Cùng với các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Từ khi chính quyền tỉnh Cà Mau triển khai đồng bộ công tác chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực của đời sống, thanh toán không dùng tiền mặt đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo người dân. Trên thực tế, thanh toán qua mã QR, ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking… đã trở thành thói quen của nhiều người dân từ thành thị đến nông thôn. Nếu như trước đây, mọi người luôn phải mang theo tiền mặt khi đi ăn uống, mua sắm thì hiện nay chỉ với một tấm thẻ ATM hay điện thoại di động sẽ thanh toán được mọi dịch vụ. Các cửa hàng, quán cà phê, nhà hàng và cả người bán hàng tại chợ truyền thống đã dần chấp nhận hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả người bán và người mua.
Bà Trần Ngọc Thu, ngụ thành phố Cà Mau chia sẻ, bây giờ làm gì cũng cần ứng dụng công nghệ, việc mua bán hàng online dần phổ biến. Người dân bây giờ chỉ cần điện thoại thông minh là có thể mua bất cứ món hàng nào trên môi trường mạng. Những mặt hàng tiêu dùng bây giờ chỉ cần vào các gian hàng tạp hoá điện tử đặt hàng là có người giao đến tận nhà. “Việc mua bán hàng trên môi trường mạng giúp tôi có được quỹ thời gian để làm nhiều việc khác. Nếu như trước đây, hằng ngày mình phải đi chợ để mua thực phẩm về chế biến thức ăn cho gia đình phải mất nhiều thời gian, thì nay chỉ cần chiếc điện thoại sử dụng vài thao tác đặt hàng là có người giao tới tận nhà mà giá cả thì vẫn vậy. Ứng dụng chuyển đổi số là rất hiệu quả, có nhiều tiện ích với người dân”, bà Thu nói.
Chị Nguyễn Thuý Như, ngụ thành phố Cà Mau cho rằng, nhờ chuyển đổi số mà chị có việc làm tại nhà với mức thu nhập ổn định để lo cho gia đình. “Tôi có con nhỏ, hằng ngày chỉ việc trông con thôi là đã hết thời gian thì không thể đi làm để có thu nhập. Nhờ ứng dụng công nghệ trên môi trường mạng, tôi làm bánh rồi đăng lên mạng xã hội bán, khi có người mua thì tôi kết nối với shipper giao hàng tận nơi. Nhờ vậy, tôi vừa có thể trông con mà còn có thu nhập ổn định tại nhà”.
Giám đốc Hợp tác xã Sông Đầm, sẽ Lê Minh Sang, ấp Tân Hiệp, xã Tân Dân, huyện Ðầm Dơi, cho biết: “Gần đây, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trở nên phổ biến và dần trở thành xu thế trong sản xuất, kinh doanh, trao đổi, mua bán hàng hóa. Hiện nay, các hoạt động mua bán hàng hóa ít nhiều đều thông qua kênh thương mại điện tử, nên việc thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều lợi ích, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, rất tiện lợi và nhanh chóng. Hầu hết, các giao dịch thanh toán giữa Hợp tác xã với đối tác, khách hàng đều thông qua hình thức chuyển khoản”.
Bây giờ, chuyển đổi số đã đi sâu vào đời sống người dân Cà Mau. Ngày trước, người dân có con cá, cọng rau đều phải đem ra chợ bán rất tốn thời gian và chi phí đi lại. Tuy nhiên, hiện nay người dân chỉ cần có điện thoại thông minh, chụp hình ảnh rồi đăng bán trên mạng xã hội là được. Đây là việc làm mang lại nhiều lợi ích và rất cần trong đời sống xã hội hiện đại.
Tại các huyện vùng sâu của tỉnh Cà Mau như U Minh, Ngọc Hiển…người dân rất am hiểu với các ứng dụng trên nền tảng số. Các cơ sở kinh doanh ăn uống, các sản phẩm OCOP, hải sản… đều có trang bị mã QR để khách hàng thuận tiện cho việc thanh toán không dùng tiền mặt.
“Mua bán bây giờ rất hay, tôi đăng sản phẩm lên mạng, anh thích mặt hàng nào thì nhắn tin hỏi giá cả, nếu phù hợp thì anh đặt hàng và thanh toán tất cả qua môi trường mạng. Trong mua bán, chữ tín rất quan trọng, anh không thể mua gian bán lận được vì trước khi nhận hàng, khách hàng được kiểm tra thoải mái, vừa ý thì nhận và thanh toán, ngược lại thì từ chối nhận và shipper hoàn sản phẩm trả về cho mình. Hàng hoá tôi bán trước giờ chưa bị khách phàn nàn gì sản phẩm mà từ chối nhận hàng”, chủ một cơ sở kinh doanh hải sản khô ở thị trấn Rạch Gốc chia sẻ.
Ông Huỳnh Thanh Đảm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển cho biết: “Người dân hiện nay ngày càng hiểu rõ hơn về chuyển đổi số, bà con đã ứng dụng và thực hiện nhiều hơn. Nói chung, khi thấy được mặt tích cực, tiện ích và hiệu quả mang lại thì người dân sẽ nghiêm túc thực hiện. Bây giờ, việc bán sản phẩm trên môi trường mạng của nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn rất nhiều, doanh thu rất ổn định. Việc thanh toán không dùng tiền mặt được người dân thực hiện nhiều hơn, bởi đây là cách làm tiện lợi và hiệu quả. Có thể nói, đây là thành công bước đầu của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng công nghệ số vào đời sống”.
Tại huyện U Minh, nhiều cơ sở kinh doanh sản vật địa phương đều in bao bì, nhãn mác rất đa dạng, bắt mắt. Đặc biệt, bà con còn tạo mã QR để khách hàng thuận tiện kiểm tra về nguồn gốc sản phẩm. Anh Đỗ Hoài Bảo, người kinh doanh sản phẩm mật ong U Minh Hạ cho hay, anh bán mật ong đã nhiều năm và có lượng khách hàng ổn định trên môi trường mạng. Với anh Bảo, yếu tố tiên quyết để giữ khách và khách tìm tới mình đó chính là chất lượng. “Sản phẩm mật ong của tôi là nguyên chất, hoàn toàn tự nhiên nên khách mua lần đầu ắt sẽ có lần sau và họ còn giới thiệu bạn bè để mua sử dụng sản phẩm của tôi. Đặc biệt, mặt hàng tôi bán đều có mã quét truy xuất nguồn gốc nên khách hàng rất an tâm tin dùng”, anh Bảo nói.
Để phấn đấu đạt mục tiêu tối thiểu 40% cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt vào cuối năm 2025, tỉnh Cà Mau tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương trong các lĩnh vực. Khuyến khích các cơ sở bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chấp nhận và sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử và hỗ trợ khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử trong quá trình mua bán hàng hóa, dịch vụ. ..