Với việc tiến hành thí điểm đón khách du lịch quốc tế, du lịch Việt Nam đã có những bước “chạy đà” phục hồi. Để tiếp tục giúp các doanh nghiệp điều chỉnh hoạt động trong bối cảnh bình thường mới, ngày 30/11, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức diễn đàn du lịch trực tuyến với chủ đề “Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam”.
Tìm giải pháp hiệu quả
Tại diễn đàn, TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) nhìn nhận, ngành du lịch có khả năng phục hồi tốt. Tuy nhiên, với đặc điểm, mức độ nguy hiểm và quy mô lây nhiễm của Covid-19 trên thế giới hiện nay, rất khó để có thể đưa ra được các dự báo về tình hình phát triển du lịch. Chắc chắn du lịch quốc tế sẽ mất nhiều thời gian hơn để khôi phục so với du lịch nội địa.
TS Tuấn cũng đề xuất, để phục hồi và phát triển ngành du lịch thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, ngành du lịch cần triển khai đồng bộ 5 giải pháp trước mắt và 6 giải pháp lâu dài. Ở đó, một trong những giải pháp trước mắt là kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, giảm giá điện, tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiếp tục kéo dài chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế của doanh nghiệp đến hết năm 2023… Còn về lâu dài, cần phải tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững; Phát triển sản phẩm du lịch và quản lý chất lượng dịch vụ du lịch; Phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch; Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch; Ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại với phát triển du lịch…
Tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp cũng đã có những nhận định, dự báo và đề xuất cho tương lai của ngành du lịch trong thời gian tới. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel, kỳ vọng phục hồi hoàn toàn của ngành du lịch, theo nhiều chuyên gia và tổ chức, chỉ có thể có được khi toàn thế giới đạt được “miễn dịch cộng đồng” dự kiến nhanh nhất là vào năm 2023, khi ít nhất 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Như vậy, trong năm 2022 ngành du lịch sẽ còn tiếp tục chịu nhiều thiệt hại trực tiếp và gián tiếp từ tác động tiêu cực của dịch bệnh gây ra.
Trước tình hình trên, ông Kỳ đề xuất, Chính phủ cần có các giải pháp nhanh và mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động kinh doanh du lịch. Đơn cử như, thống kê cả nước có khoảng 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, chưa kể nhân công ở những mảng việc có liên quan, Covid-19 đã khiến lực lượng này bị thu hẹp lại và có xu hướng dịch chuyển sang các ngành nghề khác. “Để hoạt động du lịch sớm được “hồi sinh,” một mặt các doanh nghiệp phải tìm mọi cách giữ chân người lao động, mặt khác rất cần được Chính phủ tiếp sức về tài chính đồng thời có chính sách hỗ trợ lao động thất nghiệp để họ không bỏ ngành” - ông Kỳ kiến nghị.
Thay đổi phương thức
Thực tế cho thấy sau 2 năm lao đao vì dịch bệnh, các doanh nghiệp du lịch đang dần chuyển sang giai đoạn sống chung với Covid-19, “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ. Hiện nay, việc xây dựng sản phẩm du lịch là khâu then chốt quyết định đến mức độ phát triển kinh doanh du lịch của doanh nghiệp lữ hành khi tham gia vào thị trường du lịch. Ngoài những yêu cầu cần đáp ứng các tiêu chí chung về sản phẩm du lịch còn cần tập trung hơn vào yếu tố đảm bảo an toàn trong dịch bệnh nhưng vẫn đủ độ hấp dẫn của sản phẩm.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam đề xuất, khai thác giá trị văn hóa để phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch văn hóa là chìa khóa để khôi phục du lịch ở rộng khắp các địa phương, tỉnh thành phố trong cả nước. Du lịch văn hóa còn tạo ra hình ảnh sắc nét, độc đáo cho nhiều loại hình du lịch khác, đồng thời, nâng cao hình ảnh của nhiều loại hình du lịch và bức tranh chung về du lịch Việt Nam.
“Du lịch văn hóa là nhu cầu của đa số du khách quốc tế. Du lịch văn hóa có thể tập hợp được nhiều người dân địa phương ở khắp nơi, vùng miền, vùng sâu, vùng xa tham gia vào phát triển du lịch, hưởng lợi từ du lịch” - ông Thằng nói.
Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Flamingo Redtour Nguyễn Công Hoan cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, ngành du lịch nên tập trung phát huy vai trò dịch vụ hậu cần cho các ngành kinh tế khác ở mức độ cao hơn. Tuy nhiên trong giai đoạn bình thường mới, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, các nhu cầu đời sống kinh tế, xã hội khởi động trở lại thì không thể kỳ vọng du lịch có sự phục hồi ồ ạt ngay lập tức.
Theo ông Hoan, chúng ta đã thống nhất, du lịch là ngành bị ảnh hưởng đầu tiên và phục hồi sau cùng. Ngành du lịch sẽ bắt đầu phục hồi bằng việc cung cấp từng nhóm dịch vụ riêng lẻ, phục vụ các nhu cầu thiết yếu như vận chuyển, lưu trú, xuất nhập cảnh, hỗ trợ dịch vu thương mại, sản xuất, ẩm thực… nhưng ở mức độ cao hơn, chuyên nghiệp và tinh tế hơn, đúng tâm lý và nhu cầu của khách hàng, thêm các giá trị gia tăng với tư duy và cách làm của doanh nghiệp du lịch.
“Nhiều sản phẩm, dịch vụ mới phát sinh từ chính những ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đang được nhiều doanh nghiệp thực hiện thành công như cung cấp dịch vụ hồi hương; hỗ trợ các cuộc họp, sự kiện trực tuyến; hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, tâm lý cho du khách” - ông Hoan chia sẻ.
“Việt Nam có đường bờ biển dài và tài nguyên du lịch văn hóa, du lịch di sản phong phú nên tùy tình hình diễn biến của dịch Covid-19 trong trung hạn, có thể thúc đẩy phát triển du lịch phù hợp điều kiện bình thường mới như du lịch quy mô nhỏ, khoảng cách ngắn, khám phá cộng đồng của chính địa phương mình hoặc lân cận, sử dụng ngôi nhà thứ hai hoặc nhà người thân” - theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch).