Đầu tư doanh nghiệp, gia tăng lợi ích từ việc thúc đẩy giá trị kinh tế bằng nhiều phương pháp đang trở thành hướng đi đúng, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân tại tỉnh Hòa Bình.
Ưu tiên thu hút đầu tư từ doanh nghiệp lớn
Tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu đến năm 2025, có trên 20 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Trong đó 30% doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực tham gia cung ứng sản phẩm hoặc tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong vào ngoài tỉnh.
Đến năm 2025, tỉnh Hòa Bình phấn đấu phát triển các sản phẩm trên địa bàn tỉnh từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa đáp ứng nhu cầu cho sản xuất; tăng thu ngân sách cho tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Hòa Bình.
Để đạt được mục tiêu đặt ra, tỉnh Hòa Bình đã chú trọng vào các hoạt động như: Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNHT; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; xây dựng và vận hành trang thông tin về CNHT.
Đồng thời giảm dần các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động chưa qua đào tạo, lao động phổ thông. Thu hút mời gọi đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp lớn có tiềm năng về công nghệ, thị trường và vốn để đầu tư xây dựng những dự án quy mô lớn, làm nền tảng, có tính lan tỏa cao, từ đó thúc đẩy phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh.
Quan tâm đến việc nâng cao đời sống người dân
Từ những chính sách trong việc đầu tư doanh nghiệp nhằm gia tăng lợi ích, nâng cao đời sống của nhân dân. Tỉnh Hòa Bình đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp từ việc thúc đẩy giá trị kinh tế bằng nhiều chủ trương, hành động.
Trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa và cả con người Hòa Bình. Việc thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xu thế hội nhập quốc tế được UBND tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng, cần tập trung chỉ đạo thực hiện.
Không những thế, nhằm phát huy tiềm năng đất đai, lợi thế địa lý cận Thủ đô Hà Nội, mở hướng làm giàu cho người dân, từ cuối năm 2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TU vận động dân cải tạo vườn tạp gắn với đẩy mạnh hợp tác, liên kết nông nghiệp, xây dựng cánh đồng mẫu lớn.
Đến nay, qua hơn 8 năm triển khai thực hiện, chủ trương cải tạo vườn tạp đã khẳng định rõ tính hiệu quả trong thực tiễn phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn tại nhiều địa phương trong tỉnh. Đời sống nhân dân trên địa bàn được nâng cao rõ rệt nhờ giá trị kinh tế thu được mỗi năm lên tới hàng trăm triệu đồng trên 1 ha; nhiều vùng chuyên canh nông nghiệp với những loại nông sản nổi tiếng như cam, bưởi…
Thực tế, trong những năm qua, để ổn định đời sống Nhân dân, UBND tỉnh đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, dự án sinh kế tại địa bàn. Mới đây nhất, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá lồng trên hồ thủy điện Hòa Bình. Trong đó, các doanh nghiệp sẽ liên kết với người dân vùng lòng hồ xã Hòa Bình tổ chức chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cá rô phi, cá diêu hồng theo tiêu chuẩn VietGAP trong thời gian 3 năm. Mức đầu tư 100 lồng cá, tổng sản lượng dự kiến đạt trên 518 tấn cá, doanh thu trên 20 tỷ đồng.
Cùng với nuôi cá lồng, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Hòa Bình và phường Thái Bình xác định du lịch lòng hồ là thế mạnh để phát triển kinh tế. Hiện, ở nhiều xóm, các hộ tận dụng cảnh quan thiên nhiên ưu đãi với rừng nguyên sinh, lòng hồ Hòa Bình và bản sắc văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng. Tại xóm Bích Trụ có 43 hộ vẫn giữ được nếp nhà sàn truyền thống. Với địa thế nhìn xuống mặt hồ, không khí thoáng mát, các gia đình đang xây dựng, thiết kế nhà thành điểm homestay hấp dẫn.
Bà Nguyễn Thị Duyên, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bình cho biết: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đối với xã Đảng bộ xã mà chúng tôi đưa vào nghị quyết là xây dựng các xóm vùng lòng hồ thành điểm du lịch cộng đồng. Trong đó, xác định xây dựng, gìn giữ môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa dân tộc, hướng tới phát triển bền vững, nâng cao đời sống người dân. Đó cũng là hướng phấn đấu của xã để thực hiện tiêu chí xã NTM nâng cao trong thời gian tới.
Ngoài các chính sách hỗ trợ, cuộc sống của bà con vùng hồ có nhiều đổi thay còn nhờ vào những dự án làm đường đang được triển khai. Trong đó, đường lên xóm Tháu, xóm Vôi (phường Thái Bình) đưa vào khai thác từ những năm trước, đường lên xóm Bích Trụ đi xã Vầy Nưa (Đà Bắc) đang được thi công, đưa vào sử dụng trong thời gian gần nhất mở ra cơ hội mới thúc đẩy giao thương, sản xuất, liên kết vùng và cải thiện mạnh mẽ đời sống người dân.