Hành vi xịt sơn vào xe của người khác có thể bị phạt đến 3 năm tù

Xuân Ngọc 06/04/2021 10:08

“Với hành vi sơn vẽ vào toàn bộ chiếc xe như thế thì chi phí để sơn lại chiếc xe sẽ rất lớn, hàng chục triệu đồng bởi vậy người đã sơn vào chiếc xe này từ 16 tuổi trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Chiếc xe bị xịt kín sơn khi để trên vỉa hè, trước cửa nhà người khác đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Ngày 5/4, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh chiếc xe ô tô nhãn hiệu Honda CR-V màu đỏ, BKS 15A-154.xx, đỗ trên vỉa hè, trước cửa nhà số 9 đường Lương Khánh Thiện (phường Cầu Đất, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) bị xịt sơn trắng khắp thân xe. Trước kính lái có kẹp tờ giấy viết tay với nội dung “Làm ơn đỗ xe có ý thức”. Ngay sau khi hình ảnh chiếc xe bị xịt kín sơn được đăng tải đã thu hút quan tâm của dư luận, cơ quan Công an cũng đã tiến hành xác minh điều tra vụ việc.

Hành vi xịt sơn vào xe không phải là hành vi mới, không ít người đã bị xử phạt vi phạm hành chính thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vì thiếu hiểu biết pháp luật nên nhiều người vẫn thực hiện hành vi làm hư hỏng tài sản của người khác như vậy.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường (trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong tình huống này nếu hai bên không thỏa thuận được với nhau và chủ xe có đơn trình báo tố giác tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ ai là người đã xịt sơn vào chiếc xe ô tô nêu trên đồng thời sẽ tiến hành định giá chi phí để sơn sửa lại chiếc xe nêu trên.

Với loại xe này và sơn lại toàn bộ xe như vậy thì chắc chắn số tiền sơn sửa sẽ trên 2.000.000 đồng. Như vậy trong trường hợp có đơn tố cáo của chủ xe thì người đã xịt sơn vào chiếc xe này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” theo quy định của bộ luật hình sự năm 2015.

Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau: “Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản 1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; c) Tài sản là bảo vật quốc gia; d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; đ) Để che giấu tội phạm khác; e) Vì lý do công vụ của người bị hại; g) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm 4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Luật sư Đặng Văn Cường, trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Theo Luật sư Cường, trong vụ việc nêu trên dù người lái xe có đỗ xe không đúng quy định thì bất cứ ai cũng không được phép thực hiện hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản như vậy.

“Với hành vi sơn vẽ vào toàn bộ chiếc xe như thế thì chi phí để sơn lại chiếc xe sẽ rất lớn, số tiền có thể lên đến hàng chục triệu đồng bởi vậy người đã sơn vào chiếc xe này từ 16 tuổi trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, Luật sư Cường nói.

Theo ông Cường, để giảm bớt những vụ việc tương tự thì những người lái xe cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật về việc dừng đỗ xe, tránh việc dừng đỗ xe cản trở lối đi của người khác, đồng thời có thể để lại số điện thoại trên xe để khi vướng, hoặc cần yêu cầu di chuyển xe đi chỗ khác, người khác sẽ gọi điện để tìm.

“Trong tình huống này thì rõ ràng người đã xịt sơn vào chiếc xe ô tô này đang phải đối mặt với trách nhiệm hình sự, bởi vậy cách tốt nhất là nên tìm cách thương lượng với chủ xe để giải quyết dân sự. Trong trường hợp không thương lượng được thì người đã xịt sơn vào chiếc ô tô này sẽ bị xử lý hình sự và có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”, Luật sư Cường cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hành vi xịt sơn vào xe của người khác có thể bị phạt đến 3 năm tù

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO