Văn hóa

Hành trình phục hưng và lan tỏa di sản nghệ thuật trống quân Dạ Trạch

Quỳnh Anh 25/04/2025 11:38

Tưởng chừng mai một theo năm tháng chiến tranh, nhưng điệu hát trống quân Dạ Trạch đã hồi sinh mạnh mẽ nhờ tâm huyết của những nghệ nhân của làng Yên Vĩnh (Dạ Trạch, Khoái Châu, Hưng Yên).

Giữa dòng chảy hiện đại, những âm vang đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này không chỉ là niềm tự hào của người dân Hưng Yên mà còn mở ra tiềm năng phát triển du lịch bền vững cho địa phương.

Hành trình lịch sử của trống quân Dạ Trạch

Trống quân của xã Dạ Trạch không biết có từ bao giờ, chỉ biết các cụ nói cứ hết đời này lại truyền miệng cho đời kia. Xưa kia, trống quân hiện diện trong những khoảnh khắc đặc biệt: những buổi nông nhàn sau vụ mùa, những đêm trăng sáng hay trong các dịp hội làng, đám khao lên lão. Những dịp ấy hai bên trai gái đối đáp tình tứ, bên nam ứng thì bên nữ giảng và ngược lại. Một canh trống quân có khi kéo dài đến mấy ngày, chỉ đến khi một bên không ứng tác, đối đáp lại được thì mới thôi.

z6542961560246_f68cad84a0d9f5b9a22d46beffb935e4.jpg
Buổi biểu diễn của Câu lạc bộ trống quân Dạ Trạch.

Điểm độc đáo của trống quân Dạ Trạch nằm ở nhạc cụ đặc trưng - "trống đất" hay còn gọi là "thổ cổ", một loại nhạc cụ không thể tìm thấy ở bất kỳ vùng miền nào khác. Nghệ nhân sử dụng hai chiếc ghế đẩu cao vừa đủ, kết hợp với hai chiếc dùi gỗ để gõ và giữ nhịp khi hát, tạo nên âm thanh thùng thình, êm đẹp đặc trưng. Nhạc cụ này gọi là trống mà không phải trống, lại gõ lên dây mà không phải đàn, là sự kết hợp độc đáo chỉ xuất hiện trong không gian văn hóa của xã Dạ Trạch.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp năm 1946, khi phần lớn vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng bị tạm chiếm, hát trống quân Dạ Trạch đã đứng trước nguy cơ thất truyền. Phải đến năm 1991, khi cụ Nguyễn Duy Phí - người con quê hương Dạ Trạch, Giám đốc Nhà hát múa rối Việt Nam, đã khởi xướng việc khôi phục trống quân khi biết Bộ Văn hóa có chương trình phục hồi di sản văn hóa dân gian của các vùng miền. Mong muốn này đã được chính quyền địa phương và các cụ cao niên trong làng đồng tình và ủng hộ. Với sự giúp sức của cụ Lê Hồng Điệp, một bậc thầy văn thơ, hai cụ đã đi sưu tầm, biên soạn lại những câu hát trống quân, giữ lại những "ý hay ý đẹp".

Hồn quê qua lời nghệ nhân

Người hát trống quân phải là người giao tiếp lịch thiệp thanh nhã. Đó cùng là ấn tượng đầu tiên khi được trò chuyện với nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Xuyên - người đã gắn bó với trống quân hơn 30 năm từ năm 1993 đến nay. Đối với bà, trống quân không chỉ là lời ca, tiếng hát, mà còn là ký ức tuổi thơ và hồn cốt của quê hương Dạ Trạch.

Không chỉ là người giữ lửa cho điệu hát trống quân, bà Xuyên còn là chiếc cầu nối quan trọng đưa di sản này đến gần hơn với cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Không muốn trống quân chỉ tồn tại trong khuôn khổ câu lạc bộ, bà cùng các nghệ nhân đã chủ động đề xuất với chính quyền địa phương việc mở rộng hoạt động truyền dạy. Từ đó, nhiều lớp bồi dưỡng hát trống quân đã được tổ chức cho người dân. "Cứ ngỡ giờ ít người yêu mến điệu hát này, vậy mà khi mở lớp, người đăng ký tham gia đông ngoài dự đoán. Có bác ở tận huyện khác, đi cả chục cây số vẫn đều đặn đến học. Mỗi người một hoàn cảnh, một cách tiếp cận, nhưng điểm chung là tất cả đều cảm nhận được vẻ đẹp của loại hình nghệ thuật này," bà Xuyên chia sẻ.

z6542961560245_a623902dec00aec774df73b1055c1175(1).jpg
Ảnh chụp kỉ niệm bà Nguyễn Thị Xuyên đi biểu diễn trống quân.

