Không phải ai cũng dám xem hết cái clip những đứa con gái lột đồ bạn ra đánh giữa lớp học. Trên mạng cũng không phải lần đầu tiên xuất hiện clip kiểu này. Bọn trẻ đánh bạn như kẻ thù rồi quay clip đưa lên mạng không phải lần đầu tiên.
Bao nhiêu lần có clip đánh nhau là trên mạng có bấy nhiêu lần bàn tán, tràn lan các từ ngữ đau lòng, phẫn nộ. Bàn vài ngày thì chuyển sang bàn việc khác. Thuật ngữ trên mạng gọi là “hết trend”. Đã bảo mà, mạng không phải lúc nào cũng giải quyết được các vấn đề.
Nhưng nhân chuyện bọn trẻ con đánh nhau, nhiều người lớn được dịp ôn lại chuyện hồi bé đi học, có người cũng bị bạn đánh, có người kể chuyện đi bắt nạt bạn khác. Chuyện hồi xưa chỉ khác bây giờ ở chỗ không có clip, cũng không có mạng để bàn. Nhưng ngày xưa hay bây giờ thì đều có một điểm chung là trong lớp học, trong trường học luôn có những kẻ cậy mạnh hơn, cộng với ý thức kém mà sẵn sàng gây sự bắt nạt bạn khác. Nói rộng ra trong xã hội cũng thế, người yếu thế hơn thì dễ bị bắt nạt.
Ở trên mạng, trong lúc bàn tán, nhiều người thích đi tìm lý do vì sao bạn này lại bị bạn kia đánh. Thực ra thì đối với những đứa trẻ đầu gấu, kém về ý thức thì lý do lúc nào chả có, kiểu giống thanh niên đánh nhau ngoài đường phố nhiều khi chỉ vì “nhìn đểu”.
Rồi những đứa trẻ đều sẽ cùng nhau lớn lên, thành những người lớn hôm nay kể chuyện ngày xưa bị bạn đánh, hoặc đã từng đi đánh bạn (giống như một số người lớn đã từng kể hả hê trong một cuốn sách bán chạy cách đây vài năm). Những vết xước trong tâm hồn của cả 2 bên, nếu có, cũng chẳng biết bên nào đau đớn hơn. Bởi vì cuộc đời ấy mà, đôi khi những người ra vẻ đầu gấu lại thực ra chưa chắc đã là kẻ mạnh.
Trẻ con đánh nhau đương nhiên người lớn đau lòng. Nhưng nếu không có cách giải quyết, thì người lớn cùng lắm sẽ tiếp tục đau lòng trên mạng. Chỉ ngày mai là “hết trend” thôi.