Đang trong mùa mưa bão, các tỉnh miền núi thường gặp lũ, lụt cục bộ và sạt lở đất. Hiện tượng này xuất hiện thường xuyên trong mùa mưa bão các năm, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, hoa màu của người dân. Nhiều công trình công cộng cũng bị hư hỏng. Chính vì thế, phòng chống lũ lụt, sạt lở đất ở miền núi phải được đặt ra một cách quyết liệt.
Tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, từ tháng 5 cho tới tháng 11 hàng năm đều hứng chịu lượng mưa lớn. Mưa không theo quy luật nào, mà có khi bất ngờ xảy ra, có khi kéo dài nhiều ngày trên diện rộng. Cũng có khi đợt mưa này mới tạm dừng thì đã lại có đợt mưa khác.
Chính vì vậy đã xảy ra những trận lũ và sạt lở đất, trong nhiều trường hợp đã để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Giao thông ùn tắc, đời sống người dân gặp khó khăn, nhiều bản làng bị cô lập, chia cắt bởi nước lũ và sạt lở đất.
Lũ là hiện tượng nước sông, suối dâng cao trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó thường là giảm nhanh. Tuy nhiên, do lượng nước lớn, đoạn sông, suối lại ngắn, dốc nên sức nước lũ rất mạnh. Có khi chỉ trong vòng một giờ đồng hồ, một dòng suối vốn cạn khô sát đáy bỗng ngập nước lênh láng. Con suối rộng hơn ngày thường nhiều lần. Người hai bên suối không thể qua lại. Không ít trường hợp ra suối, sông vớt gỗ, bắt cá hoặc cố vượt qua bờ bên kia, nạn nhân (kể cả người lớn, hay ô tô) đã bị lũ nhận chìm và cuốn trôi. Người bị chết đuối do lũ bị cuốn đi xa nên việc tìm kiếm rất khó khăn.
Một vụ sạt lở đất ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 12.
Người ta có nhiều khái niệm chỉ về lũ. Theo đó, “chân lũ” lên là khi lũ bắt đầu lên (mực nước bắt đầu dâng cao hay lưu lượng nước bắt đầu tăng lên. Lúc này, nếu chủ quan sẽ dẫn đến nguy hiểm tính mạng “đỉnh lũ” là mực nước hay lưu lượng nước cao nhất trong một trận lũ. Lúc này rất nguy hiểm cho người dân trong vùng. “Chân lũ xuống” là lũ rút xuống thấp nhất, xấp xỉ bằng lúc bắt đầu lũ lên. Khi đó, người dân do chủ quan đã ra suối vớt củi, cũng dễ bị nước cuốn đi. Thời gian lũ lên là khoảng thời gian từ chân lũ lên đến đỉnh lũ. Thời gian lũ xuống là khoảng thời gian từ đỉnh lũ đến chân lũ xuống.
Người ta còn xác định chi tiết hơn về các loại lũ. “Lũ đơn” là trận lũ chỉ có một đỉnh cao nhất do một trận mưa trên lưu vực sinh ra. Còn “lũ kép” là trận lũ có nhiều đỉnh, thường hai, ba đỉnh, do hai hay nhiều trận mưa liên tiếp sinh ra. Loại lũ này rất nguy hiểm.
“Lũ tiểu mãn” là loại lũ do mưa rào vào khoảng tiết tiểu mãn (cuối tháng 5) hàng năm gây ra. Loại lũ này thường không lớn nhưng là nguồn cung cấp nước rất quan trọng cho sản xuất.
“Lũ chính vụ” là lũ xuất hiện vào giữa mùa lũ, thường là lũ lớn nhất trong năm nên gây ngập lụt, làm thiệt hại về người và của cải. “Lũ cuối vụ” là lũ xảy ra vào cuối mùa lũ, thường không lớn, còn được gọi là “lũ muộn”.
“Lũ quét” là lũ có tốc độ mực nước lên rất nhanh mang theo khối lượng nước khổng lồ di chuyển nhanh từ cao xuống thấp. Nó thường xuất hiện khi có mưa dông, bão. Có khi lũ quét còn xuất hiện do hồ đập chứa nước bị vỡ, hay xả nước với một khối lượng cực lớn, lên tới hàng ngàn mét khối/giây. Lũ quét gây thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng cho những nơi mà nó đi qua do tốc độ nước cao, sức nước lớn, có thể cuốn trôi mọi thứ trên đường nó đi qua.
Đặc biệt lũ quét gây rất nhiều khó khăn cho việc cứu hộ. Trận lũ quét năm 1998 ở thị xã Lai Châu (cũ) đã xoá sổ cả bản Mường Lay và nhiều khu vực trong thị xã.
Còn “lũ ống” chỉ có ở miền núi. Trước kia, người ta nhầm lũ ống là lũ quét, tuy nhiên nó có một số đặc điểm khác. Lũ ống xuất hiện ở những nơi khe suối, sông nhỏ chảy qua hai bên sườn đồi núi thung lũng bị khép lại, tạo ra một nút thắt cản dòng chảy, khi thoát ra như thể một “ống nước” khổng lồ và hung dữ. Phía sau điểm thắt, lũ ống tạo ra sức tàn phá lớn, không kém gì lũ quét.
Cứu người gặp nạn trong mưa bão.
Cùng với lũ lụt, thì trong mùa mưa bão các tỉnh miền núi còn phải đối diện với nạn sạt lở đất. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sạt lở đất, nhưng nổi lên là việc đất bị ngậm nước quá lâu hoặc bị tác động trực tiếp của lũ.
Với một trận mưa lớn kéo dài từ 3 ngày trở lên, nước mưa một phần rơi xuống sông suối, nhưng phần lớn là ngấm xuống đất. Đất đã giữ nước lại, gọi là “ngậm nước”, khiến nền đất bị yếu đi, nhất là những khu vực đất bám vào sườn núi. Khi đó, nó sẽ nhão ra, phân rã và trôi xuống. Còn nếu bị tác động trực tiếp từ lũ thì sạt lở đất sẽ đến nhanh hơn.
Khi đó dòng chảy của nước cực mạnh, tác động trực diện và liên tục vào một khu vực nào đó, khiến đất xói lở, rã ra và sạt xuống. Sạt lở đất gây ùn tắc giao thông mà việc khắc phục rất tốn kém và mất thời gian. Nhưng ghê sợ hơn, sạt lở đất thường không dự báo trước được, vùi lấp nhiều ngôi nhà, và số người thiệt mạng trong những vụ sạt lở đất thường là lớn khi bị chôn vùi. Đáng chú ý, sạt lở đất lại hay diễn ra vào buổi tối, khi người dân đang ngủ nên tác hại là vô cùng lớn.
Theo cơ quan chức năng, do tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu nên thảm họa lũ quét, sạt lở đất trong mùa mưa bão ngày càng bất ngờ, dữ dội, nhất là với các tỉnh miền núi phía Bắc. Từ mùa bão năm 2011 tới nay, lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở nhiều nơi, với mức độ ngày càng gia tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và môi trường sinh thái.
Trong khi đó, việc phòng, chống, chế ngự đối với hiểm họa này không hề dễ dàng. Ngay từ năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra kết quả điều tra, đánh giá và phân vùng trên địa bàn 10 tỉnh miền núi phía Bắc, xác định 10.266 điểm có nguy cơ sạt lở đất và 2.110 điểm có nguy cơ bị sạt trượt lớn, rất lớn để cảnh báo các địa phương có biện pháp phòng tránh.
Còn theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, từ năm 2000 đến 2014 đã xảy ra hơn 250 đợt lũ quét, sạt lở đất, ảnh hưởng tới các vùng dân cư. Hậu quả làm 748 người chết và mất tích, 405 người bị thương; hơn 9.700 căn nhà bị đổ trôi, hơn 100.000 căn nhà, công trình bị ngập nước, hư hại nặng.
Lũ quét, sạt lở đất còn vùi lấp hàng trăm héc-ta đất canh tác; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, dân sinh bị hư hỏng nặng nề, thiệt hại kinh tế hàng nghìn tỷ đồng. Cũng trong năm 2015, tại Quảng Ninh, trận mưa lũ kéo dài từ ngày 25/7 tới 3/8, làm 17 người chết, trong đó phần lớn do sạt lở đất.
Thực tế cho thấy, do tập quán và điều kiện sản xuất, bà con dân tộc thiểu số thường lựa chọn sống gần nguồn nước, ven bờ sông suối, hay trên các sườn núi cao... Nhưng đây là những nơi thường hứng chịu nhiều hơn về tần suất xảy ra lũ quét, sạt lở.
Vì vậy, trong mùa mưa bão, bà con lại càng cảnh giác hơn với lũ và sạt lở đất. Còn với chính quyền địa phương, cần tuyên truyền tốt cho bà con, đồng thời chuẩn bị các phương án giải quyết sự cố, trong đó có cả việc di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.