Trong quý II/2021, chỉ có 3 dự án nhà ở xã hội tại 3 tỉnh, thành phố với hơn 1.700 căn hộ được cấp phép mới.
Con số báo cáo về thị trường bất động sản quý II của Bộ Xây dựng đưa ra tiếp tục cho thấy sự thiếu hụt của phân khúc nguồn cung nhà ở giá rẻ trên thị trường hiện nay. Trong khi đó, ngược lại với nguồn cung của thị trường, cầu về nhà ở xã hội, nhà giá rẻ lại rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế.
Chị Nguyễn Thu Trang, một công nhân ngành may mặc cho biết, dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh khiến nhiều người lao động gặp khó khăn, đặc biệt là các công nhân trong các khu công nghiệp. Cầm số tiền khoảng 700 triệu đồng dành dụm được sau hàng chục năm lao động cộng với vay mượn gia đình, người thân để tìm mua một căn hộ giá rẻ, nhưng ròng rã nhiều tháng nay chị không thể tìm mua được một căn hộ nào với mức giá mong muốn. Kể cả căn hộ ở xa trung tâm nhất cũng không có giá dưới 1,5 tỷ đồng. “Những tưởng dịch bệnh, giá nhà sẽ giảm nhưng thực tế giá nhà vẫn cao, thậm chí còn có xu hướng tăng” – chị Trang cho biết với kinh nghiệm “săn tìm” nhà giá rẻ sau một thời gian dài.
Càng ngày, thị trường càng khan hiếm căn hộ giá rẻ. Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cũng thừa nhận, trong cơ cấu nguồn cung mới, loại hình căn hộ có mức giá bình dân hầu như không còn xuất hiện trên thị trường, dù nhu cầu của người dân rất lớn. Trước tình hình đó, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các địa phương cần tập trung đẩy mạnh phát triển để tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị, công nhân khu công nghiệp, nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập trung bình; điều chỉnh cơ cấu thị trường nhà ở phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, để thực hiện được chỉ đạo này dường như còn rất nhiều điểm nghẽn cần phải tháo gỡ. Bởi phần lớn các chủ đầu tư không mặn mà với phân khúc này, lý do là bởi, lợi nhuận từ làm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ không cao, trong khi đó quy trình, trình tự các bước để triển khai dự án vẫn phải đảm bảo như một dự án bình thường. Ngoài ra, quỹ đất cho các dự án nhà ở xã hội cũng không nhiều, nhiều địa điểm ở xa, không có hệ thống hạ tầng kết nối hoàn chỉnh, dẫn đến khi dự án hoàn thành rất khó bán. Thực tế này đã xảy ra đối với nhiều dự án nhà ở xã hội thời gian qua, dẫn đến tình trạng, dự án xây xong nhưng rơi vào cảnh ế ẩm vì không có khách hàng.
Rất cần những cơ chế, chính sách ưu đãi để tạo lực hút đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội. Bởi khi không đủ lực hấp dẫn, lợi nhuận thấp, sẽ không có nhà đầu tư nào mặn mà, đó cũng là quy luật tất yếu của thương trường.