Cho đến ngày bộ đội đành phải dừng công việc tìm kiếm người mất tích ở khu vực bão lũ các tỉnh miền núi phía Bắc để trở về đơn vị (cũng không thể nào kéo dài mãi), chúng ta xem các clip ghi lại, thì thấy có những người dân đến lúc ấy mới òa khóc nổi.
Những nỗi đau dồn nén bao ngày nay, trong lòng vẫn còn hy vọng người mất tích trở về, hoặc ít nhất cũng tìm thấy thi thể người thân. Vật chất rồi sẽ bù đắp được nhưng những nỗi đau tận cùng mất hết người thân bao giờ mới có thể nguôi ngoai. Khắc phục hậu quả sau một thảm họa không phải chỉ có vật chất, còn cần sự xoa dịu nỗi đau tinh thần bằng tình người.
Ai là những người bị tổn thương nhiều nhất sau một thảm họa thiên nhiên như vừa qua? Tất nhiên câu trả lời là người nghèo, những người bỗng chốc sau một đêm trở thành trắng tay, những người trôi hết nhà cửa, tài sản, ruộng vườn. Nhưng còn có những người trắng tay, mà đến cả gói mì tôm, túi gạo đưa đến cho họ cũng đã trở thành vô nghĩa. Anh Thới ở Làng Nủ (Lào Cai) – người đàn ông khóc nức nở đầy đau đớn trong đoạn video ghi lại vào cái ngày bộ đội rời Làng Nủ, khi được cứu trợ đã trả lời: "Bánh kẹo, sữa, hoa quả, tôi không lấy đâu, con chết hết rồi, còn ai ăn đâu mà lấy!". Nhà thơ, họa sĩ Hoàng A Sáng – một người Tày gốc ở Cao Bằng viết trên trang cá nhân rằng: “nỗi đau đó thật quá là sâu - đau quá sức chịu đựng của một người đàn ông Tày vốn dĩ rất hiền lành”.
Hay như ở thôn Lũng Lỳ (Cao Bằng), một đồng nghiệp của chúng tôi – nhà báo Đào Tuấn, người có mặt ở đây trong những ngày qua chứng kiến cơn sang chấn của những người phụ nữ mất chồng, mất con - kể rằng: “2 tuần sau thảm hoạ vẫn chưa hết đau thương. Chân nhang, vẫn cắm chi chít khắp những nơi 11 nạn nhân được tìm thấy dưới vùi lấp đất đá.” Ở đó, những người phụ nữ vẫn khắc khoải, vô hồn bởi vì “có những vết thương sẽ lên da non, sẽ khép miệng, nhưng có những vết thương tâm hồn mãi mãi không bao giờ lành được.”
Có nhiều nỗi đau quá sức chịu đựng như thế, của những người đã mất gần hết người thân, của những người cho đến giờ này vẫn chưa tìm thấy thi thể người thân, mà càng ngày thì việc đó càng trở lên tuyệt vọng. Không chỉ nói về mặt tình cảm, không chỉ là vấn đề tâm linh, mà về khoa học hội chứng sang chấn tâm lý sau thảm hoạ là một chứng bệnh được y học thế giới đề cập đã từ lâu. Lâu nay vấn đề này ở Việt Nam lại thường không được chú ý đến. Sự cứu trợ sau một thảm hoạ như bão lũ, hoả hoạn… thường được chúng ta chú ý đến vật chất là chính.
Điều trị sang chấn tâm lý thì ngoài công việc của các bác sĩ, còn có những nghĩa cử tinh thần có thể giúp xoa dịu những cơn đau tinh thần. Ngày càng có nhiều hành động đẹp, ấm áp tình người mà chắc hẳn nó sẽ góp phần làm nguôi ngoai những nỗi đau. Ví dụ như hình ảnh thầy hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang nước mắt giàn giụa nhận nuôi những đứa trẻ còn sống sót của Làng Nủ. Số tiền hàng tháng chu cấp cho các em có thể nhiều người làm được. Nhưng cái phần giá trị tinh thần rằng các em từ nay vẫn còn chỗ dựa, gặp vấn đề gì thì “gọi cho ông nội Khang”, rằng có một người vẫn gọi điện hỏi thăm tình hình sức khoẻ học hành, sẽ giúp các em rất nhiều về tinh thần…
Ở Làng Nủ, ở Lũng Lỳ, ở vụ sập cầu Phong Châu và ở nhiều bản làng khác trong nỗi đau do thiên tai gây ra vừa qua, có những người bỗng chốc mất sạch người thân. Một thanh niên mất đến 7 người, một người chồng không còn vợ còn con, một đứa trẻ không còn cả bố lẫn mẹ… Có những người chưa hết bàng hoàng vì vừa thoát chết đã lại chịu một nỗi đau lớn hơn, những nỗi đau chồng lên nỗi đau vì nghe tin cả nhà không còn ai nữa. Việc những người thân trong gia đình mất đi cùng lúc và chỉ còn một người sống sót trong thiên tai là mất mát vô cùng lớn. Theo các chuyên gia tâm lý, cơn sang chấn này là cực kỳ lớn khi họ phải đối mặt với tình trạng liên khủng hoảng hoặc khủng hoảng chồng khủng hoảng. Với trẻ em có thể gặp phải những chấn thương, mất vĩnh viễn người thân của mình, mối quan hệ xung quanh, làng xóm, bạn bè… Sự mất mát này khiến nạn nhân bất ổn về cảm xúc, sốc cảm xúc, tuyệt vọng, sợ hãi, bất lực. Một số khác cảm thấy tê liệt tâm lý như: choáng váng ngơ ngác, bối rối, dễ bị kích động…
Đã qua rồi quãng thời gian cứu trợ khẩn cấp lương thực, thực phẩm, bây giờ là lúc vừa tái thiết đời sống vật chất như làm lại nhà cửa, ruộng vườn, vừa phải “cứu trợ” cho những khủng hoảng tinh thần của những người không may mắn. Điều này, cần sự tích hợp hỗ trợ tâm lý xã hội vào các chương trình cứu trợ tổng thể và sự hợp tác giữa cứu trợ về y tế và vật chất. Theo một chuyên gia tâm lý, điều quan trọng là can thiệp trong và sau thiên tai sao cho phù hợp văn hóa của địa phương để được sự đồng lòng của người dân mới đạt hiệu quả.
Đương nhiên, trong thực tế, là một đất nước từng không ít lần gặp rủi ro thiên tai, người dân ở những vùng miền núi hay ven biển tự trong tiềm thức đã có sức đề kháng với thảm hoạ. Những người dân chồng chất nỗi đau mất trắng nhà cửa, tài sản, người thân sau một trận bão, trận lũ dọc ven biển miền Trung hay vùng cao phía Bắc bao đời nay vẫn lầm lũi tự vực dậy, tự đứng lên. Cũng giống như lần này, rồi những người còn sống sẽ dần ổn định tâm lý gặp phải sau giai đoạn thiên tai. Rồi đến cuối năm nay, ngôi nhà mới, ngôi làng mới sẽ được dựng xong. Nhưng ở góc độ xã hội, cần tính đến hệ thống hỗ trợ nạn nhân ở cả khía cạnh tinh thần. Điều mà cộng đồng làng xóm vẫn tự làm và đã từng làm để các nạn nhân có thể hồi phục.
Trong số các nạn nhân, trẻ em ở vùng bão lũ rất cần sự quan tâm tích cực, phù hợp từ người thân cận và cộng đồng. Đây là nguồn lực mạnh mẽ trợ giúp trẻ ổn định, an toàn và tin tưởng. Nhờ đó mà trẻ có cơ hội cân bằng lại tinh thần, có động lực để vượt qua một số khó khăn nhất định. Một chuyên gia cho rằng: Trẻ em là đối tượng cần được ưu tiên để chăm sóc, theo dõi, can thiệp sớm. Khi trẻ có chấn thương về tâm lý sau thiên tai vì những chấn thương sớm, nếu không can thiệp kịp thời có thể dẫn đến nguy cơ rối nhiễu tâm lý trong quá trình phát triển sau này.
Sẽ còn ám ảnh lâu dài với những đứa trẻ may mắn sống sót qua trận lũ lụt trôi cả làng cả bản vừa qua. Còn cần nhiều những trái tim ấm áp đem đến cho các em một điểm tựa tinh thần. Còn cần cả những hỗ trợ tâm lý để các em vượt qua cơn sang chấn.
Sang chấn của một bộ phận người dân rất nặng nề
Trong Hội nghị rút kinh nghiệm về phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đến vấn đề sang chấn tinh thần: “Bão số 3 (Yagi) và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống và tinh thần của Nhân dân. Hậu quả và những ảnh hưởng của cơn bão là hết sức nặng nề. Thiệt hại về người rất lớn, nhiều người mất tích vẫn chưa được tìm thấy. Sang chấn tinh thần của một bộ phận nhân dân rất nặng nề. Nhiều gia đình vẫn phải ở trong những nơi ở tạm, nhiều bản làng vẫn phải rất lâu mới có thể trở lại bình thường.”Từ đó, nêu ra những việc cần làm sắp tới là: Có những giải pháp phù hợp đưa cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nhanh chóng trở lại bình thường. Bên cạnh công tác di dời, tái thiết lại các điểm dân cư, xây khu định cư mới, tạo sinh kế, đặc biệt chú trọng tình trạng bị sang chấn tâm lý, đời sống tinh thần của người dân mất mát người thân, nhà cửa.