Thực hiện Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị, trong 3 năm, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình đã chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và các ngành chức năng tiến hành 8 cuộc giám sát, Mặt trận cấp huyện, xã tiến hành 824 cuộc giám sát. Hoạt động đó đã góp phần phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Làm đường giao thông nông thôn tại Quảng Bình.
Hoạt động giám sát đi vào chiều sâu
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh Quảng Bình Phạm Đức Thương, triển khai thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị, UBMTTQ tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo củng cố Ban thường trực UBMTTQ các cấp, các Hội đồng Tư vấn, Ban Tư vấn, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát và đầu tư của cộng đồng, mở rộng chương trình ký kết với các ban của Đảng, Đoàn ĐBQH tỉnh, thường trực HĐND, UBND tỉnh các sở ngành cấp tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận để từ đó quy tụ, tăng cường lực lượng cho hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận hiệu quả hơn.
Trên tinh thần chỉ đạo của Trung ương, cấp ủy chính quyền, MTTQ các cấp tỉnh Quảng Bình đã nghiêm túc tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch ban hành các văn bản chỉ đạo đồng bộ và hiệu quả.
Qua 3 năm thực hiện Quyết định 217, hoạt động giám sát, phản biện xã hội ngày càng đi vào chiều sâu, tập trung vào những vấn đề gây bức xúc với nhân dân trên địa bàn.
Từ năm 2013 đến nay, MTTQ, các đoàn thể các cấp đã tổ chức hàng nghìn cuộc giám sát tại các địa phương, đơn vị. MTTQ cấp xã đã tổ chức và tiến hành giám sát 824 cuộc giám sát. Các tổ chức chính trị - xã hội cũng tích cực triển khai các hoạt động giám sát độc lập và phối hợp giám sát trên các lĩnh vực mà đoàn viên hội viên quan tâm.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng quan tâm hướng dẫn MTTQ các cấp củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, xây dựng kế hoạch giám sát những vấn đề do nhân dân, cử tri phản ánh.
Qua hoạt động các Ban Thanh tra nhân dân đã tiến hành kiểm tra gần 4.000 cuộc kiến nghị xử lý 1.300 vụ việc. Ban giám sát đầu tư cộng đồng tiến hành giám sát gần 3.200 cuộc với 700 vụ việc được kiến nghị xử lý.
Theo ông Phạm Đức Thương, sau giám sát, Thường trực UB MTTQ tỉnh đã có văn bản kiến nghị, đề nghị cấp ủy, chính quyền các ngành chức năng giải quyết đồng thời có kế hoạch tiếp tục giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của chính quyền và các cơ quan đơn vị các cấp. Nhiều kiến nghị sau giám sát đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu và thực hiện.
Hoạt động giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã góp phần cùng với công tác kiểm tra, thanh tra của Đảng, Nhà nước giám sát của Đoàn ĐBQH, HĐND trên địa bàn phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, nâng cao vị thế, vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, của các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện chức năng đại diện cho lợi ích, nguyện vọng của nhân dân.
Phối hợp để đạt hiệu quả cao hơn
Bên cạnh kết quả đạt được, theo đại diện lãnh đạo Uỷ ban MTTQ tỉnh Quảng Bình, việc triển khai thực hiện Quyết định 217 còn gặp một số khó khăn. Mặc dù Trung ương đã bước đầu thể chế hóa, ban hành nhiều văn bản thực hiện nhiệm vụ giám sát phản biện tuy nhiên các văn bản hướng dẫn chưa đồng bộ nên Mặt trận và các đoàn thể ở địa phương còn lúng túng trong việc thực hiện. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến công tác giám sát, phản biện của Mặt trận.
“Cán bộ Mặt trận các cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã năng lực còn yếu nên ảnh hưởng đến chất lượng giám sát. Sau giám sát, mặc dù Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đã có kiến nghị cụ thể nhưng đơn vị địa phương được giám sát vẫn chưa tích cực giải quyết, trả lời kiến nghị.
Việc thực hiện còn nặng về hình thức, cán bộ giám sát vẫn còn tâm lý ngại va chạm, nể nang không thẳng thắn nêu chính kiến của mình khi giám sát, còn có tâm lý đối phó của đơn vị được giám sát”- ông Thương cho biết.
Để hoạt động giám sát, phản biện đạt kết quả trong thời gian tới, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh Quảng Bình đề nghị Trung ương sớm ban hành Nghị quyết liên tịch giữa UBTVQH, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và Chính phủ về giám sát phản biện xã hội nhằm làm rõ chế tài cho phù hợp để việc triển khai thực hiện giữa các địa phương được thống nhất, có hiệu quả.
Bên cạnh đó cần tiếp tục tập huấn chuyên sâu cho cán bộ Mặt trận và đoàn thể trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội của Trung ương khi có văn bản chỉ đạo liên quan đến việc triển khai Quyết định 217 và 218 cần đề cập cụ thể việc thông tin, phối hợp giữa Mặt trận, đoàn thể các cấp ở địa phương để có sự phối hợp tốt hơn.