Dù đã có hướng dẫn chi tiết về thủ tục nhưng đến nay tỷ lệ giải ngân chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động vẫn rất thấp. Theo quy định, ngày 15/8 tới đây sẽ hết hạn xét duyệt hồ sơ hỗ trợ, liệu việc triển khai chính sách có kịp về đích?(Xem tiếp tr.7)
Làm hồ sơ 2 tháng chưa được nhận hỗ trợ
Đây là phản ánh của nhiều người lao động (NLĐ) khi được hỏi về việc giải ngân chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Chia sẻ về quá trình làm hồ sơ, thủ tục để hưởng hỗ trợ chị Hứa Thị Hùng, công nhân khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cho biết, ngay từ tháng 5 công ty đã phổ biến về chính sách và tiến hành làm hồ sơ, thủ tục cho NLĐ, tuy nhiên đến nay vẫn chưa ai được nhận tiền hỗ trợ.
“Theo Quyết định 08, tôi thuộc diện được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng và được hỗ trợ trong 3 tháng (tháng 3,4,5). Công ty phát cho tờ giấy về khai lấy chữ ký của chủ trọ, chủ trọ đều giúp đỡ chúng tôi rất nhiệt tình, dù có người chuyển nhiều lần nhà trọ. Thế nhưng hồ sơ hoàn thiện từ tháng 5 đến nay gần hết tháng 7 chúng tôi vẫn chưa ai nhận được tiền hỗ trợ”- chị Hùng chia sẻ.
Việt Yên là huyện trọng điểm công nghiệp của tỉnh Bắc Giang với 319 doanh nghiệp tại 4 khu công nghiệp. Toàn huyện có hơn 3.000 chủ nhà trọ với gần 58.000 lao động thuê trọ, tuy nhiên tính đến ngày 10/7, huyện mới nhận được hồ sơ đề nghị của 191 doanh nghiệp. Trong đó, đã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ thuê nhà cho người lao động của 122 doanh nghiệp.
Về nguyên nhân chậm triển khai chính sách hỗ trợ, ông Thân Văn Thuần - Phó Chủ tịch thường trực huyện Việt Yên cho biết, nhiều hồ sơ của NLĐ sai địa chỉ nhà trọ, họ tên, tên đệm, đặc biệt căn cước công dân, số tài khoản vì vậy danh sách phải làm đi làm lại nhiều lần cho nên khó đạt được đúng theo thời gian quy định. Ngoài ra, có một số trường hợp tiền hỗ trợ đã chuyển xuống công ty nhưng các công ty chuyển cho người lao động chậm.
Nộp hồ sơ 2, 3 tháng chưa được nhận tiền hỗ trợ không chỉ câu chuyện ở Việt Yên, Bắc Giang mà là thực tế của hàng trăm nghìn công nhân đang ngày đêm “mong, ngóng” tiền hỗ trợ. Tại Bình Dương, dự kiến sẽ có khoảng 820.000 lao động sẽ được nhận hỗ trợ từ Quyết định số 08. Thế nhưng, hiện theo thống kê sơ bộ mới chỉ tiếp nhận khoảng 183.000 hồ sơ của công nhân ở các doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà, trong đó, đã phê duyệt gần 136.000 hồ sơ. Trong tổng số các hồ sơ đã được phê duyệt thì chỉ mới giải ngân cho khoảng 40.000 lao động.
Lý giải sự chậm trễ trên, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Bình Dương cho hay, nguyên nhân là do chủ nhà trọ sợ ràng buộc pháp lí. Một số chủ trọ không sống cùng khu trọ với người lao động nên rất khó gặp. Sở đã có văn bản gửi các địa phương gỡ vướng mắc về vấn đề này. Còn về phía các doanh nghiệp ngại trách nhiệm nên rất thận trọng khi làm thủ tục. Ngoài ra, không ít doanh nghiệp gộp 2, 3 tháng để làm luôn một lần, sau đó mới gửi hồ sơ đi xác nhận, phê duyệt.
Chính quyền phải quyết liệt hơn
Theo quy định đến ngày 15/8 là thời điểm hết hạn xét duyệt hồ sơ hỗ trợ trong khi thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tính đến ngày 10/7, với người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp (có mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người/tháng), cơ quan Bảo hiểm xã hội đã xác nhận cho 27.278 đơn vị với 1.767.134 lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Với người lao động quay trở lại thị trường lao động (có mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/người/tháng), cơ quan Bảo hiểm xã hội đã xác nhận cho 6.771 đơn vị với 82.429 lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Đánh giá về việc triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết, so với khoản tiền cần phải giải ngân hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động, tỉ lệ đã giải ngân còn rất thấp. Nguyên nhân do nhiều địa phương chờ Quyết định 791/QĐ-TTg ngày 3/7/2022 về nguồn kinh phí hỗ trợ. Bên cạnh đó, một số địa phương “sợ sai” nên yêu cầu thêm các thông tin xác nhận. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ giải ngân gói hỗ trợ thấp còn là do các địa phương chờ kinh phí từ Trung ương, chưa chủ động bố trí nguồn thực hiện.
Theo quy định đến ngày 15/8 là thời điểm hết hạn xét duyệt hồ sơ hỗ trợ trong khi thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tính đến ngày 10/7, với người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp (có mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người/tháng), cơ quan Bảo hiểm xã hội đã xác nhận cho 27.278 đơn vị với 1.767.134 lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Với người lao động quay trở lại thị trường lao động (có mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/người/tháng), cơ quan Bảo hiểm xã hội đã xác nhận cho 6.771 đơn vị với 82.429 lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo Bộ LĐTB&XH dù ngày 15/8 tới đây hết hạn nộp hồ sơ nhưng việc giải ngân gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng cho công nhân vẫn có thể kịp cán đích. Thời điểm này ngành BHXH Việt Nam đã xác nhận được gần 2 triệu hồ sơ, sau khi xác nhận hồ sơ sẽ chuyển cho địa phương thẩm định. Chính vì vậy cần sự vào cuộc quyết liệt từ các địa phương.
“Bộ đã đôn đốc các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà bằng văn bản, gọi điện trực tiếp và đi kiểm tra. Trong quá trình triển khai nếu có vướng mắc cần tháo gỡ Bộ sẽ có những hướng dẫn kịp thời. Hiện Bộ vẫn tiếp tục tổ chức những đoàn kiểm tra nhằm đôn đốc các địa phương triển khai chính sách cũng như kịp thời tháo gỡ những vướng mắc nếu có” - Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai chính sách hỗ trợ, ngày 16/7, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai thực hiện việc giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo đúng quy định tại Quyết định số 8/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 và Quyết định số 791/QĐ-TTg ngày 3/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ; trường hợp có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để được hướng dẫn.
Ông Tào Bằng Huy - Phó cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH:
Sẽ kịp tiến độ giải ngân gói hỗ trợ
Có thể khẳng định về mặt thủ tục quy định tại Quyết định 08 là thủ tục đơn giản nhất từ trước đến nay. Đây là bước chuyển rất lớn mà Chính phủ chỉ đạo nhằm đơn giản hóa chính sách để NLĐ dễ tiếp cận được nhanh nhất. Trong 7 bước thì đến bước thứ 3 mới bắt đầu là bước thủ tục hành chính (xác nhận của cơ quan bảo hiểm). Sau khi nhận được xác nhận của cơ quan BHXH, doanh nghiệp tiến hành nộp bộ hồ sơ tại UBND cấp quận/huyện. Trong đó, nhiều UBND cấp tỉnh đã mạnh dạn ủy quyền cho UBND cấp huyện để phê duyệt các danh sách lao động.
Do đó theo quy định là 7 bước nhưng thực tế quy trình nhận được tiền của người lao động có thể chỉ cần qua 6 bước. Một số doanh nghiệp thấy thủ tục quá đơn giản nên lo sợ tình trạng lạm dụng chính sách, nhiều doanh nghiệp yêu cầu người lao động phải có xác nhận tạm trú, tạm vắng hoặc chứng minh đăng ký chủ thuê trọ. Tuy nhiên những quy định này không có trong Quyết định 08. Bên cạnh đó, ban đầu nguồn kinh phí hỗ trợ lấy từ ngân sách địa phương nên nhiều địa phương gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch.
Tuy nhiên đầu tháng 7, Chính phủ đã có quyết định dùng ngân sách Trung ương để chi hỗ trợ. Do vậy, việc giải ngân chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ sẽ kịp về đích theo kế hoạch. Hiện nay, theo thống kê của ngành BHXH Việt Nam đã xác định được gần 2 triệu NLĐ được hưởng chính sách này. Ngay sau khi xác nhận xong, doanh nghiệp sẽ chuyển cho huyện, huyện sẽ thẩm định và tỉnh sẽ phê duyệt.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính:
Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân
Gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân, người lao động là một trong những gói hỗ trợ rất nhân văn, hỗ trợ đúng thời điểm cho những người đang gặp khó khăn khi mới quay trở lại thị trường lao động sau một thời gian dài nghỉ việc do đại dịch Covid-19. Ai cũng mong muốn gói hỗ trợ này sẽ sớm đến tay công nhân. Thực tế mục tiêu hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động là để giữ chân người lao động, phục hồi kinh tế - xã hội. Bởi sau làn sóng người lao động di dời khỏi các đô thị lớn do đại dịch Covid-19, chính sách hỗ trợ người lao động quay lại thị trường và giữ chân người lao động là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc triển khai gói hỗ trợ này còn chậm trễ so với yêu cầu, điều này có thể gây cản trở cho việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Đã đến lúc chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến các gói hỗ trợ tăng trưởng, phát triển và đặc biệt là trong thời điểm hiện nay, lực lượng lao động tại một số địa phương đang thiếu hụt nghiêm trọng.
Thời hạn để triển khai gói hỗ trợ sắp hết, tiền thì có mà chưa giải ngân được, đây là điều lãng phí, khiến hoạt động tăng trưởng và sự phát triển của nền kinh tế chậm lại. Chính vì vậy, cần phải xem xét mọi khó khăn, vướng mắc để gói hỗ trợ được triển khai một cách hiệu quả nhất.