Samuel Johnson (1709 - 1784) đã để lại cho đời một triết lý rất sâu sắc: “Tương lai được quyết định bởi hiện tại”. Gần 300 năm đã trôi qua sau Samuel Johnson, đã có nhiều tranh luận, phản biện, nhưng thực tế cuộc sống của con người đã minh chứng cho tính chính xác và khoa học về triết lý của ông.
Những thí dụ sau đây là những minh họa cụ thể. Tương lai của một vụ lúa mùa bội thu chính là nhờ có 4 yếu tố của hiện tại: giống lúa gieo cấy tốt, phân bón (vô cơ, hữu cơ) có chất lượng, đủ nước cho vào ruộng khi cần thiết và sự cần cù chịu khó của người làm ruộng. Bốn yếu tố: nước, phân, cần, giống mà ông cha ta đã dạy chính là cơ sở vật chất của hiện tại quyết định cho tương lai khi thu hoạch mùa màng.
Em Nam là học sinh giỏi suốt ba năm lớp 10, lớp 11, lớp 12. Sắp tới, việc em tốt nghiệp phổ thông trung học và thi vào đại học có nhiều hy vọng vì em đã có cơ sở học lực đáng tin cậy trong thời gian vừa qua.
Tuy vậy, thời gian là một dòng chảy liên tục, không thể cắm mốc cố định ở chỗ nào được. Vì thế, quá khứ và hiện tại đều chưa đến tương lai, mà hiện tại sẽ có tương lai vào tuần sau, tháng sau, năm sau. Quy định này là hết sức mềm dẻo và mang tính tương đối.
Nhà triết học André Gide (1869 - 1951) đã nồng nhiệt cổ vũ: “Hiện tại đã tràn trề tất cả tương lai”. Vì thế phải biết coi trọng, vun đắp và đặt nhiều hy vọng vào hiện tại đang có thật, đang xảy ra, đang đầy hào hứng, đầy thi vị để vun đắp cho tương lai.
Đấy là nói về cá nhân xây dựng tương lai bằng những nguyên vật liệu của hiện tại. Còn đối với một cộng đồng, với một dân tộc thì sao? Triết gia cận đại Henri Massis (1886 - 1970) đã khẳng định: “Tương lai thuộc về dân tộc nào luôn luôn giữ vững được sự đoàn kết”. Nhìn lại lịch sử thế giới trong 50 năm gần đây càng khẳng định được lời dạy của Massis là vô cùng đúng đắn và là ngọn đèn soi sáng cho các dân tộc đang đấu tranh vì hòa bình, hạnh phúc cho đất nước mình. Rõ ràng, một dân tộc dù nhỏ bé, diện tích địa lý ít, kinh tế đang phát triển nhưng với sự đoàn kết, đồng lòng, trên dưới như một chắc chắn sẽ có một tương lai tốt đẹp, ấm no.
Tiếp tục dòng suy nghĩ về tương lai, nhiều triết gia tiền bối cũng có những phân tích, những căn dặn rất cụ thể và chi tiết. Nhà triết học Mauvezin đã khẳng định: “Cái tương lai không phải thuộc về người thông minh nhất, chính nó thuộc về những người siêng năng và cần cù nhất”.
Có tác giả đã cắt nghĩa câu này như sau: Thông minh là một tiêu chuẩn hay tiêu chí rất mơ hồ vì biết thế nào là thông minh. Có người khi làm kiểm tra cho thấy IQ (chỉ số thông minh) rất cao, nhưng cái kết quả thi cử hoặc sát hạch thực tế lại rất thấp. Rất dễ hiểu vì bao giờ lý thuyết và thực tế cũng rất khác nhau. Một thí dụ ai cũng dễ thấy là: Tình yêu là lý thuyết, còn hôn nhân là thực tế. Nhiều người nhầm lẫn nên dẫn đến đổ vỡ như: ly thân, ly hôn, gia đình tan vỡ.
Trở lại với câu danh ngôn của Mauvezin, ông đề cao siêng năng và cần cù là hai đức tính rất cơ bản của con người, vì thế ai rèn luyện được hai tính tốt ấy chắc chắn sẽ thành công trong tương lai.
Một ngạn ngữ cổ Latinh cũng đã viết: “Ta hãy nên nhìn vào tương lại, đừng nên quay đầu lại nhìn về quá khứ đã trôi qua để làm gì”. Có người nói gọn lại là phải biết buông bỏ, phải biết quên đi những kỷ niệm buồn, những quá khứ thất bại để mạnh dạn thẳng tiến đến tương lai. Câu này càng đúng với thế hệ những người trung niên, người cao tuổi và người già. Có tác giả khuyên: “Người già nên áp dụng 3 quên: quên tuổi tác, quên bệnh tật và quên mọi hận thù”. Có như thế tuổi già mới được thảnh thơi, nhàn nhã.
Triết gia Bovee đã động viên con người rất giỏi khi ông viết: “Khi tất cả những cái khác đã mất, tương lai vẫn còn”. Tương lai vẫn còn cho tất cả chúng ta, cố gắng hơn nữa các bạn nhé! Con người mãi biết ơn Bovee vì lời xác tín của ông cho tất cả mọi trường hợp thất bại, khổ đau trong cuộc sống là: không chịu buông bỏ, không chịu đầu hàng, không khiếp sợ vì sự mất mát, phải luôn hướng về phía mặt trời vì nơi đó có ánh sáng, có sức sống mới, có tương lai đang vẫy gọi chúng ta.
Có nhà triết học đã nói rõ thêm cái ý tứ của Bovee là: “Nhìn xuống dưới chân là bùn lầy, nhưng biết ngẩng cao đầu sẽ nhìn thấy các vì sao lấp lánh”. Tại sao ta không ngẩng cao đầu, dại gì mà cứ nhìn xuống bùn lầy cho khổ. Đến đây mới thấy rõ sự khôn ngoan của con người: Cái gì cần buông bỏ, cái gì cần tiếp tục theo đuổi đến tận cùng. Sự lựa chọn đúng đắn sẽ giúp ta thành công.
Triết gia cận đại, nhà quý tộc người Anh, ngài A.Wing Pinero (1855- 1934) đã nhìn nhận hiện tại và tương lai một cách văn chương, một cách tượng hình là: “Tôi tin rằng tương lai chỉ là hiện tại đi vào một cái cổng khác mà thôi”. Quá tuyệt vời, hóa ra ngôi nhà hạnh phúc, ấm no, an bình có 2 cái cổng lớn để ra vào, một là cổng hiện tại, hai là cổng tương lai.
Hai cổng hiện tại và tương lai phải hòa đồng, phải tương tự nhau thì ngôi nhà mới hài hòa, cân đối được. Có tác giả lại phân tích câu danh ngôn này của Pinero theo hướng sau: Nếu một người kinh doanh buôn bán thì có thể giàu lên sau 10 năm, sau 20 năm, gia tài có bao nhiêu có thể phỏng đoán, tiên đoán trước được. Nhưng nếu sự làm giàu quá nhanh, sau 1 - 2 năm đã có tài sản khổng lồ thì cần xem xét lại.
Có thể họ buôn gian, bán lận, buôn bán hàng cấm, trốn thuế... như thế trước sau gì cũng đổ vỡ, tù tội. Chỉ có người làm ăn chân chính mới được dài lâu, bền vững. Cũng như thế, nếu một người dựa vào thế lực chống lưng mà thăng tiến vùn vụt, thì cũng phải coi chừng có ngày ngã gục, tù tội. Thành ra cái cổng hiện tại phải tương đồng với cổng tương lai thì ngôi nhà mới bình an, thịnh vượng được.
Ở một cách nhìn khác, nhà thơ W.C.Bryant (1794 – 1878) đã nói rõ về năm tháng đã trôi qua và những năm tháng sắp tới qua những vần thơ để đời: “Tôi không than thở những năm tháng đã qua/ Tôi chú ý đến những năm dồn dập tới”. Rõ ràng những cái gì đã qua thì cho nó qua đi, nhớ lại làm gì. Nên mở to mắt mà theo dõi một cách chăm chú, thận trọng những tháng năm đang tới. Đó mới là mục tiêu, đó mới là hy vọng, đó mới là tương lai. Thơ của Bryant luôn thúc dục con người hướng về phía trước, tránh u sầu, buồn bã luyến tiếc là những cảm xúc tiêu cực, không có lợi cho ý chí phấn đấu của con người.
Một danh ngôn Latinh quen thuộc cũng đã được in vào nhiều sách giáo khoa phổ thông trung học ở châu Âu, đó là: “Ta hãy nên nhìn vào tương lai/ Đừng nên nhìn vào quá khứ”. Rõ ràng ở bất cứ đâu, các nền giáo dục tiến bộ đều hướng con người đến cái đẹp, cái tốt, cái thiện mà tương lai đang vẫy gọi chào mời. Đó là nền giáo dục tích cực và tiến bộ. Đó cũng là cách nhìn lạc quan của nhà thơ đương đại người Anh, ông A.A.Milne đã viết: “Ta chẳng mất gì cả khi ta kiếm tìm những điều tốt đẹp”.
Triết gia Patrick Henry (1736 - 1799) lại xác định rõ ràng rằng cơ sở vật chất của quá khứ và hiện tại sẽ quyết định tương lai khi ông viết: “Tôi chẳng biết xét đoán tương lai bằng gì ngoài hiện tại và quá khứ”. Rõ ràng như ông bà ta đã dạy: “Có bột mới gột nên hồ”. Một người có quá khứ tốt cộng với hiện tại đang có xu hướng tích cực thì tương lai tốt đẹp gần như chắc chắn.
Đến đây, cần nhắc lại ba yếu tố mà Tinh hoa cổ học Đông phương đề cao, đó là: “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” (Tạm dịch: Gặp được thời vận tốt, gặp được nơi làm việc thuận lợi, gặp được người hợp tác đoàn kết thuận hòa).
Ai gặp may mắn có được cả ba điều kiện này thì tha hồ phấn đấu, tha hồ phát huy được sức lực mà ta muốn đóng góp, cống hiến. Tuy nhiên, có tác giả khi phân tích ba yếu tố trên lại đảo ngược lại là: “Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa”. Tức là hết sức đề cao lòng người, đề cao sự giao lưu gắn bó trong một cộng đồng, trong một tập thể đoàn kết một lòng, quyết tâm cùng theo một chí hướng đã theo đuổi.
Được lòng người rồi thì dù có khó khăn về thời cơ, về thời vận, về môi trường làm việc có không thuận lợi thì cũng có cách giải quyết, cũng có phương án khắc phục. Nghĩa là yếu tố con người vẫn là số một.
Hiện nay trong thời đại khoa học, kỹ thuật, công nghệ 4.0 ai cũng tưởng là máy móc, rô-bốt thông minh, các chương trình kỹ thuật số sẽ thay thế được bộ óc con người, nhưng rồi qua thực tế của nghiên cứu khoa học chuyên sâu, thực tế của lao động sản xuất đã cho thấy con người mới luôn làm chủ mọi tình huống và biết cách xử lý mọi việc theo ý muốn của con người.
Con người của hôm qua và hôm nay sẽ quyết định con người trong tương lai.
Trong khoa học bảo vệ sức khỏe con người, gồm có Y học lý thuyết, Y tế dự phòng và các ngành chuyên sâu trong khám chữa bệnh cũng hết sức đề cao yếu tố con người, tức là con người phải tự mình bảo vệ sức khỏe cho mình ở mọi lứa tuổi.
Việc tập luyện thể dục thể thao, vận động cơ thể phải diễn ra hàng ngày trong cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Một người sống thọ 90 tuổi là có cả một quá khứ tập luyện, bảo vệ sức khỏe tốt mới có được tuổi thọ ấy. Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam là 75 tuổi (theo công bố năm 2022).
Điều đó báo hiệu một Việt Nam sẽ có nhiều người già vào những năm sau này. Do đó Nhà nước đã có chính sách khuyến khích đẻ con trước 25 tuổi, khuyến khích đẻ con thứ ba ở một số địa phương mà dân số cứ giảm liên tục. Việc lấy vợ, lấy chồng, sinh con cũng cần khuyến khích kịp thời và đúng nơi, đúng lúc cũng là một việc làm quan trọng trong việc đảm bảo dân số hiện tại và dân số trong tương lai.
Khép lại bài viết, nên nhớ mãi lời động viên của thi sĩ La Cordaire (1802 – 1861): “Hiện tại bao giờ cũng trẻ trung vì nó báo hiệu những rạng đông sắp tới”.