Hiệp hội xăng dầu: Đề xuất tăng thuế để bù hụt thu

Minh Phương 17/05/2017 08:05

Cần tăng các loại thuế nội địa, trong đó có tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường để bù nguồn thu khi thuế nhập khẩu có xu hướng giảm về 0. Đó là đề xuất của Chủ tịch Hiệp hội Xăng Dầu Việt Nam tại Hội thảo “Thị trường xăng dầu Việt Nam và vấn đề thể chế” do Hiệp hội Xăng Dầu Việt Nam tổ chức ngày 16/5 tại Hà Nội.

Thị trường cần thay đổi theo hướng DN tự định giá.

Đề xuất tăng thuế nội địa

Tính đến 2017, mức tiêu thụ xăng dầu khoảng 16 triệu m3, trong đó sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 40%, còn lại là nhập khẩu. Nhưng, theo đánh giá của giới chuyên gia, giá xăng dầu đang bị can thiện quá sâu, các công ty xăng dầu chỉ có một giá thống nhất là không phù hợp với cơ chế thị trường và thiếu tính cạnh tranh.

Tại Hội thảo, ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) bày tỏ quan điểm sớm điều chỉnh thuế nội địa với mặt hàng xăng dầu theo hướng tăng dần, trong đó ít nhất là đưa thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường chiếm trên 50% cơ cấu giá để đảm bảo thu ngân sách Nhà nước.

Theo ông Ruệ, động thái này cũng nhằm bù đắp cho việc giảm thuế nhập khẩu về 0% theo cam kết hội nhập thời gian tới đây, nhưng mức tăng cần có lộ trình cụ thể. “Nếu giảm thuế nhập khẩu mà tăng thuế nội địa thì giá bán lẻ xăng dầu vẫn không thay đổi, giá vẫn thế vì giá bán lẻ phụ thuộc vào nhiều loại thuế. Tăng cái này, giảm cái kia thì vẫn không thay đổi” - ông Ruệ nói.

Đồng quan điểm, ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng trong tình thế hiện nay, nếu muốn bù đắp nguồn thu khi thuế nhập khẩu về 0% thì con đường tăng thuế nội địa trước mắt sẽ phải tính đến.

Song về lâu dài và căn cơ, vị này cho rằng chính sách cần hướng tới việc giảm thuế để giảm chi phí, gánh nặng cho doanh nghiệp. Khi tạo ra lợi nhuận nhiều hơn, doanh nghiệp sẽ đóng góp vào ngân sách lớn hơn.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, mục tiêu thị trường hóa cơ chế xăng dầu Việt Nam đã bắt đầu từ cách đây gần 2 thập kỷ, vào những năm 2000, khi nước ta đang tiến hành đàm phán gia nhập WTO và chuẩn bị đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương như FTA, Asean, FTA Asean với các nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương và hàng loạt các FTA song phương đã được ký kết những năm gần đây.

Nghị định 83 đã lỗi thời

Đến nay thị trường xăng dầu Việt Nam đã trải qua 4 quyết định, nghị định của Chính phủ để vận hành thị trường, từ Quyết định 187 năm 2003 của Chính Phủ, Nghị định 55 CP năm 2007, Nghị định 84 năm 2009,… và Nghị định 83 CP năm 2014.

Và hiện tại, thị trường xăng dầu đang vận hành theo Nghị định 83 CP. Mặc dù thừa nhận Nghị định 83 đã khiến cho thị trường xăng dầu ổn định, nguồn cung đảm bảo, chất lượng xăng dầu về cơ bản đã đáp ứng theo tiêu chuẩn quy định, giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh phù hợp với biến động giá dầu thế giới, song, các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng, theo xu hướng hội nhập và tầm nhìn dài hạn, Nghị định này đã bộc lộ nhiều bất cập trước sức ép của mở cửa thị trường, lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu vào năm 2024 (về 0%). Đặc biệt sức ép bảo vệ thị trường trong nước kể cả hệ thống lọc hóa dầu trong nước, hệ thống phân phối các doanh nghiệp Việt Nam.

Trước những bất cập nói trên, Chủ tịch Hiệp hội Xăng Dầu Việt Nam đưa ra đề xuất, ngay trong năm 2018 cần xem xét điều chỉnh tăng các sắc thuế nội địa của sản phẩm xăng dầu để đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, bù đắp phần hụt thu do cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế, đồng thời cùng xử lý hài hòa 3 lợi ích, lợi ích Nhà nước, lợi ích người tiêu dùng, lợi ích của doanh nghiệp. Nhất quán trong chủ trương đường lối phát triển thị trường xăng dầu trước mắt cũng như lâu dài của Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Thoả - nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) lại không đồng tình với đề xuất nói trên, ông cho rằng, tận thu thuế ngay từ đầu vào sản phẩm thì ngay lập tức thị trường, người dân sẽ phản ứng, và nguồn thu sẽ khó bền vững.

“Đầu vào – vòng 1 nên “ăn” ít thôi, để sản xuất (vòng 2) phát triển. Khi đó chúng ta thu ở khâu tiêu thụ (vòng 3) thì mới bền vững. Tư tưởng tài chính “nuôi dưỡng nguồn thu” chính là ở chỗ này”, ông Thoả đưa ra quan điểm. Bên cạnh đó, ông Thỏa cũng thẳng thắn đánh giá: Vai trò điều hành nhà nước hiện nặng hơn thị trường, hiện Nhà nước can thiệp quá sâu, nên thị trường xăng dầu vẫn được điều hành kiểu nửa vời chưa hoàn toàn mang tính thị trường. “Lẽ ra Nhà nước không nên can thiệp quá sâu và để thị trường vận hành theo đúng tính chất thị trường, song hiện nay, trong toàn bộ cơ cấu giá, DN chỉ được mỗi quyền đi mua với nước ngoài, còn lại toàn bộ nằm ngoài tầm tay DN” – ông Thỏa cho hay.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, chính sách với thị trường xăng dầu tới đây phải thay đổi theo hướng để doanh nghiệp tự định giá. Như vậy mới đảm bảo cạnh tranh chứ không nên để “giá nằm trong tay quản lý Nhà nước”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiệp hội xăng dầu: Đề xuất tăng thuế để bù hụt thu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO