Tuyến Vành đai 2 được xem là cao tốc đô thị với lộ trình khép kín từ cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - cầu Nhật Tân - cầu Đông Trù - cầu chui Gia Lâm - Đàm Quang Trung và trở lại cầu Vĩnh Tuy. Hiện nay, Vành đai 2 đoạn cầu Nhật Tân - đường Bưởi; cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở đã hoàn thành hiện chỉ còn mảnh ghép giữa tuyến là Cầu Giấy - Ngã Tư Sở là có thể khép kín đường vành đai. Đoạn tuyến từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở hiện đã hoàn thành. Với tổng chiều dài là 43,6 km, đường vành đai 2 sẽ chạy qua địa bàn 8 quận huyện: Long Biên, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ, Cầu Giấy, Đông Anh. Trên cơ sở đó, Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất thành phố bổ sung danh mục một số dự án vào danh mục kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư; trong đó có dự án Vành đai 2 nối Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy. Theo đó, dự án đầu tư cải tạo, mở rộng Vành đai 2 trên cao và dưới thấp (đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy) có quy mô mặt cắt rộng 53,5m, dài 3,44km, tổng mức đầu tư dự kiến 8.500 tỷ đồng. Dự án được triển khai nhằm giảm tải áp lực giao thông cho nút giao Ngã Tư Sở cũng như phát huy hiệu quả tuyến đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở. Hiện nay, do chưa khép kín được vành đai 2, vì vậy, giao thông tại đoạn tuyến Cầu Giấy-đường Láng-đường Bưởi-Vành đai 2 nằm ở phía Tây của Hà Nội thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm. Từ năm 2016, Vành đai 2 nối đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ) và đường Bưởi (quận Cầu Giấy) kết nối đến ngã tư Cầu Giấy đã hoàn thiện. Song, hướng đi từ Cầu Giấy ra Ngã Tư Sở vẫn phụ thuộc vào trục đường Láng dài 4km, nhỏ hẹp thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Việc khép kín đường vành đai 2 rất cấp thiết, Vì vậy, Sở GTVT Hà Nội đề xuất thành phố ưu tiên cho nghiên cứu triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư dự án.