Một khảo sát mới đây cho biết: 78% trẻ em từ 1 đến 5 tuổi ở các đô thị lớn của Việt Nam tiếp xúc với các thiết bị điện tử có ánh sáng xanh từ 3 đến 5 giờ mỗi ngày. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho ngày càng nhiều trẻ em trong lứa tuổi học đường mắc tật khúc xạ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tật khúc xạ là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực ở trẻ em, là nguyên nhân thứ hai gây mù lòa có thể chữa được ở Việt Nam và là 1 trong 5 nguyên nhân gây mù lòa có thể chữa được trên thế giới.
Ở Việt Nam, theo PGS.BS Phạm Ngọc Đông, Phó Giám đốc quản lý, phụ trách điều hành Bệnh viện Mắt Trung ương, có khoảng 3 triệu trẻ em độ tuổi từ 5 đến 15 tuổi mắc các tật khúc xạ.
Một khảo sát mới đây tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang … cho thấy, có đến 78% trẻ em độ tuổi từ 1 đến 5 tuổi tiếp xúc với các thiết bị điện tử từ 3-5 giờ mỗi ngày. Ánh sáng xanh đến từ các nguồn như ti vi, điện thoại thông minh, màn hình máy tính bảng. Mắt khi tiếp xúc với ánh sáng xanh trong thời gian dài sẽ gây nên hội chứng thị giác màn hình (đau nhức, mỏi, khô mắt, rối loạn điều tiết…), từ đó dễ mắc các tật khúc xạ như cận, loạn, viễn thị. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra cận thị ngày càng gia tăng ở trẻ em Việt Nam.
Cũng theo một khảo sát về thực trạng các bệnh tật học đường phổ biến do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh phối hợp với các bệnh viện trên địa bàn cho thấy, trong 1.300 trẻ em được khảo sát đang theo học tại các trường mầm non đến trung học phổ thông tại Thành phố có hơn 54% trẻ mắc tật khúc xạ.
Tại Hội thảo khoa học “Nâng cao hiểu biết dinh dưỡng bảo vệ mắt trẻ em Việt Nam” do Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ Trung ương (Bộ Y tế) phối hợp Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức mới đây, ông Vũ Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) cho biết, số liệu của WHO dự báo đến năm 2025 có đến 90% trẻ em ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ cận thị. Cũng theo ông Cường, trẻ em ở Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung có tỷ lệ mắc tật khúc xạ cao hơn các khu vực khác.
Nguyên nhân được cho là do thói quen lối sống, trẻ em ở Việt Nam thời gian học ở trong phòng kín rất nhiều, ít được ra môi trường bên ngoài vui đùa, vận động. Cùng với đó, trẻ được tiếp xúc với các thiết bị điện tử quá sớm. Thống kê cho thấy, trung bình người Việt Nam sử dụng internet khoảng 6,5 giờ/ngày. Điều này đồng nghĩa với việc mắt của người Việt Nam, trong đó có trẻ em thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử ở cường độ cao. “Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử, thường xuyên cho trẻ vui chơi ở môi trường ngoài trời và có chế độ dinh dưỡng hợp lý là những biện pháp bảo vệ đôi mắt cho trẻ em mà phụ huynh cần quan tâm”, ông Vũ Mạnh Cường khuyến cáo.
Theo các chuyên gia y tế, chế độ dinh dưỡng cộng với việc để mắt được nghỉ ngơi hợp lý, cũng như bổ sung dưỡng chất thiên nhiên thiết yếu thông qua thực phẩm bảo vệ sức khỏe là yếu tố tiên quyết để nuôi dưỡng, bảo vệ mắt, phòng ngừa bệnh mắt từ sớm đồng thời cải thiện triệu chứng thoái hóa mắt do tác hại của ánh sáng xanh gây ra.
