Hành trình từ một quốc gia thiếu đói vươn lên trở thành một trong những quốc gia tự chủ về lương thực và xuất khẩu hàng đầu thế giới. Năm 2023, hạt gạo Việt Nam một lần nữa được trao giải gạo ngon nhất thế giới. Nhưng tôn vinh hạt gạo còn phải làm được một việc nữa, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, là “xóa đi lời nguyền người trồng lúa là khổ”.
Trước năm 1986, Việt Nam phải nhập khẩu gạo do sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa. Đến năm 1989, Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu gạo, chấm dứt thời kỳ thiếu gạo và chuyển sang xuất khẩu.
Ngày 23/8/1989 trở thành một cột mốc lịch sử đáng ghi nhớ cho hành trình vươn ra thế giới của hạt gạo Việt Nam. Những công nhân bốc xếp ở cảng Sài Gòn được lệnh bốc gạo lên tàu. Chuyến tàu đầu tiên chở tới 10.000 tấn gạo 35% tấm với giá 235 USD/tấn xuất khẩu sang Ấn Độ.
Đó là bước khởi đầu của hành trình hơn 30 năm của hạt gạo Việt Nam.
Năm 1999, hạt gạo Việt Nam đánh một cột mốc lịch sử mới bằng kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt 1 tỉ USD, với sản lượng 4,6 triệu tấn và giá xuất khẩu bình quân 227 USD/tấn. Việt Nam chính thức trở thành một trong các cường quốc về xuất khẩu gạo trên thế giới.
Hơn 30 năm xuất khẩu gạo, đến nay, hạt gạo Việt Nam có mặt ở hơn 150 nước, vùng lãnh thổ.
Với lượng gạo xuất khẩu 6-8 triệu tấn/năm, hiện Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia gạo xuất khẩu nhiều nhất thế giới, chỉ đứng sau Ấn Độ và Thái Lan. Ở một số thời điểm Việt Nam còn vươn lên vị trí thứ 2 thế giới về lượng gạo xuất khẩu.
Năng suất lúa gạo Việt Nam đã đạt mức cao trên thế giới, tăng từ 4,88 tấn/ha năm 2008 đã tăng lên 6,07 tấn/ha năm 2023. Mỗi năm xuất khẩu trung bình trên 6 triệu tấn/năm, riêng 11 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 7,8 triệu tấn gạo với giá trị 4,4 tỉ USD. Hạt gạo Việt Nam đã có mặt tại các thị trường, từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ tới châu Phi.
Không chỉ tăng sản lượng sản xuất, giá gạo của Việt Nam cũng tăng lên cùng với chất lượng gạo. Giá bình quân xuất khẩu gạo trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt mức 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là năm có mức giá xuất khẩu bình quân cao nhất lịch sử sau hơn 30 năm dòng chảy gạo Việt vươn ra thế giới.
Bên cạnh sản lượng, chất lượng không ngừng được cải thiện, đáp ứng yêu cầu của hầu hết thị trường cao cấp. Hơn 90% gạo Việt Nam xuất khẩu hiện nay là hàng chất lượng cao, khẳng định vị thế gạo Việt trên thị trường thế giới. Thành công của ngành lúa gạo Việt Nam là sự kết tinh từ những đóng góp không mệt mỏi của những người nông dân trồng lúa, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp chế biến và thương mại.
Hội nghị Thượng đỉnh lúa gạo quốc tế 2023, diễn ra tại Philippines cuối năm 2023, thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và các nhân tố khác trong chuỗi giá trị gạo.
Khác với mọi năm, năm nay Ban tổ chức không trao giải cho loại gạo cụ thể nào mà tôn vinh chung gạo của Việt Nam đạt giải nhất. Không đề cập đến một loại gạo cụ thể, việc gạo Việt Nam được tôn vinh ngon nhất thế giới là niềm vui chung của nông dân Việt Nam, tăng thêm niềm tự hào cho ngành công nghiệp lúa gạo của Việt Nam.
Một lần nữa hạt gạo Việt Nam không ngừng được nâng lên về giá trị và Việt Nam đang là nước đứng đầu thế giới về thương hiệu lẫn giá trị. Vị thế hạt gạo Việt Nam đã tăng lên rõ rệt. Việt Nam hiện có bộ giống lúa ngắn ngày rất phong phú, dễ canh tác, năng suất cao. Điều này đã được chứng minh bằng giải thưởng gạo ngon nhất thế giới 2023 mà các đại diện của Việt Nam vừa được trao.
Giá gạo Việt Nam cao nhất thế giới nhưng các nước vẫn mua vì gạo của Việt Nam thơm nhất, ngon nhất, tươi mới nhất so với gạo của những nước khác.
Điều đáng nói là hạt gạo Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu riêng ở những thị trường cao cấp và khó tính bậc nhất như Nhật Bản, EU. Đó là hành trình đầy gian khó với rất nhiều nỗ lực và quyết tâm không ngơi nghỉ của bao thế hệ nông dân, nhà khoa học và doanh nghiệp Việt Nam.
Năm 2017, bản tin đầu tiên xuất hiện trên báo Việt Nam với dòng tít: "Gạo ST24 của Việt Nam đã được vinh danh với gạo Thái Lan và gạo Campuchia trong Top 3 Gạo ngon nhất thế giới", được chính GS.TS Võ Tòng Xuân gửi về khi ông và kỹ sư Hồ Quang Cua đang dự Hội nghị Quốc tế lần 9 về Thương mại Gạo tổ chức tại Ma Cao - Trung Quốc.
Đó là lần đầu tiên, hạt gạo Việt Nam được vinh danh ngon nhất thế giới bằng gạo ST24. Nhưng để có bản tin gạo ST24 lọt vào Top 3 gạo ngon nhất thế giới, là hành trình 25 năm của nhóm nghiên cứu do kỹ sư Hồ Quang Cua (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng) chủ trì.
Năm 1993, UBND tỉnh Sóc Trăng, lúc đó ngân sách còn thiếu trước hụt sau, đã xuất ngân sách mua trữ trên 600 tấn lúa giống KDM (một giống lúa thơm) để đầu tư cho sản xuất. Trước đó, người mang giống lúa KDM từ nước ngoài về để tặng và giới thiệu cho Sóc Trăng là GS.TS Võ Tòng Xuân.
Khát vọng xây dựng thương hiệu gạo thơm Sóc Trăng được kỹ sư Hồ Quang Cua hình thành. Ông miệt mài trong việc thuyết phục về một chỉ dẫn địa lý “Gạo thơm Sóc Trăng”, lập dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Gạo thơm Sóc Trăng” cho sản phẩm gạo thơm của tỉnh Sóc Trăng”. Năm 2011, nhãn hiệu Gạo thơm Sóc Trăng được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận.
Chặng đường hình thành gạo thơm của Sóc Trăng mang đậm dấu ấn giữa GS.TS Võ Tòng Xuân và kỹ sư Hồ Quang Cua, như một mô hình mẫu mực cho sự thành công của mối quan hệ giữa nhà khoa học và người nông dân. Cả 2 ông đều được phong Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Năm 2023, hạt gạo Việt Nam được xướng tên ngon nhất thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh lúa gạo quốc tế 2023. Cả 3 doanh nghiệp Việt Nam đem 6 mẫu gạo dự thi thì đều được gây dựng bởi những Anh hùng ngành lúa gạo. Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí với ST24, ST25 đình đám là con trai Anh hùng Hồ Quang Cua, còn có Tập đoàn Lộc Trời với gạo LT28 và Nàng Hoa 9 là của Anh hùng Lao động Huỳnh Văn Thòn, Tập đoàn ThaiBinh Seed với gạo TBR39-1 và nếp A Sào do Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo đang là Chủ tịch.
Phát biểu tại Đại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII diễn ra vào những ngày cuối năm 2023, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn cho rằng, nông dân đóng góp nhiều nhất cho đất nước, cho xã hội song cũng là người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Lý do sản xuất nông nghiệp luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường.
Câu nói ấy là nỗi trăn trở của nhiều người. Ngay trong năm 2023 đầy khó khăn, nông nghiệp vẫn là bệ đỡ của cả nền kinh tế. Hạt gạo Việt Nam được công nhận ngon nhất thế giới cũng là điểm sáng của năm 2023. Nhưng giá gạo tăng cao người nông dân có bớt thiệt thòi không?
Tháng 11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Trong hành trình phát triển cây lúa, chỉ cách đây vài năm chất lượng gạo Việt xuất khẩu vẫn ở mức thấp nên chỉ bán cho những quốc gia có thu nhập thấp. Nay, hơn 90% gạo Việt xuất khẩu là hàng chất lượng cao, khẳng định vị thế gạo Việt trên thị trường thế giới.
Nhưng GS.TS Võ Tòng Xuân, người có công rất lớn cho hành trình số 1 thế giới của hạt gạo Việt hôm nay, vẫn còn ngổn ngang trăn trở: Hiện giờ nhiều nhà khoa học chạy theo cái mới mang tính thách thức toàn cầu. Nhưng tôi nghĩ, chính điều nội tại của dân mình mới cần phải lo. Nhất là lĩnh vực nông nghiệp hiện đang thiếu các nhà nghiên cứu quan tâm.
Nói như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, thành tựu ngành lúa gạo Việt Nam hiện nay khiến thế giới ngả mũ kính phục, bởi từ một đất nước chạy ăn từng bữa, thậm chí độn khoai, độn sắn đã vươn lên thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Nhưng Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng thế giới thay đổi nhanh, ngành nông nghiệp cũng đang hướng tới trồng lúa hạn chế phát thải, xây dựng nông nghiệp tuần hoàn... nên phải tư duy, cấu trúc lại ngành hàng lúa gạo. Phải họp lại toàn bộ các thành viên của hệ sinh thái lúa gạo để làm sao kết tinh giá trị của người Việt, tinh thần Việt trong thương hiệu lúa gạo Việt Nam. Hạt gạo Việt Nam hình thành từ hệ sinh thái không phải chỉ vì lợi nhuận, mà vì trách nhiệm với cộng đồng, với hành tinh xanh.
"Xóa đi lời nguyền người trồng lúa là khổ" là thông điệp mà ông Lê Minh Hoan đưa ra mới đây bên lề Fertival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam: "Một chiến lược phát triển nông thôn bền vững là vừa đi chúng ta vừa tìm đường, tìm kiếm cái mới, vừa uốn nắn lại cái cũ, vì người trồng lúa của chúng ta, tìm câu trả lời xóa đi lời nguyền người trồng lúa là khổ".
Hạt gạo Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu riêng ở những thị trường cao cấp và khó tính bậc nhất như Nhật Bản, EU. Đó là hành trình đầy gian khó với rất nhiều nỗ lực và quyết tâm không ngơi nghỉ của bao nhiêu thế hệ nông dân, nhà khoa học và doanh nghiệp Việt Nam.