Hiểu nhầm tai hại

Lê Anh Đức 24/07/2017 10:05

Mới đây, một giám đốc trẻ đã bị nhiều người dân ở huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) bao vây và đốt trụi chiếc xe Fortuner trị giá hơn 1 tỷ đồng, vì nghi ngờ anh này đang thôi miên một chủ cửa hàng gỗ để bắt cóc và cướp tài sản.

May mắn cho vị giám đốc là sự manh động của người dân chưa đi quá xa, chỉ dừng lại ở việc đốt chiếc xe mà chưa gây tổn hại tới sức khỏe và tính mạng. Song, đây cũng là hồi chuông cảnh báo về sự thiếu hiểu biết, manh động, bạo lực của không ít người dân với những tin đồn thất thiệt trên mạng.

Sự việc lúc đầu chỉ đơn giản là anh Trịnh Mạnh Hải- Giám đốc kinh doanh của Công ty DANREDS ở xã Tân Trường (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) cùng lái xe Lê Văn Nam trên đường về quê vợ, bỗng phát sinh nhu cầu mua đồ gỗ nội thất nên rẽ vào cửa hàng của vợ chồng anh Bắc, chị Quyên ở thôn Đồng Hởi (xã Đồng Lạc, huyện Thanh Hà, Hải Dương) để xem.

Trong khi đang giới thiệu hàng với khách, chị Quyên thấy chóng mặt, mệt mỏi nên nghĩ mình bị anh Hải thôi miên để bắt cóc, cướp tài sản như một số thông tin đã đọc trên mạng, liền chạy ra ngoài tri hô mọi người đến cứu.

Lập tức đám đông người dân kéo tới ngày một đông vây lấy nhóm người của anh Hải đòi đánh vì cho rằng họ có hành vi thôi miên để bắt cóc, cướp tài sản.

Tuy chưa thực hiện hành vi đánh anh Hải nhưng một số người dân quá khích đã hè nhau lật xe ô tô Fortuner của anh giám đốc trẻ xuống ruộng rồi châm lửa đốt trụi.

Ngay khi nhận được thông tin vụ việc, Công an huyện Thanh Hà đã triển khai lực lượng đến giải quyết, song phải đến hơn 1h sáng ngày hôm sau, mất rất nhiều thời gian thuyết phục lực lượng công an mới có thể giải cứu được những người trên ra khỏi vòng vây.

Ở đây có một câu chuyện hết sức buồn lòng, nhưng lại cũng hết sức khôi hài khi mà chỉ bằng vào cảm quan ngộ nhận của mình, người ta đã sẵn sàng dùng bạo lực với một người không quen biết, không hề gây tổn hại gì tới mình.

Trong hoàn cảnh của chị Quyên chỉ có một thân một mình với khách trong cửa hàng thì còn có thể hiểu được sự hoảng sợ, lo lắng xen lẫn với sự cảnh giác cao độ, khi nghĩ mình đang bị thôi miên để bắt cóc, trấn lột nên có hành động tri hô mọi người ứng cứu.

Chắc cũng không ai nỡ đặt câu hỏi làm khó cho chị rằng, liệu khi bị người ta thực sự thôi miên thì chị còn có thể chạy ra ngoài để tri hô bà con chòm xóm tới cứu nữa hay không?

Song, đáng trách ở đây không phải là bà chủ cửa hàng đồ gỗ nội thất, mà chính là đám đông “ăn theo” sự việc ấy. Nếu trong hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người dân ấy có một vài người đủ tỉnh táo để phân tích tình hình, đứng ra làm chủ cục diện thì có lẽ sự giận dữ của đám đông cũng sẽ nguôi đi, họ sẽ không còn muốn đánh anh Hải hay trút giận vào một vật vô tri vô giác là chiếc ô tô Fortuner của anh giám đốc trẻ.

Họ không những không suy xét để có thể nhận ra chân tướng sự việc, mà còn mặc cho cảm tính lấn át để hùa vào cùng với nhau làm bậy. Với thái độ của hàng nghìn người dân như vậy, việc nhóm người của anh Hải thoát nạn không bị động tới thân thể đã là may mắn lắm rồi.

Cũng có ý kiến cho rằng, đại bộ phận người dân có mặt lúc đó do trình độ dân trí chưa cao nên họ mới có kiểu hành động bạo lực, liều lĩnh, manh động như vậy.

Song, người ta thường nói “nó lú thì có chú nó khôn”, không lẽ cả nghìn người dân đều có trình độ dân trí thấp, không hiểu pháp luật?

Lại cũng có luồng ý kiến cho rằng, người dân hoàn toàn không có lỗi, mà lỗi là do những kẻ tung tin thất thiệt trên mạng xã hội gây ra.

Số người ủng hộ ý kiến này cho rằng, nếu không có những thông tin chia sẻ trên mạng về các vụ thôi miên để bắt cóc, cướp tài sản thì chắc người dân cũng sẽ không hoang mang dẫn đến manh động như thế.

Thực tế là đến nay cũng chưa có bất cứ cơ quan chức năng nào kết luận những bài viết chia sẻ trên mạng xã hội về việc thôi miên để bắt cóc, cướp tài sản là bịa đặt cả.

Ngược lại thì cũng chưa có bất cứ sự kiểm chứng nào về tính xác thực của những bài viết nói trên. Song, dù là bịa đặt hay đúng là đã từng có những vụ thôi miên bắt cóc, cướp tài sản thì trách nhiệm của mỗi công dân là phải chấp hành đúng bổn phận, tuân thủ nghiêm túc những quy định của pháp luật.

Trong trường hợp cụ thể này, nếu thực sự anh Hải là người thực hiện hành vi thôi miên để bắt cóc, cướp tài sản thì việc xử lý là của cơ quan công an chứ không phải là những người dân ở huyện Thanh Hà.

Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên người dân thực hiện hành vi “đánh hội đồng” những nghi can trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản. Chẳng phải đã nhiều “cẩu tặc” khi bị người dân bắt được đã phải ăn no đòn đến chết, hay chí ít cũng là mang thương tật suốt đời.

Đương nhiên việc người dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tội phạm là cần thiết. Song, cũng cần biết giới hạn của mình để không có những hành vi đi quá xa khiến sau này phải vướng vòng lao lý.

Nói gì thì nói, trong vụ việc đáng tiếc này, những người tham gia đốt xe ô tô của anh Hải sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, dù họ có viện ra bất cứ lý do nào để giải thích cho hành vi manh động của mình.

Chỉ từ sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin mà nhiều người dân đã có sự nhầm lẫn tai hại giữa một người ngay thẳng với một kẻ chuyên đi bắt cóc, cướp tài sản.

Và sự nhầm lẫn đó đã dẫn họ đi quá giới hạn cho phép, gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, cũng như tài sản của công dân. Những hành vi bạo lực tương tự cần phải bị trừng trị nghiêm khắc để răn đe những ai đã, đang và sẽ có ý định thay quan tòa phán xử. Có như vậy mới không còn xảy ra những sự hiểu lầm tai hại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiểu nhầm tai hại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO