Chủ đề Ngày Môi trường thế giới (5/6/2020) được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) chọn là Hành động vì thiên nhiên (Time for Nature).
Chủ đề này có ý nghĩa quan trọng trong cam kết bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học nhằm phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, bảo vệ tài nguyên nước – không chỉ với riêng hơn 150 quốc gia hưởng ứng ngày kỷ niệm này (kể từ khi khởi phát tại Stockholm, Thụy Điển vào ngày 5/6/1972) mà còn với tất cả các quốc gia trên thế giới. Hành động vì thiên nhiên, chính là ứng xử phù hợp của cả nhân loại và của mỗi con người trước những giá trị hiện hữu về thiên nhiên, môi trường.
Một khu rừng ở Khu bảo tồn Đakrông (Quảng Trị) bị người dân chặt phá để trồng keo lá tràm. Ảnh Thanh Tùng.
Đến nay, thế giới chỉ còn lại 20% diện tích rừng tự nhiên (80% rừng tự nhiên đã bị tàn phá, hủy diệt trong nhiều thập kỷ qua). Theo một thống kê được công bố: 129 triệu ha rừng của thế giới biến mất trong giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2015. Trung bình cứ mỗi 2 giây, lại có diện tích rừng rộng bằng 2 sân bóng đá biến mất bởi các nguyên nhân như cháy, làm nông nghiệp, khai thác gỗ, chăn nuôi… Thống kê cũng đưa ra con số 70% thực vật và động vật trên thế giới bị mất đi môi trường sống do nạn phá rừng. Từ năm 2010 đến năm 2019 có hơn 160 loài sinh vật trên Trái Đất đã tuyệt chủng trong môi trường tự nhiên. Với tốc độ phá rừng như hiện nay thì sau 100 năm nữa, các khu rừng nhiệt đới còn lại trên thế giới sẽ bị xóa sổ. Rừng bị phá là một trong các nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác.
Ai cũng biết phá rừng dẫn đến hậu quả thiên tai tàn khốc nhưng các cánh rừng nguyên sinh, tái sinh cứ lần lượt bị xóa sổ bởi sự tắc trách trong quản lý, bởi lòng tham và sinh kế của con người. Để hình thành một cánh rừng nguyên sinh phải mất hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu năm nhưng để phá đi một cánh rừng (làm dự án, lấy gỗ, lấy củi, canh tác nông nghiệp), con người chỉ cần vài ngày hay vài tháng! Mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, 2 khu vực bạt ngàn rừng xanh của Việt Nam là Tây Nguyên, Tây Bắc bị tàn phá theo một cung cách khác nhau. Sau năm 1975 đến cuối những năm 90 của thế kỷ trước, xe chở gỗ nối đuôi nhau chạy công khai trên các tuyến đường nối Tây Nguyên với đồng bằng nhưng kể từ năm 2000 đến nay hình ảnh này đã lùi vào dĩ vãng, nhường chỗ cho cung cách phá rừng quy mô hơn, bài bản hơn dưới danh nghĩa các dự án phát triển kinh tế. Lâm tặc tận dụng triệt để kẽ hở quản lý, thậm chí câu kết với một bộ phận cán bộ quản lý biến chất, vẽ ra các dự án quy hoạch phát triển kinh tế rồi mặc sức triệt hạ những cánh rừng nguyên sinh, tái sinh để làm giàu nhanh chóng. Cùng với các dự án phát triển kinh tế, thủy điện cũng góp phần triệt hạ nhiều diện tích lớn rừng Trường Sơn ở miền Trung. Sự phát triển ồ ạt của thủy điện, đã khiến các địa phương duyên hải miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận) phải thường xuyên đương đầu với lũ lớn vào mùa mưa và khô hạn khốc liệt vào mùa hè. Sinh kế của người dân cũng góp phần xóa sổ các cánh rừng nguyên sinh, tái sinh trên cả nước. Ngoài chặt hạ, đốt phá để canh tác cây nông nghiệp ngắn ngày, các hộ dân còn tìm cách thu hẹp những khoảnh rừng nguyên sinh, tái sinh, lấy đất trồng bạch đàn hay keo lá tràm bởi lợi nhuận hấp dẫn, từ 25 đến 50 triệu đồng/ha, chỉ sau vài năm cắm cây con xuống đất. Thật trớ trêu khi trong báo cáo về tỷ lệ trồng mới rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc của cấp ngành quản lý địa phương có cả những diện tích rừng kinh tế chỉ trồng vài năm rồi chặt hạ, bán cho thương lái. Nhiều tổ chức, chuyên gia môi trường đã lên tiếng cảnh báo về loại hình rừng kinh tế này bởi ngoài giá trị quy bằng tiền, bạch đàn và keo lá tràm không có độ che phủ, không thể tạo ra thảm thực vật và đa dạng sinh học mà còn dễ bắt lửa gây cháy vào mùa khô.
Hành động vì thiên nhiên mà cụ thể là ứng xử có trách nhiệm với rừng, luôn được các cấp, ngành, địa phương chú trọng, quan tâm. Khẩu hiệu bảo vệ rừng có ở khắp nơi nhưng diện tích rừng nguyên sinh ở Việt Nam chỉ còn khoảng 10%, với độ che phủ chưa đến 40% là con số đau lòng, đáng phải suy ngẫm. Rừng không còn, là nguyên nhân của các trận lũ quét, lũ ống kinh hoàng ở miền núi; lụt lội, khô hạn, nhiễm mặn ở duyên hải miền Trung và ở miền Đông Nam Bộ đồng thời cũng là nguyên nhân gây sạt lở, thiếu phù sa bồi lắng ở đồng bằng sông Cửu Long. Con người nhỏ bé trước thiên nhiên; lại càng nhỏ bé hơn, mong manh hơn trước thảm họa thiên tai bão lũ và khô hạn. Ở thời điểm này, khi mà nắng nóng đang là nguy cơ gây cháy cao cho các cánh rừng trồng ở Bắc và Trung Trung Bộ thì tại cực Nam Trung Bộ, từng đàn cừu mệt mỏi lê bước trên đất đai nứt nẻ, cây trồng khô cháy để tìm nước. Sự chống đỡ của người dân trước hạn hán, xâm nhập mặn giữa mùa hè cũng như các giải pháp được cấp, ngành quản lý từ Trung ương đến địa phương đưa ra đều mang tính thời điểm. Thiên tai bão lũ, khô hạn chỉ có thể được giảm thiểu bằng hành động, quyết sách căn cơ là khôi phục lại những diện tích rừng nguyên sinh xuất phát từ thái độ nghiêm túc, cầu thị của cơ quan quản lý và ý thức của mỗi người dân.