Để hiện thực hóa mục tiêu 8%, chặng đường cuối năm cần khai thác tối đa các dư địa tăng trưởng. Trong đó đầu tư công sẽ là động lực quan trọng.
Để đầu tư công tạo sức lan tỏa
GDP 6 tháng đầu năm nay đạt 7,52% so với cùng kỳ năm trước (trong đó sơ bộ quý I tăng 7,05%, ước tính quý II tăng 7,96%) được đánh giá là khả quan trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động.
Như vậy muốn đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 8%, 6 tháng cuối năm nền kinh tế phải đạt tốc độ tăng trưởng 8,42%.
Giới chuyên gia có cùng nhận định khi cho rằng kinh tế tăng trưởng 8% trong năm 2025 là câu chuyện không hề đơn giản, nền kinh tế cần dứt khoát cần phải chuyển đổi sang hệ sinh thái công nghiệp mới theo hướng tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài, ưu tiên cao đối với những tập đoàn công nghệ lớn, chủ động phát triển doanh nghiệp (DN) nội. Đặc biệt tập trung mũi nhọn đầu tư công.
PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân nhận định: Ở trong nước, đầu tư công là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, muốn đầu tư công tạo sức lan tỏa thì phải tập trung vào các dự án trọng điểm và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Tính đến hết tháng 6/2025, giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 268,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 32,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. So với cùng kỳ năm 2024, tỷ lệ giải ngân tăng 4,3 điểm phần trăm (năm 2024 là 28,2%) và về số tuyệt đối, tăng khoảng 80 nghìn tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh - Trưởng ban Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt để hướng tới mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công, đặc biệt tại các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia. Tiếp đến là khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo với sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số sẽ mở ra cơ hội cho DN giảm chi phí, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh. Về tăng trưởng tín dụng, mục tiêu phấn đấu đạt 16% trong năm 2025 sẽ cung cấp nguồn vốn dồi dào để kích thích sản xuất kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng. Bên cạnh đó là tiêu dùng nội địa, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% (có hiệu lực từ ngày 1/7) và các khoản hỗ trợ khác sẽ góp phần thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư.
Vượt qua các thử thách
Nền kinh tế vẫn đang đối diện nhiều thách thức. Đó là các bất ổn địa chính trị do những xung đột leo thang và làm ảnh hưởng đến thương mại, đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu. Thêm vào đó là suy giảm tăng trưởng toàn cầu khi các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng và cầu hàng hóa yếu sẽ ảnh hưởng đến các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (như dệt may, đồ gỗ, điện tử…). Trên thị trường, biến động tỷ giá tăng gây áp lực lên chi phí nhập khẩu cộng thêm lãi suất quốc tế ở mức cao làm giảm dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ của Việt Nam.
Về khách quan, biến đổi khí hậu gây ra thời tiết cực đoan và các tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe sẽ là thách thức lớn cho DN.
Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh nhấn mạnh, để vượt qua thách thức và về đích tăng trưởng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Việc điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá một cách thận trọng, linh hoạt, tạo niềm tin cho thị trường. Đặc biệt, việc phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo sẽ là giải pháp then chốt, mang tính chiến lược theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, xã hội cần tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và phát triển nguồn nhân lực số.
Bên cạnh đó, công tác điều hành cần thúc đẩy quyết liệt giải ngân đầu tư công, đây là động lực quan trọng nhất. Trong đó, phải tháo gỡ mọi nút thắt, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm, hướng tới mục tiêu giải ngân 100%.
Về kích cầu xuất khẩu và khai thác tối đa lợi thế hiệp đinh thương mại (FTA), công tác xúc tiến thương mại cần được tăng cường và đa dạng hóa thị trường và mặt hàng, duy trì đà tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ở mức hai con số. Để làm được những điều này, chúng ta cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chất lượng cao. Cụ thể là đơn giản hóa thủ tục hành chính, ưu tiên các dự án công nghệ cao, có sự lan tỏa và kết nối với DN trong nước. Bên cạnh đó, sức mua thị trường trong nước cần được củng cố thông qua đẩy mạnh các chương trình kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh ngành du lịch, dịch vụ để khai thác tối đa tiềm năng.
Thêm vào đó, cần chủ động ứng phó với biến động toàn cầu, bằng việc nâng cao năng lực phân tích, dự báo và xây dựng các kịch bản ứng phó linh hoạt để giảm thiểu tác động tiêu cực từ bên ngoài.
Theo đó, các cấp, các ngành cần thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương trong việc cập nhật các kịch bản tăng trưởng phù hợp với thực tiễn sẽ là “chìa khóa” cho thành công.