Trong khi các dịch bệnh như sốt xuất huyết, Covid-19, bệnh do Adenovirus đang diễn biến phức tạp ở nước ta, các chuyên gia tiếp tục cảnh báo nguy cơ về căn bệnh ho gà - một bệnh có khả năng lây lan rất nhanh và thường xảy ra vào mùa lạnh.
Bác sĩ Nguyễn Khánh Linh - Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: “Ho gà lây lan cao hơn cả cảm cúm, một người có thể lây cho 12-17 người. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, nhưng chủ yếu là trẻ em. Trẻ càng nhỏ tuổi bệnh càng dễ diễn biến nặng. Có thể nói, trẻ em chưa được tiêm chủng vaccine phòng ho gà đầy đủ là đối tượng có nguy cơ cao nhất bị mắc bệnh và thường biểu hiện bệnh lý nặng”.
Các chuyên gia y tế cũng cho biết, nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, bệnh ho gà dễ diễn biến nặng, thậm chí tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản - phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.
Đặc biệt, trẻ sơ sinh bị ho gà thường rất nặng nề. Ho kéo dài, ngừng thở là biến chứng hay gặp nhất và dễ gây tử vong, đặc biệt ở trẻ dưới 1 tuổi. Bệnh nhân cũng có thể gặp lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng. Trường hợp nặng có thể gặp vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi. Viêm não là một biến chứng nặng của bệnh ho gà, tỷ lệ di chứng và tử vong cao.
TS. BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, năm nào vào mùa lạnh hay khi thời tiết ẩm ướt dài ngày, bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trẻ nhỏ vào viện trong tình trạng suy hô hấp do ho gà, thậm chí có trẻ phải hỗ trợ thở máy. Đáng nói, ngoài việc ho gà có biểu hiện và triệu chứng dễ nhầm với các bệnh hô hấp khác đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thì một điều đáng lo ngại nữa là bệnh có thời gian ủ bệnh dài, khoảng 1-2 tuần, khó nhận biết sớm, trong khi đây lại là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có khả năng lây lan rất cao. Đối với trẻ dưới 1 tuổi mắc bệnh ho gà, bệnh tiến triển nặng lên rất nhanh, ở trẻ sơ sinh tỷ lệ tử vong lên đến 90%.
Theo bác sỹ Lâm, biểu hiện lâm sàng của bệnh ho gà khá điển hình với những cơn ho dữ dội kéo dài, bệnh ho gà diễn biến qua 3 giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, bệnh nhi ho kéo dài từ 1-2 tuần với triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên không rõ ràng như chảy nước mũi, ho nhẹ (phần nhiều là ho về đêm). Ở giai đoạn này, để chẩn đoán phân biệt ho gà rất khó do triệu trứng của ho gà giống với những biểu hiện cảm cúm, viêm đường hô hấp thông thường. Tiếp theo là giai đoạn toàn phát (từ 1-2 tuần kế tiếp), bệnh nhi bắt đầu ho nhiều hơn, ho từng cơn kéo dài, sặc sụa. Sau những cơn ho trẻ thường đỏ mặt hay tím tái cả người do ho nhiều không đủ dưỡng khí để thở, lâu dần gây suy hô hấp. Cũng chính những cơn ho dài dữ dội khiến trẻ mệt, kiệt sức, biếng ăn dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. Giai đoạn 3 của ho gà là giai đoạn hồi phục, các cơn ho của trẻ ngắn lại, số cơn ho giảm.
Các bác sĩ nhấn mạnh, cách tốt nhất để dự phòng ho gà ở trẻ sơ sinh, trẻ em, thiếu niên và người lớn là tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch (loại vaccine phối hợp phòng bệnh Bạch hầu, ho gà, uốn ván - DTP hoặc vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, virus viêm gan B và Haemophilus influenzae type b - Quinvaxem).
BS Nguyễn Tri Thức - Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khuyến cáo, khoảng 25% người lớn bị ho gà có các biến chứng như viêm phổi, tràn khí màng phổi, viêm tai giữa, tiểu tiện không kiểm soát, sụt cân, gãy xương sườn (do các cơn ho liên tục kéo dài). Đặc biệt, những người có bệnh lý nền như tim mạch, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính,… có nguy cơ mắc cao hơn kèm theo đó các biến chứng nặng nề hơn.