nhiều thay đổi về mẫu mã, chất lượng, quảng bá nhưng trong cuộc chạy đua với các nhãn hàng khác thì có vẻ như hàng Việt vẫn chưa đủ lực, chưa có những bứt phá mạnh mẽ. Chính vì vậy, người tiêu dùng dù rất muốn ủng hộ hàng Việt nhưng vẫn có quá nhiều sự lựa chọn khác và hầu hết đều có sự phân vân nhất định khi bỏ tiền ra mua hàng.
Đứng ở vai trò nhà phân phối lý giải nguyên nhân hàng hóa Việt vẫn gặp khó khi vào các kênh phân phối hiện đại, ông Nguyễn Thái Dũng- Phó Tổng giám đốc Siêu thị Big C cho rằng, các thống siêu thị và phân phối khi lựa chọn sản phẩm hay nhà cung cấp sẽ luôn đứng ở góc độ là đại diện bảo vệ quyền lợi cho khách hàng. Chính vậy, các siêu thị sẽ luôn lấy tiêu chí hàng hóa chất lượng tốt, giá cả hợp lý là yếu tố chọn lựa. “Hàng hóa khi đưa vào siêu thị Big C không phải là khó, tuy nhiên để tồn tại, phát triển và phục vụ khách hàng mua sắm tại Big C tốt hơn mới là khó”- ông Dũng chia sẻ và cho biết, hiện tại rất nhiều hàng hóa của Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu tốt và có sự thân quen đối với khách hàng, đó là lý do khiến hàng hóa Việt chưa được lựa chọn nhiều tại các kênh phân phối hiện đại.
Theo ông Nguyễn Đặng Hiến- Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), TP HCM, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mạnh mẽ, các DN Việt muốn giữ được chỗ đứng tại sân chơi toàn cầu, cần phải nắm bắt được hai giá trị cốt lõi. “Giá trị cốt lõi thứ nhất là chúng ta phải tạo cho mình một giá trị nội lực bằng cách đưa ra những chiến lược đúng đắn (chiến lược phân phối, chiến lược truyền thông,...) phù hợp trong từng giai đoạn.
Giá trị cốt lõi thứ hai, các doanh nghiệp cần phải liên kết với nhau, tránh tình trạng xé lẻ, manh mún. “Với mức chi phí bây giờ của các DN thuần Việt nhỏ và vừa là khá cao để có thể đặt chân vào trong các kênh bán hàng hiện đại, do đó nếu liên kết được các DN khác sẽ tạo góp phần giảm giá thành, chi phí như vậy hàng hóa trong nước mới có thể cạnh tranh được với hàng hóa nước ngoài giữ chỗ đứng trong kênh phân phối hiện đại”- ông Hiến nhấn mạnh.