Không để cho ngư dân miền Trung thiệt thòi và có những chính sách hỗ trợ đã được Bộ NN&PTNT đưa vào trong Dự thảo đề án gần đây. Trong đó, ngư dân khi vay vốn đóng tàu cá sẽ nhận được nhiêu ưu đãi.
Theo dự thảo này, đối tượng vay là các chủ tàu cá có tàu không lắp máy hoặc lắp máy công suất dưới 90CV được vay vốn tại các ngân hàng thương mại Nhà nước.
Vốn này dùng để đóng mới tàu cá có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400CV phục vụ khai thác hải sản, làm dịch vụ hậu cần khai thác hải sản, mua ngư cụ…
Điều kiện vay vốn phải đảm bảo giải bản tàu cá đang sở hữu và có tên trong danh sách đối tượng hưởng chính sách được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Để hình thành và tạo đà cho nhân lực theo tàu, thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên tàu cá được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo sử dụng, vận hành tàu cá; hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu.
Hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu cá và bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Hạn mức, lãi suất và thời hạn vay, chủ tàu đóng mới có thể lựa chọn một trong hai hình thức.
Hình thức hỗ trợ thứ nhất (vay vốn tín dụng để đóng tàu), hạn mức vay vốn và lãi suất được vay 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu cá trả lãi suất 1%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 6% lãi suất còn lại.
Thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất kéo dài 15 năm, năm đầu tiên kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên chủ tàu được miễn lãi suất và chưa phải trả nợ gốc.
Tài sản thế chấp: Chủ tàu cá được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để bảo đảm khoản vay.
Hình thức hỗ trợ thứ 2 (hỗ trợ 1 lần sau đầu tư), được hỗ trợ một lần bằng 50% giá trị tàu đóng mới (bao gồm giá trị tàu, trang thiết bị hàng hải, trang thiết bị bảo quản và ngư cụ), nhưng không quá 02 tỷ đồng/tàu.
Thời gian thực hiện hỗ trợ từ ngày chính sách có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2017. Tiền hỗ trợ được chi trả cho đối tượng hưởng chính sách khi việc đóng tàu đã hoàn thành và được Uỷ ban nhân dân cấp huyện xác nhận.
Ngoài vay vốn để đóng tàu, đề án cũng mở rộng đối với các hộ gia đình tham gia khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến thuỷ sản, nghề muối bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự cố môi trường có nhu cầu vay vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm hoặc làm nghề khác.
Các hộ được vay phải có tên trong danh sách được UBND tỉnh phê duyệt.
Hạn mức và lãi suất vay quy định, được vay tối đa 100 triệu đồng/hộ tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo từng thời kỳ.
Trường hợp cá nhân, hộ gia đình đang vay vốn theo các chương trình tín dụng khác phục vụ sản xuất, kinh doanh không bị thiệt hại tại Ngân hàng Chính sách xã hội thì tổng mức vay bao gồm cả các khoản vay theo chính sách này không vượt quá 100 triệu đồng/hộ.