Hòa Bình cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cân đối

An Chi 03/11/2022 15:00

Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2025 là cơ cấu lại kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng cân đối giữa chiều rộng và chiều sâu.

Trong giai đoạn mới, việc đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh Hòa Bình sẽ tập trung vào những ngành có lợi thế, tạo ra giá trị kinh tế nhanh, bền vững và có tác động lan tỏa.

Thực hiện quyết định số 250/QĐ-UBND về việc ban hành đề án cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phấn đấu đến năm 2025 kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước. Trong đó, đề án xác định mục tiêu tổng quát của tỉnh Hòa Bình đến năm 2025 là cơ cấu lại kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng cân đối giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, phấn đấu sau năm 2025 phát triển theo chiều sâu.

Theo đề án, cơ cấu kinh tế tỉnh Hòa Bình tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, đến cuối năm 2025 chiếm khoảng 54%.
Theo đề án, cơ cấu kinh tế tỉnh Hòa Bình tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, đến cuối năm 2025 chiếm khoảng 54%.

Từ đó, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng vốn đầu tư; đẩy mạnh phát triển các ngành, sản phẩm tận dụng các lợi thế của địa phương; các ngành, sản phẩm có đóng góp giá trị cao cho nền kinh tế và giá trị gia tăng cao, có hiệu quả và sức cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động. Gắn kết tăng trưởng nhanh với tiến bộ xã hội, bảo vệ và chống ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu để hướng tới phát triển bền vững.

Mục tiêu cụ thể của cơ cấu lại kinh tế là thiết lập các điều kiện nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu đưa Hòa Bình đạt trình độ phát triển kinh tế ở mức trung bình của cả nước với các chỉ tiêu cụ thể: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân 5 năm 2021-2025 tăng từ 9% trở lên; Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân 8%/năm; đến năm 2025 đạt 140 triệu đồng/lao động; Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2021-2025 giảm 2,5-3%/năm.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản; đến cuối năm 2025, công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 54%, dịch vụ chiếm khoảng 27%, nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 15%, thuế sản phẩm chiếm khoảng 4%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 100 triệu đồng; Tỷ trọng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng đạt 40%.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2021-2025 đạt trên 120.000 tỷ đồng (bằng khoảng 32% GRDP), bình quân hàng năm tăng 8,2%. Phấn đấu trong 5 năm thu hút được 280 dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 80.000 tỷ đồng và 30 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 1.000 triệu USD.

Để thực hiện mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tỉnh Hòa Bình tập trung vào các giải pháp chủ yếu.
Để thực hiện mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tỉnh Hòa Bình tập trung vào các giải pháp chủ yếu.

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, phấn đấu hệ số ICOR trong giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 4,5-5.

Nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh thông qua tập trung cải thiện chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thông qua tăng bậc và cải thiện các chỉ số thành phần; phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 mỗi năm tăng tối thiểu 3 bậc chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI).

Đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 63%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25%. Kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP.

Đề án cũng xây dựng định hướng về chất lượng tăng trưởng, cơ cấu kinh tế; định hướng cơ cấu lại kinh tế gắn với tăng trưởng các ngành; định hướng chuyển dịch cơ cấu theo vùng; cơ cấu đầu tư công và phân bổ ngân sách nhà nước; định hướng thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp.

Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tập trung vào: Thống nhất về tư tưởng chỉ đạo và triển khai thực hiện. Nâng cao chất lượng lập và quản lý quy hoạch. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tập trung thực hiện kế hoạch đầu tư công, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Cơ cấu lại các ngành kinh tế, tập trung nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của ngành kinh tế. Nâng cao giá trị sản xuất rừng, chăm lo đời sống người trồng, bảo vệ, phát triển rừng. Chuyển dịch cơ cấu theo vùng.

Từ kết quả đạt được và những khó khăn, yếu kém đặt ra, nhằm cụ thể hóa nghị quyết của Trung ương, Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phấn đấu sớm đưa kinh tế tỉnh đạt mức trung bình của cả nước.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành và đang cho ý kiến một số nghị quyết, đề án về phát triển kinh tế như:phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phát triển dịch vụ, trọng tâm là du lịch; phát triển sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp; phát triển khoa học, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực. Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra về đổi mới mô hình tăng trưởng cần phải phù hợp với những mục tiêu, giải pháp, nguồn lực của các nghị quyết, đề án đã ban hành để thống nhất thực hiện.

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần tập trung vào những ngành có lợi thế, tạo ra giá trị kinh tế nhanh, bền vững, có tác động lan tỏa như đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng; công nghiệp phụ trợ có hàm lượng kinh tế cao; các trung tâm nghiên cứu, đào tạo nhân lực. Huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình khẳng định, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh xác định nội dung "cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng" là một nhiệm vụ, giải pháp quan trọng và cần thiết nhằm tạo ra động lực tăng trưởng mới, đưa Hòa Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hòa Bình cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cân đối

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO