Trước bối cảnh vẫn còn 29 địa phương chưa giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà trọ cho người lao động (NLĐ), Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã có công văn gửi LĐLĐ các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành và tương đương phối hợp đẩy nhanh chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân.
29 địa phương chưa giải ngân
Ngày 28/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động để hỗ trợ, giải quyết phần nào khó khăn về chỗ ở đối với người lao động. Tuy nhiên theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, tiến độ hỗ trợ tại nhiều địa phương còn rất chậm và chỉ đạo các cấp công đoàn tiếp tục đôn đốc thực hiện chính sách hỗ trợ thuê nhà.
Thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, tính đến ngày 2/8, cơ quan bảo hiểm đã xác nhận theo mẫu số 02 Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, đối với NLĐ đang làm việc trong doanh nghiệp (DN) với mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng cho 34.865 đơn vị với 2.957.609 lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà. Đối với NLĐ quay trở lại thị trường lao động với mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng cho 10.444 đơn vị với 174.529 lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà. Như vậy, tính đến ngày 2/8, các địa phương mới duyệt hồ sơ cho 17.356 DN với 1,2 triệu lao động, tương đương 1/3 tổng số hồ sơ. Trong đó, một số địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, như Bắc Giang (38,5%), Thái Nguyên (33%)... Tuy nhiên, một số địa phương việc giải ngân rất chậm.
Về việc này, Chính phủ đã có 4 công điện chỉ đạo đơn giản hóa các thủ tục để tiền hỗ trợ sớm đến tay NLĐ, nhưng thực tế, 29 địa phương chưa giải ngân, trong khi chỉ còn hơn 10 ngày nữa là hạn cuối cùng nộp hồ sơ nhận hỗ trợ (ngày 15/8).
Lý giải về sự chậm trễ giải ngân gói hỗ trợ cho NLĐ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, một số địa phương chưa thực sự quan tâm, thậm chí “khoán” cho cấp dưới, cho ngành lao động, cho DN. Đáng chú ý ở nhiều địa phương một số đơn vị tự bổ sung thêm hồ sơ, điều kiện, yêu cầu tất cả hợp đồng thuê nhà của NLĐ với người thuê nhà; đòi hỏi thông báo tạm trú, tạm vắng... dẫn đến rất nhiều thủ tục nhiêu khê.
Tốc độ xây dựng nhà ở cho người lao động chậm
Cùng với tốc độ giải ngân “rùa bò” tiền hỗ trợ thuê nhà cho công nhân, theo Tổng LĐLĐ Việt Nam hiện nay, trên địa bàn cả nước có trên 60% công nhân lao động đang phải thuê nhà ở gần các khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhiều NLĐ đang gặp khó khăn về chỗ ở hoặc có chỗ ở nhưng chất lượng sinh hoạt thấp.
Đề cập về tốc độ xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, việc phát triển nhà ở xã hội còn có một số tồn tại, khó khăn cả về các quy định pháp luật như trình tự thủ tục đầu tư, xây dựng, mua - bán nhà. Trong khi đó, việc xác định giá; các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện như liên quan bố trí vốn, nhiều địa phương chưa quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, NLĐ. Theo thống kê đến nay, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.790.000/m2; đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, với tổng diện tích khoảng 22.718.000/m2.
Bộ Xây dựng đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành các dự án đã triển khai đầu tư xây dựng (156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ) và các dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư (245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ); tiếp tục khởi công các dự án mới; đến năm 2030, hoàn thành đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, công nhân khu công nghiệp. Tuy nhiên theo các chuyên gia, nếu những vướng mắc về cơ chế chưa được tháo gỡ thì rất khó có thể hoàn thành đúng tiến độ.
“Các quy định về việc phát triển nhà ở xã hội hiện nay còn bất cập, trong đó mới có doanh nghiệp tham gia đầu tư, chưa cho phép sự tham gia của người dân, nhất là công nhân, người dân. Do đó, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội phải có sự tham gia của nhiều đối tượng hơn, đặc biệt là sự tham gia của đầu tư công hoặc giao cho DN Nhà nước đầu tư, nhưng rất cần sự tham gia của Nhà nước" - đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang kiến nghị.