Có một cô gái mang trên vai một thùng rác to, trên đó có ghi dòng chữ “Thêm người nhặt rác, bớt người xả rác”. Cứ như vậy cô đi quanh hồ Hoàn Kiếm để nhặt rác. Một hành động nhỏ, nhưng ý nghĩa thì vô cùng lớn anh nhỉ? Nó đã đánh mạnh vào ý thức của những người có thói quen bạ đâu xả rác đấy.
Anh Tuấn thân mến,
Hôm trước có nghe anh kể, ở bên đó, Quốc đảo Sư tử áp dụng kỷ luật để bảo vệ môi trường cực kỳ nghiêm. Một người xả rác bừa bãi lần đầu tiên sẽ bị phạt tối đa là 1.000 đôla Singapore, tái phạm thì mức phạt sẽ tăng lên 2.000 - 5.000 đôla và phải lao động công ích.
Người bị phạt sẽ phải làm sạch nơi công cộng, ví dụ nhặt rác tại công viên trong vài giờ đồng hồ trong một bộ trang phục sáng màu, có khi nhà chức trách còn mời cả truyền thông địa phương tới ghi lại sự việc như một cách răn đe, nhắc nhở những người khác cũng là để người vi phạm có cảm giác xấu hổ trước mọi người mà không tái phạm lần sau.
Cũng chính nhờ sự kỷ cương đó mà môi trường ở Singapore được giữ gìn một cách tuyệt đối, những tuyến phố sạch sẽ cảm giác như khó có thể tìm ra một cọng rác. Người dân có ý thức giữ gìn nơi công cộng sạch đẹp như chính trong ngôi nhà mình vậy.
Anh Tuấn ạ,
Nghe anh kể, và đã từng chứng kiến những tuyến phố ngập rác mỗi dịp lễ hội tôi lại băn khoăn. Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 có quy định mức phạt từ 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi xả rác nơi công cộng. Tuy nhiên, thử hỏi có mấy người đã bị phạt?
Và xin chia sẻ thật rằng, tôi cũng đi nhiều, tìm hiểu nhiều nhưng chưa chứng kiến vụ phạt do vi phạm xả rác nơi công cộng bao giờ. Trong khi việc xử phạt hành chính đối với hành vi xả rác bừa bãi là rất cần thiết, đó sẽ là mức phí để nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người đối với môi trường sống của chính họ và cộng đồng.
Cũng nhân đây tôi muốn kể cho anh nghe một câu chuyện đang gây chú ý trên mạng và nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Đó là một cô gái mang trên vai một thùng rác to, trên đó có ghi dòng chữ “Thêm người nhặt rác, bớt người xả rác”. Cứ như vậy cô đi quanh hồ Hoàn Kiếm để nhặt rác. Một hành động nhỏ, nhưng ý nghĩa thì vô cùng lớn anh nhỉ? Nó đã đánh mạnh vào ý thức của những người có thói quen bạ đâu xả rác đấy.
Nhiều người vẫn còn nhớ, những năm trước, một người đàn ông nước ngoài, tác phong nhanh nhẹn, ba lô rất gọn, tay trái cầm túi nilon to, tay phải cầm kẹp sắt chăm chú tìm nhặt rác quanh hồ Hoàn Kiếm. Hành động của ông lúc đầu còn là sự lạ lẫm, hoài nghi thì chỉ một thời gian sau, rất nhiều người tự giác đi cùng ông làm công việc này. Và họ được biết, ông là Ninomiya, người Nhật- Giám đốc công ty Ishigaki Rubber Vietnam có trụ sở tại Hà Nội.
Ông tâm sự rằng, việc nhặt rác quanh Hồ Gươm vào sáng Chủ nhật hàng tuần là xuất phát từ tình yêu Hà Nội, yêu nét đẹp của Hồ Gươm nên muốn góp phần gìn giữ cảnh quan môi trường Thủ đô ngày càng xanh - sạch - đẹp.
Anh Tuấn ạ, tôi nghĩ rằng, ý thức của mỗi con người nếu được nhắc nhở bằng sự nghiêm minh, kỷ cương của pháp luật và những hành động đẹp như cô gái và ông Ninomiya thì chắc chắn nó sẽ không bị “ngủ quên” đâu anh nhỉ?