Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, Bình Dương là tỉnh chịu nhiều tổn thất với số ca dương tính với SARS-CoV-2 cũng như số người chết bởi dịch, đứng thứ hai cả nước, sau TP HCM. Bình Dương cũng là tỉnh có nhiều khu công nghiệp bậc nhất tại các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam. Vượt qua khó khăn, Bình Dương đã và đang hồi phục, phát triển kinh tế-xã hội với nhiều tín hiệu khả quan.
Kể từ sáng 1/10, người dân Bình Dương được trở lại trạng thái bình thường mới. Nhằm khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình Covid-19 được kiểm soát, tỉnh Bình Dương đã cho phép hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh được hoạt động trở lại. Đến nay, trên 85% doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp đã trở lại bằng các phương án sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” và các DN đạt tiêu chuẩn “3 xanh”.
Nhằm bảo đảm nguồn lao động cho các DN được phép hoạt động trở lại, lãnh đạo tỉnh Bình Dương kêu gọi người lao động ở lại để tiếp tục sản xuất kinh doanh. Người lao động sẽ được ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19, tiếp cận việc làm, có thu nhập cho bản thân, gia đình, góp phần giữ vững chuỗi cung ứng sản xuất, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh”.
Đáng chú ý, Bình Dương đã lập tổ công tác hỗ trợ DN. Tổ công tác gồm 30 thành viên, do ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh là tổ trưởng; ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm tổ phó thường trực.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, phòng, chống dịch và duy trì phát triển kinh tế là hai “mặt trận” song hành. Bình Dương luôn xác định “sức khỏe” của DN là yếu tố hàng đầu, quyết định đến khả năng phục hồi của nền kinh tế. Lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ DN cùng nhau tiến lên, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.
Bảo đảm nguồn lao động cho các DN, Bình Dương đã kêu gọi người lao động ở lại. Người lao động được ưu tiên tiêm vaccine, bố trí việc làm để có thu nhập cho bản thân, gia đình.
“Để người lao động yên tâm tiếp tục sản xuất, Bình Dương còn xây dựng kế hoạch đón người lao động trở lại Bình Dương. Tuy nhiên, DN cần công khai công bố tiền lương, tiền làm thêm giờ khi họ quay trở lại làm việc. Cùng đó, khu, cụm công nghiệp và DN cần tiếp tục ưu tiên đầu tư trạm y tế lưu động, bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động” - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết.
Theo ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, đã có khoảng 3.200 DN đăng ký và đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” và “3 xanh”, với hơn 265.000 lao động. DN quyết tâm không để đứt gãy chuỗi sản xuất cung ứng, vừa cố gắng giữ chân người lao động với quan điểm người lao động là vốn quý nhất của DN.
Còn bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (thành phố Dĩ An) cho biết, công ty đang bố trí cho khoảng 80% lao động trở lại làm việc. Trong thời gian giãn cách, để giữ chân người lao động, DN vẫn trả 70% tổng thu nhập cho người không tham gia sản xuất để họ có tiền trang trải cuộc sống tối thiểu. Sau dịch, nếu người lao động về quê chưa trở lại được mà có liên hệ với công ty thì sẽ được tính vào nghỉ phép năm. Tùy theo tình hình, nếu được phép thì công ty sẽ có kế hoạch đón người lao động ở quê trở lại với DN để gắn bó lâu dài.
Thông tin từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, trong khi người lao động được tiếp tục hỗ trợ gói 30.000 tỷ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, được nhận thấp nhất 1,8 triệu đồng/người thì nhiều người gặp khó khăn do không tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp, họ cần được quan tâm. Vì thế, sở đã đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ với mức khoảng 1 triệu đồng/người. Nếu được phê duyệt, tiền sẽ nhanh chóng đến tay người lao động. Tuy nhiên, lần hỗ trợ này sẽ ưu tiên cho người ở trọ. Còn theo Liên đoàn Lao động tỉnh, tuy các nguồn hỗ trợ từ các nơi cho công đoàn không còn nhiều như trước, nhưng với những trường hợp khó khăn, vẫn còn các DN, các địa chỉ tin cậy và họ sẵn sàng phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh trợ giúp khi cần. Các gói hỗ trợ theo chính sách công đoàn như hỗ trợ F0, F1, tiền hỗ trợ bữa ăn cho doanh nghiệp “3 tại chỗ” vẫn đang triển khai”.