Liên quan tới đề xuất của Bộ GDĐT về việc không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho rằng: Chính sách này nhân văn, nhưng cần thận trọng trong quá trình thực hiện.
Nếu Luật Giáo dục (sửa đổi) được thông qua, ngân sách nhà nước phải hỗ trợ 2.233 tỷ đồng để thực hiện chính sách không thu và hỗ trợ học phí cho học sinh vào thời điểm Luật có hiệu lực.
Lộ trình miễn học phí trước năm 2020
Liên quan đến dự án Luật Giáo dục sửa đổi, nội dung miễn giảm học phí cho học sinh mầm non 5 tuổi và học sinh THCS trường công lập đã được thảo luận tại nhiều cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Gần đây nhất, Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GDĐT) cũng bày tỏ quan điểm về chính sách này. Theo đó, căn cứ Điều 61, Hiến pháp đã quy định: Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học. Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành TW Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã khẳng định: Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và miễn học phí trước năm 2020.
Căn cứ Hiến pháp, chủ trương của Đảng, Nhà nước và ý kiến của cử tri và đại biểu Quốc hội, Bộ GDĐT đã báo cáo Chính phủ thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 29-NQ/TW (khóa XI). Đồng thời thực hiện chính sách này theo lộ trình phù hợp với khả năng cân đối ngân sách và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo đó, tại dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Bộ GDĐT đã nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Khoản 3, 4, 5, 6 của Điều 96 về chính sách học phí nói trên.
Đảm bảo lộ trình
Hiện nay Nhà nước mới chỉ thực hiện miễn học phí đối với giáo dục tiểu học, còn giáo dục THCS, trẻ em mầm non 5 tuổi (học sinh thuộc diện phổ cập) vẫn chưa được miễn học phí.
Theo lý giải của Vụ Kế hoạch - Tài chính, việc quy định như Dự thảo nêu trên sẽ đảm bảo thực hiện theo đúng Hiến pháp 2013, quy định học sinh tiểu học không phải đóng học phí. Đối với các cấp học khác Chính phủ sẽ quy định thực hiện lộ trình miễn học phí đảm bảo phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 29 -NQ/TW.
Trước đó, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, có đủ tiền để miễn học phí cho học sinh THCS, hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập. Nguồn kinh phí thực hiện được lấy từ việc cân đối trong 20% chi ngân sách cho giáo dục đào tạo.
Bộ trưởng cũng khẳng định phải hỗ trợ cho học sinh của trường ngoài công lập, bởi vì đó là sự công bằng. Các em đều thuộc đối tượng giáo dục bắt buộc, vậy thì công hay tư cũng phải được sự chăm sóc, hỗ trợ như nhau. Một suất học sinh ngoài công lập phải được hưởng hỗ trợ tương đương với mức học sinh công lập được miễn giảm.
Con số thống kê được đưa ra là khoảng 4.730 tỉ đồng/năm dành cho miễn giảm học phí được Bộ trưởng Nhạ khẳng định có thể cân đối được từ nguồn 20% chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo.
Theo TS Lê Viết Khuyến, trong Hiến pháp đã ghi giáo dục bắt buộc ở cấp tiểu học và mầm non. Đã là bắt buộc thì phải miễn học phí. Chỉ còn lại vấn đề là lấy tiền từ đâu? Nếu đúng như Bộ GDĐT đã tính toán thì tất nhiên có thể triển khai được ngay khi Luật Giáo dục (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực là một việc làm rất nhân văn. Không chỉ các trường công lập mà học sinh ở địa bàn không đủ trường công lập, HĐND cấp tỉnh quy định mức hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh trường tư thục.
TS Khuyến cũng nhắc lại câu chuyện, năm 2001, Bộ GDĐT được phê duyệt ngân sách nhà nước 11 tỉ đồng để xây dựng bộ chương trình khung cho các ngành đào tạo đại học và cao đẳng. Chương trình ĐH rất đa dạng, khối lượng lớn gấp nhiều lần chương trình phổ thông mà nhóm “tiêu mãi không hết”. Hiện nay đang làm sách giáo khoa phổ thông, cần chi đúng, chi đủ tránh lãng phí.
Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie cho rằng, việc TP HCM đề xuất miễn giảm học phí cho học sinh THCS là rất nhân văn vì sau khi cân đối ngân sách, TP HCM thấy có thể làm được điều này. Còn Hà Nội đề xuất tăng học phí cũng là hợp lý vì căn cứ vào nguồn ngân sách, cần phải tăng để có sự đầu tư tốt hơn nữa cho giáo dục.
Trong khi đó, xưa nay các trường tư thục tự quyết định mức học phí của mình, không nhận được sự hỗ trợ từ tiền ngân sách. Mức học phí này cũng không giống nhau giữa các trường nhưng phụ huynh ngày nay rất thông thái. Họ chọn trường cho con sau khi đã tìm hiểu kỹ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình học và tham khảo ý kiến của các phụ huynh khác đã và đang có con em theo học… Nếu các trường không giữ vững được thương hiệu của mình bằng cách chứng minh chất lượng thì không thể nào tuyển sinh được, dù hạ thấp mức học phí hơn…