Với sự bùng nổ của mạng xã hội, rất nhiều video clip dưới dạng phim ngắn đã được dàn dựng, đăng tải trên các nền tảng. Tuy nhiên, khâu quản lý lỏng lẻo đã “tiếp tay” cho sự tràn lan của các bộ phim có nội dung phản cảm, tác động xấu đến tâm lý của khán giả, đặc biệt là người trẻ.
Hiểm họa tiềm ẩn
Thông qua các thiết bị thông minh, chưa bao giờ việc tìm thông tin, phim ảnh lại tiện lợi như hiện nay. Lướt qua các nền tảng như Facebook, TikTok, YouTube… các series phim ngắn đang vào thời “trăm hoa đua nở” với đủ các thể loại, chủ đề. Tuy nhiên, bên cạnh những tác phẩm tích cực, có nội dung chỉn chu thì cũng xuất hiện ngày càng nhiều video clip chứa nội dung phản cảm, chú trọng khai thác đến các vấn đề tiêu cực, những góc tối của xã hội, nội dung vi phạm chuẩn mực đạo đức.
Thời gian qua, rất nhiều nghệ sĩ bỗng vụt sáng nhờ sản phẩm phim ngắn, như diễn viên Huỳnh Lập, Nam Thư, Thu Trang, Việt Hương, Võ Đăng Khoa; ca sĩ Ưng Hoàng Phúc, Lâm Chấn Khang... Song khán giả khi xem thể loại phim ngắn này thường bắt gặp nội dung bạo lực và phản cảm. Không khó để nhận thấy, những phim ngắn như: Giang hồ Chợ Mới, Thập Tam muội, Vi Cá tiền truyện, Thập Tứ cô nương, Chết thì chịu... thu hút hàng chục triệu lượt người xem tràn lan hình ảnh chém giết, với lời thoại sặc mùi giang hồ.
Nhìn chung, những bộ phim theo kiểu “mỳ ăn liền” hiện đang được sản xuất với một công thức chung là quay dựng nhanh với lượng diễn viên không nhiều, bối cảnh đơn giản, nội dung tập trung những vấn đề gây sốc, xoáy vào các mối quan hệ trong gia đình nhưng theo hướng nhảm nhí, không có giá trị, thậm chí phản cảm. Khán giả chỉ cần tìm kiếm các từ khóa có nội dung nhạy cảm như: tiểu tam, ngoại tình, chị dâu em chồng, sugar baby, sugar daddy, bạo lực học đường… sẽ ra kết quả là hàng nghìn clip với nhiều tựa đề khác nhau. Nhiều phim cổ súy chuyện tình tay ba, khai thác quá đà chuyện ngoại tình, lời lẽ thô tục,… Các bộ phim này nhận được sự tương tác của những người xem với những bình luận từ chỉ trích, lên án… và cũng không ít người lên tiếng ủng hộ.
Theo chuyên gia truyền thông văn hóa Nguyễn Đình Thành, các nội dung giật gân sẽ thu hút sự chú ý của người sử dụng internet. Tuy nhiên, nguy hiểm ở chỗ, nhằm tìm mọi cách hút người xem, thu về lượt view cao, có một số cá nhân đã đi quá giới hạn. Việc xin view, mua view, kéo view được xem là thước đo nên cũng đồng thời trở thành sức ép lớn đối với đoàn làm phim. Đặc biệt, một số cá nhân, trong đó có nhiều ê kíp nghiệp dư cố gắng câu kéo lượng người xem, bất chấp việc đưa ra những nội dung vô cùng phản cảm và độc hại. “Nếu người xem không tỉnh táo thì sẽ nghĩ rằng điều đó đang xảy ra ngoài đời sống và tôi nên làm như vậy. Vô hình chung, các bộ phim đang lèo lái con người đến hành vi lệch lạc” - ông Thành bày tỏ.
Người “tiêu thụ” thông minh
Có thể nói, môi trường số cởi mở và không vấp phải sự kiểm duyệt khắt khe đang giúp nhiều nhà sản xuất phim chuyên và không chuyên có thể thỏa sức sáng tạo ở nhiều đề tài. Thế nhưng chính cơ chế mở này cũng đang tiếp tay cho các biến tướng, những lối ứng xử đi ngược với các giá trị truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Thực trạng “rác văn hóa” từ phim ngắn trên các mạng xã hội đang từng ngày, từng giờ tác động đến nhận thức, tư tưởng và thói quen hưởng thụ văn hóa của người sử dụng theo chiều hướng tiêu cực.
Chưa kể, sự lây lan của các bộ phim này còn thần tốc hơn cả virus mà chưa có “thuốc kháng sinh” ngăn chặn. Bởi thực tế, các nhà sản xuất chỉ cần đăng các bộ phim lên các mạng xã hội và chỉ trong một thời gian ngắn là đã có thể tiếp cận với lượng người xem đông đảo. Nhiều bộ phim dù nội dung phản cảm nhưng lại đem về doanh thu định kỳ hàng tháng cho các nhà sản xuất với việc bán quảng cáo, hợp tác với các nhãn hàng tài trợ…
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành bày tỏ, trong bối cảnh mạng xã hội thống lĩnh đời sống tinh thần hiện nay, khó tránh khỏi việc nhà sản xuất chạy theo thị hiếu câu view tầm thường. Dung lượng ngắn, các nhà làm phim thường ngẫu hứng chọn đề tài nhạy cảm, nhiều trường hợp đi ngược giá trị văn hóa chuẩn mực, thuần phong mỹ tục, cổ súy lối sống thiếu lành mạnh… Trước thực trạng này, nhằm kiểm soát, hạn chế những tác động tiêu cực đến người xem, Cục Điện ảnh cũng đã thành lập Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng để xử lý phim chiếu mạng có nội dung độc hại, phản cảm.
Thực tế cho thấy, mặc dù đã có nhiều chế tài, quy định xử phạt các nội dung phản cảm được đăng tải trên nền tảng mạng xã hội, nhưng đến thời điểm hiện nay chỉ có một vài trường hợp bị các cơ quan chức năng “tuýt còi”. Nếu khán giả không biết chọn lọc, “tiêu thụ” thông tin tích cực thì mạng xã hội với những phim “rác”, bẩn, độc hại sẽ trở thành con dao hai lưỡi, tạo hố đen nhận thức, hành vi trong giới trẻ.
Các chuyên gia văn hóa cho rằng, khi có một bức “tường lửa” ngăn chặn các bộ phim phản cảm trên môi trường mạng, nghệ sĩ phải tự “duyệt” chính mình thay vì tìm mọi cách để lách luật. Không có cơ quan kiểm duyệt nào bằng được lương tâm của chính mình. Cùng với đó, khán giả cần có tiếng nói phản biện, lên án và tẩy chay các bộ phim nhảm, nhạt để các nhà sản xuất thay đổi tư duy.
Đặc biệt, các cơ quan quản lý cần cập nhật những xu hướng mới nhất, chủ động, sát sao phối hợp chặt chẽ với nhau để cộng tác, quản lý sản phẩm văn hóa trên không gian mạng hiệu quả, nếu không nó sẽ đem lại những hệ lụy khôn lường.