Thực trạng tự ý mua, sử dụng thuốc mỗi khi đau họng, nhức đầu của người dân vẫn đang diễn ra, bất chấp những cảnh báo về hậu quả nặng nề mà hành vi này có thể mang lại. Nguy cơ càng lớn hơn với sự phát triển của mạng xã hội, việc “mách” nhau đơn thuốc, mua bán thuốc trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Mới đây, một bệnh nhân nữ (70 tuổi, quê ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) đã được cấp cứu tại Bệnh viện 71 Trung ương (Thanh Hóa) trong tình trạng nguy kịch do suy thận cấp. Nguyên nhân được xác định liên quan đến việc sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc.
Khai thác tiền sử cho thấy, bệnh nhân bị bệnh tiểu đường và đã tự mua thuốc dạng viên hoàn do người quen giới thiệu trên mạng về uống.
Kết quả xét nghiệm xác định loại thuốc bệnh nhân đã uống có chứa Phenformin. Đây là chất gây tổn thương gan, thận, thậm chí dẫn đến tử vong nếu dùng kéo dài và Cục Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chính thức cấm từ tháng 11/1978.
Sau nhiều ngày điều trị tích cực, tình trạng của bệnh nhân đã tạm thời ổn định nhưng chức năng thận vẫn còn rất kém. Hiện bệnh nhân cần theo dõi chặt chẽ và có thể phải lọc máu định kỳ trong tương lai.
Thực tế, những trường hợp nguy kịch, thậm chí tử vong vì thói quen tự ý sử dụng thuốc tùy tiện như trên không phải là hãn hữu trên phạm vi cả nước. Với suy nghĩ “đi khám bác sĩ có thể tốn thời gian, tiền bạc”, không ít người dân đã và đang coi việc dùng thuốc sau khi tự tìm hiểu trên mạng xã hội, google hay qua truyền miệng giống như uống một cốc nước, ăn một cái kẹo mà không hề biết rằng việc tự ý dùng thuốc này đối với các vấn đề sức khỏe nhỏ cũng có thể dẫn đến các biến chứng.
Thường gặp nhất là trường hợp người bệnh sau khi được bác sĩ chữa khỏi bệnh một thời gian dài, bệnh tái phát với các triệu chứng khá giống như trước, thế là họ tự ý dùng lại đơn thuốc cũ, mua thuốc dùng y hệt như trước đây. Đặc biệt, trường hợp bệnh nhi được mẹ mua thuốc theo đơn cũ để sử dụng cũng khá phổ biến. Một số người bệnh khác, khi thấy người quen đã bị bệnh có vẻ giống như bệnh của mình thì tìm cách mua thuốc theo đơn của người quen để tự sử dụng.
BS Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga (Bộ Quốc phòng) phân tích: “Từ trước đến nay, nhiều người thường có thói quen tự ý dùng thuốc mỗi khi mắc phải một số triệu chứng thông thường như: Ho, sốt, đau đầu, mất ngủ, cảm thấy không được khỏe... Đây là hành động có thể rất nguy hiểm do những tác hại không thể lường trước được như: Có thể gây kháng thuốc, sốc thuốc nguy hiểm đến tính mạng, các tác dụng phụ không mong muốn, rối loạn chức năng của các cơ quan không hồi phục, thậm chí có thể làm bỏ sót các bệnh nguy hiểm. Sử dụng bừa bãi thuốc kháng sinh không đúng liều, không đúng bệnh dễ gây ra tình trạng kháng thuốc, đa kháng thuốc. Đến khi thực sự cần thiết thì các thuốc kháng sinh này không còn hiệu quả ,làm khó khăn và thất bại trong điều trị. Các nhóm thuốc giảm đau, corticoid sử dụng lâu ngày, bừa bãi không đúng cách gây ra nhiều tác dụng không mong muốn từ viêm loét dạ dày tá tràng cho tới xuất huyết nội tạng, rối loạn điều hòa hoạt động các cơ quan như loãng xương, hội chứng cushing do thuốc, suy vỏ thượng thận... Các thuốc này còn làm giảm hoặc mất các triệu chứng quan trọng khiến chúng ta dễ bỏ sót các nguyên dân gốc nguy hiểm như các khối u, viêm tụy cấp, viêm ruột thừa... hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng một số bệnh như: Các vấn đề về tim mạch, lao phổi... Ngoài ra, hầu hết tất cả các loại thuốc kể cả thực phẩm chức năng đều chuyển hóa và đào thải qua gan, thận nên chúng ta có thể vô tình làm tổn thương hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh sẵn có của các cơ quan này”.
Theo các chuyên gia y tế, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc. Việc mua thuốc trên mạng rất dễ gặp phải tình trạng thuốc không đảm bảo chất lượng và không có nhân viên y tế chịu trách nhiệm tư vấn và theo dõi. Nguồn gốc và hiệu quả của các thuốc này là không rõ ràng và chưa được thông qua bất kỳ sự kiểm định nào. Cùng với đó, thói quen “tự làm bác sĩ” cũng có thể gây ra những hậu quả khôn lường và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe, thậm chí, chính vì thói quen này mà một số người đã vô tình bỏ qua “thời gian vàng” để điều trị bệnh.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), người dân cần cảnh giác và tránh xa trước các lời quảng cáo, chào mời từ các loại sản phẩm thuốc y học cổ truyền, các thực phẩm chức năng hay các thuốc không đảm bảo về nguồn gốc (không có các thông tin đầy đủ rõ ràng về giấy phép được cấp bởi Bộ Y tế). Khi nghi bị ngộ độc hoặc phản ứng bất lợi do một loại sản phẩm thuốc hoặc thực phẩm chức năng, cần giữ lại tất cả các mẫu vật còn lại cùng các thông tin liên quan để có thể chuyển cho các cơ quan chức năng hoặc bệnh viện tuyến cuối kiểm tra, xét nghiệm để xác minh và có các biện pháp ngăn chặn ngộ độc tiếp tục xảy ra với người khác.