Trong thời kỳ hội nhập kinh tế hiện nay, đầu tư, hiện đại hóa công nghệ là giải pháp tối ưu để doanh nghiệp (DN) nâng cao năng lực cạnh tranh.
Doanh nghiệp cần nâng cao công nghệ sản xuất nếu không muốn bị tụt hậu.
Làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 buộc các DN phải thay đổi tư duy quản lý, phương thức sản xuất, trong đó đầu tư vào khoa học công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị sản xuất có yếu tố quyết định. Theo TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đầu tư công nghệ hiện đại giúp DN hòa nhập nhanh hơn vào nền kinh tế số, đưa DN Việt Nam đến với nền kinh tế toàn cầu một cách dễ dàng hơn.
Nắm bắt được xu hướng này, thời gian qua, nhiều ngành sản xuất trong nước đã và đang nỗ lực đầu tư để hiện đại hóa, đưa công nghệ hiện đại vào dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao năng suất cạnh tranh. Đơn cử, thời gian qua, ngành than đã và đang tập trung vào nhiều vào việc triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại đối với tất cả các khâu sản xuất.
Theo đại diện của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), cơ giới hoá, tự động hóa trong khai thác chính là giải pháp chiến lược cho “bài toán” nâng cao sản lượng và là mục tiêu xuyên suốt để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của toàn ngành. Nhiều DN trong ngành than cũng cho biết, gần đây đã đẩy mạnh đầu tư các trang thiết bị hiện đại như thiết bị cắt gọt kim loại tự động CNC, robot hàn tự động...
Có thể thấy, nỗ lực của cộng đồng DN trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, điều hành đã mang lại nhiều hiệu quả rõ nét. Tuy nhiên, thực tế không phải DN nào cũng chủ động với xu hướng của nền kinh tế số. Con số khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho thấy, chỉ 55% DN cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động rất lớn tới DN, thế nhưng có đến 80% trong số này hoàn toàn đang “đứng yên”, chưa hề có sự chuẩn bị gì cho cuộc chuyển đổi này. Số DN còn lại vẫn ở tình thế “tìm hiểu và nghiên cứu”.
Ông Trịnh Duy Hoàng - Công ty nghiên cứu thị trường Vietanalystic cho hay, kinh tế số phát triển khá mạnh mẽ tại Việt Nam nhưng đối với các DN nhỏ và vừa, họ hầu như chưa có sự tiếp cận và ứng dụng công nghệ số vào sản xuất.
Theo ông Hoàng, nhiều DN hiện nay còn chưa nhận thấy tầm quan trọng của sự chuyển đổi số, vẫn thấy công nghệ số là thứ gì đó xa vời. Bên cạnh đó, hạn chế về quy mô vốn cũng là rào cản khiến các DN không thể ứng dụng công nghệ hiện đại, thông minh vào sản xuất.
Giới chuyên gia kinh tế vẫn khuyến cáo, dù là DN lớn hay nhỏ, siêu nhỏ cũng cần phải áp dụng bằng được hệ thống quản trị đạt chuẩn toàn cầu, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, vì đây là yếu tố quyết định giúp DN có thể đứng vững trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
“Trong bối cảnh hiện nay, khi làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 đang mạnh mẽ, các DN sẽ không thể bước tiếp nếu cứ mãi sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu” - ông Hoàng nhấn mạnh.