Về khía cạnh dinh dưỡng, TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng Thư ký Tổng Hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam lưu ý, hai dưỡng chất Lutein và Zeaxanthin được xem là trợ thủ đắc lực trong việc tăng cường thị lực và vitamin A cho trẻ. Lutein và Zeaxanthin giữ vai trò tạo nên màu vàng của điểm vàng võng mạc trong mắt, đóng vai trò quan trọng trong việc thu nhận và làm rõ nét hình ảnh, đảm nhận tới 90% thị lực. “Hai loại dưỡng chất này được tìm thấy nhiều ở các loại thực phẩm rau ăn lá màu xanh đậm và hoa, quả màu vàng, đỏ. Ngoài việc bổ sung các dưỡng chất này thì thường xuyên bổ sung vitamin A cho trẻ, nhất là trẻ dưới 6 tuổi là rất cần thiết. Các loại vitamin tốt cho mắt như vitamin A, E, C, B6, B12, B9 thường có trong trái cây như cam, quýt, đu đủ, cà rốt, củ cải đường, rau lá xanh,...”, BS Sơn lưu ý.
Theo khuyến cáo của WHO, chỉ cần sử dụng các thiết bị công nghệ (bao gồm máy tính, điện thoại, máy tính bảng….) từ 3 giờ/ngày sẽ làm tăng nguy cơ suy giảm thị lực và dễ mắc các bệnh nguy hiểm về mắt. Làm việc không ngừng nghỉ với máy tính trong hơn 4 giờ sẽ dẫn đến chứng mỏi mắt, khô, đau nhức mắt.
Để bảo vệ đôi mắt, lời khuyên của các chuyên gia nhãn khoa là mọi người, nhất là trẻ em, khi sử dụng thiết bị phát ánh sáng xanh, hãy dừng lại sau mỗi 20 phút để tập trung nhìn vào các vật cách khoảng 20 feet (0.6 m) trong 20 giây trước khi tiếp tục sử dụng thiết bị.
Nheo mắt trước màn hình máy tính trong thời gian dài không tốt cho sức khỏe mắt vì thế thuốc nhỏ mắt, nước mắt nhân tạo và máy tạo độ ẩm trong phòng là những cách tốt để giúp mắt không bị quá khô và khó chịu khi sử dụng các thiết bị phát ra ánh sáng xanh. Để giảm nguy cơ mỏi mắt và rối loạn giấc ngủ, nên đặt màn hình ở chế độ "ban đêm" với tông màu ấm hơn, cũng có thể mua màn hình lọc ánh sáng xanh nếu bạn làm việc nhiều vào ban đêm. Bộ lọc có thể làm giảm độ chói trên màn hình máy tính. Nghiên cứu cho thấy màn hình lọc có thể chặn 30 - 60% ánh sáng xanh, mặc dù không rõ hiệu quả với việc duy trì giấc ngủ cho những người thường xuyên phải sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ hay không. Không nên dành toàn bộ thời gian để ở trong nhà hoặc không gian hẹp, việc tiếp xúc với các sự vật đa dạng và có cơ hội nhìn ở khoảng cách xa sẽ giúp mắt điều tiết dễ dàng hơn.
Ngoài ra, mỗi người hãy cố gắng đi khám mắt định kỳ 2 lần/năm để kiểm tra sức khỏe của mắt cũng như phát hiện kịp thời các vấn đề và bệnh về mắt nếu có.
Ánh sáng xanh là gì?
Ánh sáng xanh là một phần của quang phổ ánh sáng khả kiến, trải dài từ đỏ đến tím và mắt người có thể nhìn thấy. Độ rung của ánh sáng xanh trong phạm vi 380 đến 500 nanomet. Loại ánh sáng này có bước sóng ngắn nhất và năng lượng cao nhất. Ánh sáng mặt trời được xem là nguồn ánh sáng xanh tự nhiên lớn nhất. Và các nguồn ánh sáng xanh nhân tạo bao gồm đèn huỳnh quang, tivi màn hình LED, màn hình máy tính, điện thoại thông minh và màn hình máy tính bảng.