SaPa, Tam Đảo, Mã Pí Lèng, Lũng Cú… đã từng tạo được những ấn tượng sâu sắc đối với du khách trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp bình dị, nguyên sơ. Tuy nhiên, trong quá trình du lịch phát triển nóng, một số địa danh đã dần bê tông hoá, thay vào đó là những toà nhà khách sạn hiện đại, những resort 5 sao… khiến du khách ít nhiều nuối tiếc. Pù Luông cũng đang trên đà phát triển du lịch nhưng làm thế nào để vừa phát triển vừa gìn giữ được bản sắc là bài toán không dễ tìm lời giải nếu chính quyền không yêu Pù Luông đúng cách.
Độc đáo Pù Luông
Pù Luông thuộc địa phận huyện Bá Thước và Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, cách Hà Nội 161 km, du khách có thể đi theo nhiều hướng hoặc theo đường mòn Hồ Chí Minh đến trung tâm thị trấn Cẩm Thủy rẽ về hướng đi cửa khẩu Na Mèo lên Pù Luông. Nếu điểm xuất phát từ thành phố Thanh Hóa với khoảng cách 130 km về phía Tây Bắc du khách sẽ đi mất khoảng 2 giờ đồng hồ.
Pù Luông là tên gọi từ xa xưa của đồng bào dân tộc Thái có nghĩa là đỉnh núi cao nhất trong vùng. Pù Luông sở hữu những thửa ruộng bậc thang trải dài trùng điệp với những nếp nhà sàn nhấp nhô cùng các bản làng, những cung đường uốn lượn vòng quanh bên sườn núi và không khí mát lành trong vắt và những nét văn hóa bản địa độc đáo của cộng đồng dân tộc Thái. Với diện tích hơn 17.600 ha Pù Luông được coi là khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị về khoa học, kinh tế xã hội và du lịch sinh thái.
Pù Luông nổi tiếng với khu bảo tồn thiên nhiên. Đến đây du khách được hòa mình với không khí trong lành ngắm nhìn những tầng mây cao thấp bồng bềnh thơ mộng hoà quyện với vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng.
Bản Kho Mường, Bản Hiêu, Bản Đôn… nằm sâu trong vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên Quốc Gia Pù Luông, cách biệt với các bản làng khác trong vùng là những địa danh ai đến Pù Luống cũng nhất định phải ghé qua.
Bản Kho Mường ít chịu ảnh hưởng từ tác động của con người nên nơi đây vẫn giữ được nét đẹp thơ mộng vốn có.
Từ Bản Hiêu - Thác Hiêu du khách có thể ngắm nhìn những mái nhà sàn nằm rải rác hai bên bờ suối đan xen với các ghềnh thác cùng những cánh đồng ruộng bậc thang uốn lượn quanh dòng Hiêu xanh mát tạo như bức tranh thủy mặc, trữ tình.
Bản Đôn là nơi du khách có thể trải nghiệm cách dệt vải của người dân tộc Thái, trải nghiệm cuộc sống bản địa, tìm hiểu nét văn hóa phong tục tập quán của người Thái, giao lưu văn hoá cộng đồng, thưởng thức các món ăn truyền thống như cơm lam, măng rừng, vịt Cổ Lũng, lợn rừng, gà đồi, canh cá… và cảm nhận rõ nét sự chân thành, hiếu khách của người Pù Luông.
Chinh phục đỉnh Pù luông ở độ cao 1.700 m so với mực nước biển là trò chơi dành cho du khách ưa mạo hiểm. Du khách có thể mất 3h đồng hồ để chinh phục, từ trên cao du khách có thể bao quát được khung cảnh Pù Luông hùng vỹ, mây và núi hòa quyện, những cánh đồng bạt ngàn xen lẫn đâu đó những mái nhà sàn lấp ló.. vô cùng cuốn hút.
Chợ phiên Phố Đoàn- phiên chợ với các mặt hàng tự cung tự cấp là chủ yếu, thường được mở vào sáng thứ 5 và chủ nhật hàng tuần. Chợ phiên bày bán các chủng loại sản vật như trang phục thổ cẩm, rượu cần, rau rừng. Điều đặc biệt ở chợ phiên chính là văn hóa độc đáo mua bán trao đổi hàng hóa ngang giá trị, ít khi thấy trả giá, nói thách.
Bàitoán khó
Những năm gần đây Pù Luông đã đi đúng hướng trong việc phát triển kinh tế gắn liền với phát triển du lịch. Nhiều khu nghỉ dưỡng đa dạng, các homestay, resort được xây dựng tại Pù Luông mang đậm bản sắc văn hóa bản địa, đời sống người dân địa phương từng bước được cải thiện.
Bài toán của Pù Luông hiện nay là làm thế nào để phát triển kinh tế, phát triển du lịch mà không làm mất đi vẻ đẹp thiên nhiên nơi hoang sơ hùng vĩ của Pù Luông. Nhiều du khách từng tiếc nuối những Sapa, Tam Đảo, Mã Pí Lèng xưa cũ… giờ bắt đầu lo lắng cho Pù Luông. Việc bê tông hóa đang xuất hiện ngày một nhiều ở Pù Luông bởi các Homstay, reort.
Gần đây, thị trường bất động sản ở Pù Luông lại nóng lên bởi các nhà đầu tư đổ xô về Pù Luông tìm kiếm cơ hội dầu tư kinh doanh… có những nơi ở Pù Luông giá đất tăng chóng mặt, từ 300.000 đồng/m2 đã lên tới 20 triệu đồng/m2. Người dân bản địa vui mừng vì sự thay da đổi của Pù Luông nhưng vẫn lo ngại khi thấy những khối nhà đồ sộ toàn bê tông cốt thép dần thay thế những mái nhà sàn truyền thống, những căn biệt thự sang trọng dần thay thế các bản làng.
Làm thế nào để phát triển kinh tế, vừa bảo tồn được những vẻ đẹp hoang sơ, truyền thống của địa phương là bài toán không có lời giải nếu chính quyền nơi đây lơ là buông lỏng quản lý. Để Pù Luông phát triển bền vững, chính quyền nơi đây phải yêu Pù Luông thực sự, yêu Pù Luông đúng cách và phải có tầm nhìn chiến lược cho Pù Luông.