Điều đáng mừng là công tác truyền dạy đang được mở rộng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, cùng Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch huyện Khoái Châu đã xây dựng kế hoạch đưa trống quân vào trường học. Bà Xuyên cùng các nghệ nhân trong CLB Trống quân Dạ Trạch trực tiếp đảm nhiệm công việc này, khởi đầu tại các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn xã Dạ Trạch, sau đó mở rộng ra nhiều địa phương khác trong tỉnh. Không chỉ truyền dạy những làn điệu cổ, các nghệ nhân còn sáng tác, biểu diễn những bài hát mới mang nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, Đảng, Bác Hồ và mái trường thân yêu, thổi làn gió mới vào kho tàng nghệ thuật dân gian.

Công lao to lớn của bà Xuyên và các nghệ nhân đã được ghi nhận xứng đáng khi năm 2015, 7 nghệ nhân dân gian của CLB hát Trống quân Dạ Trạch được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú". Hai năm sau, hát Trống quân của tỉnh Hưng Yên đã chính thức được Nhà nước công nhận và ghi danh là "Di sản văn hoá Phi vật thể Quốc gia". Đây cũng chính là minh chứng hùng hồn cho giá trị văn hóa đặc sắc của loại hình nghệ thuật này.

Kết nối di sản với du lịch bền vững

Hát trống quân Dạ Trạch không chỉ là di sản văn hóa mà còn là tiềm năng lớn để phát triển du lịch tâm linh và văn hóa tại Hưng Yên. Gắn liền với đền Hóa Dạ Trạch - nơi thờ Chử Đồng Tử, một trong “Tứ Bất Tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam - trống quân trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, góp phần quảng bá bản sắc địa phương.

z6542961539497_eb6cbcd7ee9cbf4bfe305661cbc98fff.jpg
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Xuyên dạy các em học sinh hát trống quân.

"Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng trống quân Dạ Trạch không chỉ là báu vật văn hóa cần được gìn giữ, mà còn là nguồn lực tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa - tâm linh của địa phương," ông Nguyễn Tiến Lộc, Phó Chủ tịch xã Dạ Trạch trăn trở. "Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác giá trị văn hóa phi vật thể như trống quân còn khiêm tốn, chủ yếu dừng ở quy mô nhỏ, thiếu tính chuyên nghiệp."

Ông Lộc cho biết, chính quyền địa phương đang hướng đến một mô hình phát triển kết hợp hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch bền vững và đã xây dựng lộ trình phát triển với các giải pháp cụ thể như sau: Thứ nhất, tổ chức biểu diễn trống quân định kỳ tại khu di tích, biến nghệ thuật này thành đặc sản văn hóa không thể thiếu trong lễ hội Dạ Trạch, thu hút khách tham quan; Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với các nghệ nhân dân gian xây dựng chương trình biểu diễn chuyên nghiệp, đa dạng, vừa giữ được tinh hoa truyền thống, vừa có những cách thể hiện hiện đại phù hợp với công chúng đương đại; Thứ ba, thiết kế tour du lịch chuyên đề, kết nối các điểm đến văn hóa - tâm linh nổi tiếng: Đền Dạ Trạch - Chùa Nôm - Phố Hiến - Đền Mẫu Hưng Yên. Trong hành trình này, du khách không chỉ tham quan mà còn được trải nghiệm tham gia vào canh hát trống quân, tìm hiểu lịch sử Chử Đồng Tử và tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Ngoài ra, phát triển mô hình du lịch cộng đồng cũng cần được chú trọng, đưa người dân từ vai trò thụ hưởng văn hóa trở thành chủ thể tích cực trong việc bảo tồn và phát huy di sản. Việc huy động người dân địa phương tham gia dạy hát trống quân, làm hướng dẫn viên địa phương, sản xuất và kinh doanh các sản vật truyền thống không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập mà còn nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa trong cộng đồng.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, địa phương cũng không quên ứng dụng công nghệ và truyền thông hiện đại, số hóa tư liệu về trống quân, tạo các nội dung hấp dẫn trên các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận giới trẻ. Đặc biệt, việc tổ chức các cuộc thi sáng tác lời trống quân với nội dung hiện đại, ý nghĩa giáo dục là cách hiệu quả để giúp di sản truyền thống hòa nhập với dòng chảy văn hóa đương đại.

Việc phát triển nghệ thuật trống quân Dạ Trạch gắn với du lịch tâm linh không chỉ giúp bảo tồn một di sản văn hóa quý báu mà còn mở ra hướng phát triển bền vững cho du lịch Hưng Yên. Đây chính là mô hình kết hợp hài hòa giữa giá trị truyền thống và nhu cầu hiện đại, giữa tâm linh - văn hóa - kinh tế, góp phần làm phong phú bản sắc dân tộc và tạo đà cho sự phát triển toàn diện của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hành trình phục hưng và lan tỏa di sản nghệ thuật trống quân Dạ Trạch