Với đặc thù là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cùng sinh sống, thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường và đổi mới công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS. Từ đó, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Minh Tân - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận, tính đến cuối năm 2021, dân số toàn tỉnh có khoảng 1,258 triệu người với 35 dân tộc, trong đó 34 DTTS chiếm hơn 8,3% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, việc đầu tư, hỗ trợ vùng DTTS trong tỉnh tiếp tục được quan tâm, đầu tư trên nhiều lĩnh vực. Nhờ đó, bộ mặt vùng đồng bào DTTS có nhiều đổi thay rõ rệt.
“Hệ thống kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS được nâng cấp, 100% xã đã có đường ô tô được nhựa hóa thông suốt đến trung tâm xã; 100% xã được phủ sóng truyền hình, phát thanh và có nhà văn hóa; 100% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; 98% hộ sử dụng điện lưới quốc gia; 88,3% hộ được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh. Các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả được quan tâm đầu tư và nhân rộng, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Chính sách an sinh xã hội, giáo dục, y tế có nhiều chuyển biến tiến bộ; văn hóa truyền thống của các dân tộc tiếp tục được giữ gìn và phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đoàn kết giữa các dân tộc trong tỉnh ngày càng tốt hơn, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước” - ông Tân cho biết.
Bên cạnh đó, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức tổ chức đoàn thể, công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã đạt được những kết quả tích cực. Nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong công tác dân vận ngày càng xuất hiện nhiều ở vùng đồng bào DTTS. Với quan điểm xuyên suốt là Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia làm nòng cốt, công tác dân vận vùng đồng bào DTTS đã bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết về công tác dân tộc. Thông qua các cuộc họp, hội nghị và làm việc với địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống. UBND tỉnh cũng đã kịp thời chỉ đạo các ngành, địa phương giải quyết các vấn đề, vụ việc liên quan đến đời sống, sản xuất của đồng bào DTTS; tổ chức thăm, tặng quà cho đồng bào trong các dịp Tết Nguyên đán, Tết Đầu lúa của đồng bào vùng cao trên địa bàn tỉnh…
Ông Tân cho biết thêm, để thực hiện tốt chính sách dân tộc, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã triển khai xây dựng mô hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2021- 2025 tại địa phương, cơ sở. Cùng với đó, để hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống vùng đồng bào DTTS, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp, tham mưu UBND tỉnh để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, hoàn thành việc ký hợp đồng đầu tư ứng trước sản xuất ngô lai, lúa nước năm 2022; tổ chức thu mua 180 tấn bắp lai với giá trị 1,3 tỷ đồng, 5 tấn mủ cao su, trị giá 50 triệu đồng cho đồng bào.
Thời gian qua, thông qua các hoạt động kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện với các xã thuần và thôn xen ghép đồng bào DTTS, tỉnh Bình Thuận đã chuyển tải các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến người dân. Từ đó, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS cũng như tăng cường khối đoàn kết giữa các dân tộc tại địa phương.
“Đến nay có 17 cơ quan, sở, ngành, lực lượng vũ trang, MTTQ Việt Nam, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh kết nghĩa với 17 xã thuần đồng bào DTTS và 86 cơ quan, đơn vị cấp huyện kết nghĩa với 36 thôn, khu phố xen ghép đồng bào DTTS. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh và cơ quan, đơn vị cấp huyện tiếp tục duy trì 86 mô hình phát triển kinh tế - xã hội, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, 50 mô hình giữ gìn an ninh trật tự, đỡ đầu, hỗ trợ các gia đình khó khăn, học sinh, sinh viên, thăm hỏi, tặng gần 22.000 phần quà tại các xã, thôn vùng đồng bào DTTS. Các chủ trương, chính sách đã khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của bà con vùng đồng bào dân tộc, miền núi, tạo sức bật giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, diện hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giảm từ 24,63% theo tiêu chí cũ; đến tháng 12/2021 còn 3,64%, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều” - ông Tân cho hay.
Thành quả quan trọng trên và những chính sách, đề án từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 sẽ thúc đẩy vùng đồng bào DTTS của tỉnh Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.