Trong khi dịch Covid-19 bùng phát với biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, thì việc siết chặt quản lý, trong đó có các biện pháp y tế là cần thiết. Nhưng, với việc người dân phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 mới được di chuyển giữa vùng này vùng khác, trên thực tế đã đem đến nhiều phiền toái, trong khi giá trị thực tiễn phòng, chống dịch lại chưa rõ ràng.
Do quy định như vậy nên nhiều địa phương người dân chen chúc nhau đi xét nghiệm để lấy “giấy thông hành” - giấy chứng nhận âm tính Covid-19, để có thể về quê, đi lại giữa một số tỉnh, thành... Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, việc mọi người chen chúc nhau đi xét nghiệm như vậy là không ổn.
Với câu hỏi: Liệu tờ “giấy thông hành” này có đảm bảo an toàn, không lây nhiễm hay không? Ông Phu cho rằng tờ giấy này chỉ là chứng nhận tại thời điểm xét nghiệm về cơ bản một người không nhiễm SARS-CoV-2, không phải là nguồn bệnh lây cho người khác. Nói là “cơ bản” vì nếu người nào đó nhiễm 1, 2 ngày đầu thì xét nghiệm cũng không ra bệnh, hoặc trong xét nghiệm cũng có sai sót bởi không có xét nghiệm nào đạt chính xác 100%. Chưa nói đến việc mới xét nghiệm xong, trở ra lại gặp người dương tính với SARS-CoV-2 thì vẫn có khả năng bị lây nhiễm.
Như vậy, giấy xét nghiệm không được coi là người đó không thể nhiễm mới.
Hẳn nhiều người chưa quên, bắt đầu từ 0h ngày 5/7 vừa rồi, tỉnh Đồng Nai áp dụng quy định người dân từ TP HCM đến phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính mới được vào địa phương. Trước đó 1 ngày, ngày 4/7, UBND thành phố Dĩ An (tỉnh Bình Dương) cũng quyết định áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 kể từ 0h ngày 5/7. Theo đó, người từ TP HCM, Đồng Nai muốn vào thành phố phải xét nghiệm âm tính. Tương tự, ngày 2/7, tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu tất cả các trường hợp đi/về từ các tỉnh, thành phố khác khi vào tỉnh Lâm Đồng cũng bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính. Trong đó, kết quả xét nghiệm Realtime RT-PCR âm tính có giá trị 5 ngày, kết quả xét nghiệm nhanh có giá trị trong thời hạn 3 ngày.
Tấm “giấy thông hành” xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 đã khiến người dân “kêu trời”. Lấy được tấm giấy đó không phải dễ, thêm nữa giá trị thời hạn sử dụng của “giấy thông hành” được mỗi địa phương áp dụng một kiểu, khiến người dân bức xúc vì tốn kém (từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng tùy từng bệnh viện).
Ở một khía cạnh khác, bác sĩ Trương Hoàng Việt, Giám đốc Bệnh viện Quân Dân y Miền Đông (TP HCM) cho biết, tình trạng người dân đến test nhanh Covid-19 là áp lực đối với bệnh viện. Đã có ngày bệnh viện phải tạm đóng cửa vì số người đến xét nghiệm quá đông. Gọi là test nhanh Covid-19, nhưng nhiều bệnh viện phải mất một buổi mới trả kết quả.
Trường hợp đến xét nghiệm buổi chiều thì sáng hôm sau người dân mới nhận được kết quả. Phiếu trả lời kết quả xét nghiệm lại ghi theo thời gian lấy mẫu, hiển nhiên “giấy thông hành” bị mất 1 ngày giá trị sử dụng, chỉ được dùng trong 2 ngày.
Trở lại với ý kiến của PGS Trần Đắc Phu, vị chuyên gia này cho rằng xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cho hiệu quả trên 90% phụ thuộc vào thời điểm xét nghiệm. Phương pháp này cho độ chính xác cao hơn với người mới nhiễm trong khoảng thời gian 2-6 ngày. Sau khoảng thời gian này, khi nồng độ virus SARS-CoV-2 trong hầu họng giảm xuống, độ chính xác cũng giảm theo.
“Do vậy, sau khi thực hiện xét nghiệm, điều quan trọng nhất, người dân vẫn phải thực hiện nghiêm mọi biện pháp phòng bệnh” - ông Phu lưu ý.
Về quy định của nhiều địa phương cho phép “giấy thông hành” xét nghiệm có hiệu lực trong 3-7 ngày, ông Phu cho rằng không nên áp dụng quy định này mà nên quy định người ra vào có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi vào địa phương. Sau khi vào tiếp tục thực hiện tốt nguyên tắc 5K và theo dõi sức khoẻ tại nơi đến.
Vì thế mới nói, hiệu lực của “giấy thông hành” âm tính với SARS-CoV-2 là điều rất đáng bàn.