Thời điểm cận Tết, tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép pháo nổ lại tăng cao, đặc biệt là hoạt động chế tạo, sản xuất, sử dụng pháo trái phép. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn mối nguy hiểm khôn lường tới tính mạng, sức khỏe và tình hình an ninh, trật tự.
Bắt nhiều đối tượng
Ngày 18/10, Công an TP Lạng Sơn phối hợp với Đội kiểm soát chống buôn lậu, hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) làm nhiệm vụ trên tuyến đường Quốc lộ 1A, thuộc địa phận xã Mai Pha, TP Lạng Sơn, tiến hành kiểm tra xe ô tô đầu kéo (BKS 12H-015.99) kéo theo sơ mi rơ moóc (BKS 12R-014.29) do Lương Ngọc Tùng (SN 1984, trú tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) điều khiển.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ 458 hộp pháo do nước ngoài sản xuất, tổng trọng lượng hơn 667kg và 980 quả pháo (dạng pháo lựu đạn). Bước đầu, đối tượng Tùng khai nhận, trong quá trình nhận vận chuyển thuê hàng hóa đã mua số pháo trên tại Trung Quốc, sau đó giấu trong téc nước dưới gầm xe nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng để đưa về Bắc Giang tiêu thụ.
Ngày 22/11, Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển số lượng lớn pháo lậu từ biên giới vào nội địa tiêu thụ.
Trước đó, khoảng 1 giờ 20 phút ngày 21/11, Đoàn Đặc nhiệm Biên phòng miền Nam, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện, bắt giữ đối tượng Đặng Nguyễn Hoàng Khang (24 tuổi, trú xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường) đang vận chuyển pháo lậu.
Khi bị phát hiện, Khang điều khiển xe tải lao vào nhà dân nhằm tẩu thoát. Tuy nhiên, lực lượng chức năng kịp thời bắt giữ đối tượng Khang cùng tang vật, thu giữ 54 thùng giấy, bên trong chứa pháo lậu gồm 1.377 hộp pháo hoa, 20 hộp pháo dạng bánh, 96 cây pháo ống và 178kg pháo trứng. Đối tượng Đặng Nguyễn Hoàng Khang cùng tang vật đã bị lực lượng chức năng áp giải về Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp để tiếp tục điều tra làm rõ…
Càng đến thời điểm cận Tết, tình trạng vận chuyển, sử dụng pháo trái phép ở các tỉnh, thành trên cả nước lại diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở các tỉnh biên giới. Mặc dù cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, phát hiện bắt giữ nhiều vụ, xử lý nhiều đối tượng nhưng vấn nạn về pháo vẫn nóng.
Hiểm họa từ pháo đã thấy rõ từ vụ nổ xảy ra tại huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) vào ngày 7/12 vừa qua khiến 2 phụ nữ tử vong và một trẻ em bị thương. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kim Sơn đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vật liệu nổ” và tạm giữ đối tượng Nguyễn Văn Linh (SN 1996, trú tại thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn) để điều tra làm rõ. Linh là người đã thuê 2 người phụ nữ là chị M.T.X. (SN 1993) và chị T.T.G. (SN 1995) cùng ở huyện Kim Sơn làm công việc lắp ngòi nổ, đóng gói thuốc pháo nổ, đóng gói đơn hàng pháo để đi tiêu thụ. Khai nhận tại cơ quan Công an, Nguyễn Văn Linh cho biết, đã tìm hiểu trên mạng xã hội biết cách thức chế tạo pháo nổ nên đặt mua 20kg thuốc pháo, dây cháy chậm và vỏ pháo trên mạng xã hội để chế tạo pháo nổ bán kiếm lời. Ngày 7/12, khi tự chế pháo nổ thì xảy ra vụ việc thương tâm, làm chị X. và chị G. tử vong, cháu P. (con trai chị G.) bị thương nhẹ.
Điều đáng nói, hiện nay nhiều nhóm học sinh đã tìm hiểu về cách chế tạo pháo sau đó mua tiền chất trên mạng về tự chế pháo nổ tiềm ẩn nguy cơ cao gây thương tích, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng cho chính người sử dụng và những người xung quanh.
Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (Công an Hà Tĩnh), từ 15/11/2023 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh này đã phát hiện 14 vụ, với 94 trường hợp (đều ở độ tuổi học sinh) vi phạm về pháo. Lực lượng công an đã tiến hành thu giữ 71,5kg pháo, 409 quả pháo và 3,45kg thuốc pháo, 6,3kg tiền chất thuốc pháo.
Nâng cao cảnh giác
Theo Bộ Công an, chỉ tính riêng năm 2023, toàn quốc đã phát hiện 2.354 vụ mua bán, vận chuyển pháo trái phép, bắt giữ hơn 3.000 đối tượng, thu giữ hơn 40.000kg pháo.
Để đón một năm mới an toàn, bình yên, người dân cần chú ý nâng cao nhận thức, đồng thời quản lý giáo dục con em trong gia đình chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong đó có các quy định về quản lý, sử dụng pháo. Không được phép nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ (trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định).
Đối với các sản phẩm pháo hoa được phép sử dụng phải đáp ứng các điều kiện về năng lực hành vi dân sự; sử dụng trong các trường hợp được phép, bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng và lựa chọn mua tại các cửa hàng được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Nếu phát hiện các trường hợp cố ý vi phạm quy định về phòng, chống pháo nổ, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định.
Để tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn nạn mua bán pháo lậu nhằm phòng tránh tình trạng cháy nổ xảy ra, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương quyết liệt thực hiện các biện pháp công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về pháo, nhất là đấu tranh ngăn chặn việc thẩm lậu pháo trái phép vào Việt Nam qua tuyến biên giới; đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng chế tạo, sản xuất pháo trái phép; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không tàng trữ, chế tạo, sản xuất, vận chuyển, mua bán pháo trái phép; tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về pháo.
Đồng thời, tăng cường phối hợp kiểm tra, quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh pháo hoa của các doanh nghiệp sản xuất pháo hoa để đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối từ khâu sản xuất đến khâu cung ứng sản phẩm ra thị trường theo đúng quy định của pháp luật để bảo đảm an toàn cháy nổ, an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân.
Tại Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định loại pháo không được phép sử dụng (nghiêm cấm), gồm: pháo nổ và pháo hoa nổ.
Pháo nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, khi sử dụng gây ra tiếng nổ (pháo bánh, pháo quả… khi đốt gây ra tiếng nổ); Pháo hoa nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, thuốc pháo, thuốc pháo hoa, khi sử dụng gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Các loại pháo trên người dân không được phép nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, hoặc chiếm đoạt. (Trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao theo quy định).
Loại pháo được phép sử dụng là Pháo hoa. Pháo hoa là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi sử dụng (đốt) phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và không gây ra tiếng nổ. Đối với loại pháo này, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có thể mua loại pháo này tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa (thuộc Bộ Quốc phòng) để sử dụng trong các trường hợp: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật...