Theo các cơ quan nhân đạo và chuyên gia khí hậu, hỗ trợ sớm trước khi thảm họa xảy ra có thể giúp ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của cú sốc liên quan đến khí hậu.
Hỗ trợ sớm
Năm 2022, ông Hasan Ali 50 tuổi ở Chilmari, huyện Kurigram (Bangladesh) nhận được thức ăn cho đàn gia súc từ Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) 10 ngày trước trận lụt. Việc này giúp ông Ali duy trì sự sống của hai con bò và hai con dê của gia đình khi nước ập đến. Vài năm trước, ông phải bán rẻ đàn gia súc sau khi lũ lụt nhấn chìm mùa màng và đồng cỏ.
Hơn 150.000 người Bangladesh nhận được hỗ trợ từ WFP trước thảm họa, được gọi là "hành động dự đoán", thông qua đó, các cơ quan viện trợ cung cấp cho những người dễ bị tổn thương tiền mặt và các vật dụng thiết yếu trước những cú sốc liên quan đến khí hậu.
Các cơ quan nhân đạo và chuyên gia khí hậu cho rằng, “hành động dự đoán” nên là một phần của các cuộc thảo luận về một quỹ mới nhằm giải quyết tổn thất và thiệt hại dự kiến ra mắt trong năm nay. Quỹ này hướng đến những tổn hại về thể chất và tinh thần do tác động của biến đổi khí hậu không thể giải quyết được bằng hai con đường truyền thống là cắt giảm lượng khí thải carbon và thích ứng với một thế giới ấm hơn.
Năm ngoái, sau ba thập kỷ vận động của các nước đang phát triển, hội nghị khí hậu COP27 của Liên hợp quốc (LHQ) ở Ai Cập đã vượt qua sự miễn cưỡng từ các quốc gia tài trợ giàu có để đồng ý thành lập một quỹ tạm gọi là “Tổn thất và thiệt hại”. Nhưng các quốc gia vẫn còn chia rẽ sâu sắc về cách thức hoạt động của quỹ.
Một "ủy ban chuyển tiếp" phụ trách thiết kế quỹ sẽ họp lần thứ tư vào tuần này tại Ai Cập và cũng là lần cuối cùng để đưa ra các khuyến nghị ra mắt quỹ mới theo kế hoạch tại COP28 ở Dubai, khai mạc ngày 30/11. Theo một ghi chú của LHQ, cuộc họp tuần này đang cố gắng giải quyết các tranh chấp bao gồm “nguồn tài trợ”, “phạm vi và cơ cấu của quỹ” và thậm chí cả “tên của quỹ”.
Bà Ritu Bharadwaj - nhà nghiên cứu chính về biến đổi khí hậu tại Viện Môi trường và Phát triển quốc tế, tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Vương quốc Anh - cho biết, theo kế hoạch, tiền mặt từ quỹ có thể sẽ chưa chảy đến các quốc gia dễ bị tổn thương trong ít nhất một năm nữa.
Bà Bharadwaj cho rằng, một cơ chế tài trợ hiệu quả phải phân biệt giữa những tổn thất không thể tránh khỏi và những tổn thất có thể ngăn chặn. Điều đó cho phép phát triển những cách thức mới để kích hoạt các khoản thanh toán đã được thỏa thuận trước khi thảm họa xảy ra.
Năm ngoái, ngoại trưởng nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) cam kết tăng cường hỗ trợ "hành động dự đoán" thông qua các công cụ tài chính hiện có và cả các giải pháp tài chính mới.
Huy động nguồn quỹ
Theo báo cáo của Anticipation Hub - nền tảng chia sẻ kiến thức được hỗ trợ bởi các cơ quan nhân đạo, cách tiếp cận mang tính dự đoán đang nhanh chóng trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Báo cáo cho thấy, 35 quốc gia đã thực hiện các cơ chế dự đoán vào năm 2022, với 138 triệu USD được cam kết cho mục đích này, giúp 7,6 triệu người có sự chuẩn bị tốt hơn để ngăn chặn thiệt hại.
Bangladesh thực hiện các hành động sớm hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Ông Nurul Haque Chowdhury - Giám đốc cứu trợ của Cục Quản lý thảm họa Bangladesh - cho biết, chính phủ đang làm việc với các tổ chức phi chính phủ và các đối tác quốc tế để tăng cường hành động sớm. Năm nay, chính phủ Bangladesh - với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển LHQ - công bố chỉ số dễ bị tổn thương do khí hậu (CVI) kèm theo các bản đồ chi tiết để chính quyền địa phương có thể phân bổ nguồn lực khi thiên tai xuất hiện.
Theo ông Niger Dilnahar - nhân viên chính sách của chương trình WFP ở Bangladesh, 72% hộ gia đình nhận được tiền mặt vài ngày trước lũ lụt hoặc lốc xoáy đều cho rằng, số tiền hỗ trợ sớm đã giúp họ tránh khỏi tổn hại.
Ông Ashraful Haque - điều phối viên của START Network, tổ chức phi chính phủ quốc tế ủng hộ hành động dự đoán - cho biết, trọng tâm chính hiện nay là cung cấp trợ giúp cho nhiều người hơn, trên nhiều lĩnh vực hơn, ứng phó với nhiều thảm họa hơn. Các cơ quan của LHQ như Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo và Quỹ ứng phó khẩn cấp (CERF) đang làm việc với các tổ chức quốc gia và địa phương để huy động các quỹ đã thỏa thuận trước hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Tuy nhiên, dù có những lợi ích rõ ràng, nhưng các chuyên gia cho biết, hành động trước thảm họa không phải là “viên đạn bạc” (giải pháp dễ dàng, nhanh chóng cho vấn đề nào đó), thay vào đó nên được xem như một công cụ liên kết với các hình thức tài trợ liên quan đến khí hậu và hỗ trợ nhân đạo khác.
Việc thiếu tiền vẫn là trở ngại lớn trong cả lĩnh vực khí hậu và nhân đạo, khiến các quốc gia đang phát triển lo ngại rằng, một số viện trợ hiện có có thể bị dán nhãn lại thành nguồn tài trợ mới cho những tổn thất và thiệt hại. Theo LHQ, các nhà tài trợ chỉ cung cấp 10,7 tỷ trong số 54,8 tỷ USD mà họ được yêu cầu để giúp đỡ 362 triệu người gặp phải khủng hoảng nhân đạo trong nửa đầu năm 2023.
Nguồn tài trợ cho “hành động dự đoán” cũng bị hạn chế so với nhu cầu tăng vọt. Ông Mazharul Aziz - chuyên gia chương trình quốc gia về Bangladesh tại Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ - lưu ý rằng, việc tiếp cận hàng chục nghìn người bằng tin nhắn thoại để cảnh báo về một thảm họa sắp xảy ra sẽ cần đến tiền. “Vì vậy, chúng tôi đang lên tiếng để có thêm tài chính cho hành động đón đầu”, ông nói.
Bà Farah Kabir - Giám đốc quốc gia của tổ chức ActionAid ở Bangladesh - cho biết: “Còn rất nhiều việc phải làm để bảo vệ người dân khỏi sự tàn phá của biến đổi khí hậu”. Tuy nhiên, bà Kabir cho rằng, việc chuẩn bị sẵn sàng cho thảm họa - bao gồm cả “hành động dự đoán” - không nên thay thế cho khoản tài trợ tổn thất và thiệt hại mà các nước phát triển phải chi trả.