Thời gian qua, huyện miền núi Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế lâm nghiệp bằng những mô hình trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn, trồng rừng thâm canh cây luồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Tính từ đầu năm đến nay, huyện đã trồng được 720 ha rừng với 42.523 cây phân tán, từ đó khai thác được 3.496 m3 gỗ và 54.500 cây tre luồng, nhờ trồng rừng nhiều dân đã có việc làm, xóa đói giảm nghèo.
Cẩm Thủy là huyện miền núi có diện tích đất lâm nghiệp lớn, để bảo vệ rừng và phát triển kinh tế cho người dân, huyện đã phối hợp với các xã có diện tích đất lâm nghiệp lớn để tổ chức các hội nghị tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người dân về chăm sóc và bảo vệ, trồng rừng.
Huyện rà soát, giao đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình có nhu cầu phát triển kinh tế lâm nghiệp, hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào ươm trồng, chăm sóc cây giống.
Đối với những hộ đang trồng những giống cây kém hiệu quả, huyện đã chỉ đạo các xã vận động người dân bỏ trồng những loại cây năng suất thấp chuyển sang trồng rừng gỗ lớn cho hiểu quả kinh tế cao, đồng thời mua các giống cây lâm nghiệp tại những cơ sở sản xuất uy tín, thực hiện trồng rừng đúng mật độ, thời vụ, kỹ thuật trồng thâm canh. Tới nay, kế hoạch trồng rừng sản xuất trên địa bàn huyện đều vượt chỉ tiêu, cuộc sống người dân đã khá hơn nhờ phát triển kinh tế rừng.
Tại xã Cẩm Tâm, trong 4 năm qua xã đã thực hiện các mô hình phát triển kinh tế rừng bao gồm mô hình trồng rừng thâm canh đầu tư phân bón, mô hình trồng rừng gỗ lớn, mô hình trồng thâm canh rừng luồng. Tới nay, những mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt là giúp các hộ dân vươn lên thoát nghèo, góp phần bảo vệ môi trường rừng, chống sói mòn đất.
Ông Lê Đức Sơi, thôn Rung, xã Cẩm Tâm cho biết, năm 2012, ông xây dựng mô hình trồng cây ăn quả, tuy nhiên do không có kinh nghiệm trồng trọt nên ông thất bại, một năm sau ông quyết định phát triển kinh tế rừng đồi, thực hiện mô hình trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn, kết hợp chăn nuôi một số gia súc gia cầm.
Với đức tính chịu khó, cộng với tinh thần ham học hỏi, tới nay ông Sơi đã gặt hái được nhiều thành công trong phát triển kinh tế rừng đồi. Trang trại của ông đã mở rộng lên 15 ha, bao gồm: 10 ha cây keo, 4 ha cây luồng, xoan. Cùng với phát triển trồng rừng, ông còn phát triển thêm chăn nuôi. Thu nhập hàng năm từ rừng và chăn nuôi của gia đình ông đạt 200 triệu/năm.
Chia sẻ về quá trình phát triển kinh tế rừng, ông Quách Văn Xuân, thôn Hón Kẻ, xã Cẩm Tâm cho biết, cách đây vài năm ông tham gia chương trình trồng rừng 147 của nhà nước, sau khi chương trình kết thúc, ông quyết định chuyển sang phát triển kinh tế rừng.
Năm 2015, ông thầu 6 ha đất để thực hiện mô hình trồng rừng trên đồi núi trọc, ông mua các giống cây trồng rừng, kết hợp chăn nuôi, thực hiện mô hình trang trại tổng hợp, trồng rừng kinh tế kết hợp chăn nuôi, trồng cây hái quả. Sau những ngày tháng gian khổ vừa chăm sóc các giống cây lâm nghiệp và vật nuôi, tới nay ông đã có trang trại trồng rừng gồm: 6 ha keo, 3 ha luồng, 0,5 ha các loại cây ăn quả. Bên cạnh đó, ông còn nuôi thêm 30 lợn sinh sản. Những sản phẩm từ rừng và chăn nuôi cho thu nhập khoảng 100 triệu/năm.
Ông Nguyễn Quốc Hưng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Tâm cho biết, là xã miền núi có địa hình đa số là đồi núi trọc, ngành nông nghiệp đang còn chậm phát triển vì không thể phát triển các loài cây trồng nông nghiệp trên núi. Vì thế, xã đã vận động người dân tập trung phát triển kinh tế rừng.