Để có được chiếc “vương miện” Di sản văn hóa thế giới Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, ít người biết rằng, đó là cả hành trình kéo dài 13 năm, với nhiều chặng đường đầy khó khăn, thách thức.
Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đã chính thức được Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) vinh danh là Di sản văn hóa thế giới trong phiên họp tại kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới. Đây là một vinh dự lớn cho Việt Nam, đặc biệt cho 3 địa phương sở hữu di sản (Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh), mở ra cơ hội nâng tầm phát triển du lịch dựa trên nền tảng văn hóa.
Ngay từ năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã bắt đầu triển khai các bước lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử là Di sản thế giới và gửi bản đăng ký lên UNESCO vào năm 2014. Hồ sơ ban đầu dự kiến trong phạm vi di tích ở 2 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang (cũ). Sau đó bổ sung các di tích thuộc tỉnh Hải Dương (cũ).
Năm 2015, ông Pall Dingwall - chuyên gia của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế IUCN và GS Hea Un Ri - chuyên gia của Hội đồng quốc tế về di tích và di chỉ (ICOMOS) đã có những chuyến khảo sát đầu tiên tại các địa điểm thuộc khu di sản trên địa bàn 3 địa phương.
Sau chuyến thực địa này, ngày 18/8/2015, một cuộc hội thảo nhận diện các giá trị toàn cầu của Yên Tử đã được tổ chức tại Quảng Ninh để tranh thủ sớm ý kiến của các chuyên gia ICOMOS về việc tiến hành lập hồ sơ di sản thế giới đối với Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử. Các chuyên gia đều khẳng định thời gian để có một bộ hồ sơ hoàn chỉnh ít nhất phải cần từ 5-10 năm, thậm chí có quốc gia tới gần 20 năm. Điều này cho thấy việc lập hồ sơ đòi hỏi quyết tâm rất lớn của cả 3 địa phương trong vùng di sản.
Để đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ, dịp cuối tháng 8/2020, một cuộc toạ đàm cấp quốc gia do tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với tỉnh Hải Dương (cũ) và Bắc Giang (cũ) tổ chức tại Quảng Ninh, có sự hiện diện của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực di sản, văn hóa nhằm xác định những giá trị tiêu biểu, nổi bật toàn cầu của Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử.
Trong những năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, 3 tỉnh vẫn tranh thủ tiến hành khai quật khảo cổ một số điểm di tích trên địa bàn, qua đó bổ sung thêm nhiều thông tin quý cho hồ sơ di sản.
Sau 2 năm thực hiện các chuyên đề nghiên cứu, từ ngày 20/6/2022 đến 3/7/2022 các chuyên gia quốc tế đã cùng với các chuyên gia Việt Nam làm việc với Sở VHTTDL của 3 địa phương có di sản, các Ban quản lý di tích và đi thực địa tại các địa điểm thuộc quần thể di tích trải dài trên 3 tỉnh lúc bấy giờ. Dịp này, một cuộc Hội thảo khoa học quốc tế đã được tổ chức ngày 29/6/2022 tại Hà Nội, với sự tham gia của gần 70 đại biểu trong nước và quốc tế để đánh giá mức độ đầy đủ các tài liệu hiện có, các kết quả nghiên cứu mới bổ sung, thống nhất các tiêu chí dự kiến hồ sơ sẽ đáp ứng được; thống nhất khu di sản đề cử, phạm vi, ranh giới dự kiến, kiểu loại di sản đề cử, kế hoạch và lộ trình tiếp theo.
Ngày 19/7/2022, Bộ VHTTDL thống nhất đổi tên Hồ sơ khoa học “Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử” thành “Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc”.
Hồ sơ chính thức Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đã được hoàn thiện và trình UNESCO vào tháng 1/2024 để công nhận Di sản thế giới. Từ 20 điểm di tích ban đầu đưa vào hồ sơ, các chuyên gia quốc tế đã khuyến nghị điều chỉnh hồ sơ, chọn 12 điểm di tích và 2 tiêu chí đề cử.
Bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng ban điều hành xây dựng hồ sơ Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc cho biết: Thành công của việc Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản thế giới là kết quả của quá trình nỗ lực bền bỉ, sự đồng thuận cao và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, ngành, các địa phương, tổ chức trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh được giao giữ vai trò chủ trì trong suốt quá trình nghiên cứu, đăng ký với UNESCO đưa vào Danh mục Dự kiến lập hồ sơ đề cử với các cụm, điểm di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Bắc Giang (nay là tỉnh Bắc Ninh) cho đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung di tích trên địa bàn tỉnh Hải Dương (nay là TP Hải Phòng).
“Chúng tôi nhận thức rõ rằng, niềm vinh dự, tự hào luôn đi cùng với trách nhiệm. Quảng Ninh sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản, nhằm bảo đảm tính bền vững, lan tỏa sâu rộng giá trị di sản. Cùng với đó, sẽ tăng cường liên kết, phối hợp với Hải Phòng, Bắc Ninh nhằm xây dựng một không gian di sản thống nhất, triển khai đồng bộ các biện pháp để bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản văn hóa thế giới Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nói.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc nằm trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh gồm 12 điểm di tích. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh có 5 điểm: Thái Miếu, chùa Lân, chùa Hoa Yên, chùa Ngọa Vân, bãi cọc Yên Giang; TP Hải Phòng có 5 điểm: chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, động Kính Chủ và chùa Nhẫm Dương; Tỉnh Bắc Ninh có 2 điểm: chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà.