Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 đã chính thức khai mạc sáng 1/8. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đánh giá cao những tồn tại, hạn chế trong công tác Mặt trận mà Báo cáo chính trị tại Đại hội đã thẳng thắn chỉ ra. Những tồn tại đó, Ủy ban, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khóa mới cần tiếp tục phân tích, làm rõ nguyên nhân, xây dựng các chương trình, kế hoạch trúng, đúng, trọng tâm, trọng điểm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp sớm khắc phục triệt để nhằm nâng cao chất lượng công tác Mặt trận trong nhiệm kỳ mới.
Với những yêu cầu, thách thức đặt ra ngày càng cao hơn đối với công tác Mặt trận trong nhiệm kỳ mới, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh 5 vấn đề tại Đại hội để cùng trao đổi, thảo luận:
Thứ nhất, bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phù hợp với tình hình của tỉnh; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, niềm tin, khát vọng xây dựng tỉnh Hòa Bình phát triển nhanh và bền vững. Thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia góp ý văn kiện Đại hội Đảng các cấp; cuộc bầu cử Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031.
Triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả 6 chương trình hành động cũng như các nhóm chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong nghị quyết phù hợp với tình hình cụ thể của tỉnh Hòa Bình. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, niềm tin, khát vọng xây dựng tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII và Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 11/10/2021 của Tỉnh ủy về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.
Thứ hai, thấm nhuần quan điểm "dân là gốc”, "dân là trung tâm”. Thực hiện tốt yêu cầu "Cán bộ Mặt trận phải gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến Nhân dân” làm tốt hơn nữa vai trò tập hợp, lắng nghe ý kiến nhân dân để phản ánh với các cơ quan đảng và nhà nước ở Trung ương cũng như các địa phương. Chủ động phối hợp với chính quyền giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Thường xuyên tổ chức các hoạt động đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của Nhân dân; tin dân và tôn trọng dân; đồng thời, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân thông qua MTTQ và các đoàn thể quần chúng.
Thứ ba, nâng cao thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội (đây là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của nhiệm kỳ này); lựa chọn nội dung góp ý, giám sát, phản biện xã hội có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; làm tốt việc góp ý xây dựng Đảng và Nhà nước; tích cực tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực. MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục làm tốt vai trò chủ trì hiệp thương, phối hợp giữa các tổ chức thành viên trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội; phát huy tối đa trí tuệ của các nhà khoa học, những chuyên gia giàu kinh nghiệm, đóng góp ý kiến đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là những vấn đề quốc kế dân sinh, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của quần chúng Nhân dân.
Thứ tư, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ Việt Nam phát động; hưởng ứng Phong trào thi đua "Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025 bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, lan toả, sát hợp với thực tế. Nhiệm kỳ tới, MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh cần tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần sáng tạo của Nhân dân trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động hướng tới xây dựng mỗi cộng đồng dân cư thật sự văn hóa, trong sạch, lành mạnh, tiến bộ; tập trung chăm lo tốt cuộc sống cho người nghèo, người hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách; bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Kịp thời biểu dương, tôn vinh những tấm gương tiêu biểu, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tiếp tục củng cố, xây dựng, triển khai các mô hình tự quản tích cực, hiệu quả trong cộng đồng dân cư.
Thứ năm, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã báo cáo, được Thủ tướng Chính phủ thống nhất cho xây dựng 3 đề án: (i) Đề án bồi dưỡng cán bộ Mặt trận các cấp; (ii) Đề án chuyển đổi số của MTTQ Việt Nam giai đoạn 2024 - 2029; (iii) Đề án nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Nhiệm kỳ tới, Mặt trận các cấp triển khai Chương trình mới, hướng về cơ sở: Xây dựng khu dân cư"Tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc”.