Tình trạng xây dựng nhà, các công trình trái phép trên đất rừng tại khu suối Láo, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình đã diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Thậm chí, có trường hợp vẫn tiếp tục xây dựng thêm các công trình mới, bất chấp việc đình chỉ, xử phạt của chính quyền địa phương.
Tràn lan công trình trái phép
Báo Đại Đoàn Kết nhận được thông tin phản ánh về việc nhiều công trình nhà ở ngang nhiên xây dựng trên đất trồng rừng (thuộc Lâm trường Tu Lý) tại xóm Rằng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa được xử lý dứt điểm, dù chính quyền đã xử phạt, yêu cầu tháo dỡ nhưng người dân vẫn xây thêm các công trình mới.
Ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết vào thời điểm tháng 6, tại khu vực suối Láo (xóm Rằng, xã Cao Sơn) có một số hạng mục công trình kiên cố xây dựng ngay cạnh bờ suối Láo. Trong đó, có 2 ngôi nhà sàn đã hoàn thiện xong và đưa vào sử dụng, các công trình còn lại đang được công nhân tiếp tục xây dựng mới, dần đi vào hoàn thiện.
Tronng quá trình PV ghi nhận sự việc, có 2 đối tượng tiến tới “hỏi thăm” và yêu cầu PV không được quay phim, chụp ảnh, yêu cầu xóa ảnh. Trong đó, có 1 đối tượng tự xưng tên Hùng (quê huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) nhận là chủ nhà ở đây và là chủ của các công trình kể trên.
Một người dân (xin được giấu tên) sống cạnh khu suối Láo này cho biết, các công trình kể trên là của gia đình ông Tý, xây dựng trên đất Lâm trường Tu Lý đã nhiều năm nay. Thời gian gần đây, thấy nhiều máy xúc cùng công nhân tới san gạt đất, xây nhà sàn, đào ao, làm bờ kè lấn ra suối Láo, xây dựng các công trình kiên cố bên trong.
Bất chấp đình chỉ
Trao đổi với PV, ông Đinh Văn Thụ, Chủ tịch UBND xã Cao Sơn xác nhận phản ánh của người dân về các công trình trái phép kể trên là đúng. Khi người dân thông tin việc gia đình ông Tý xây dựng trái phép, lấn chiếm lòng suối Láo… chính quyền xã đã lập đoàn kiểm tra xuống thực địa và xác định các công trình xây dựng ở đây đều trái phép. Sau đó đã lập biên bản và có báo cáo lên huyện.
Ông Thụ cho biết, khu đất có các công trình trái phép kể trên, trước đây là đất của Lâm trường Tu Lý (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Hoà Bình), do hộ gia đình ông Chu Văn Tý sinh sống, ở nhiều năm nay, có diện tích khoảng 7.000 m2. Từ năm 2022, ông Tý có chuyển nhượng lại khu đất trên cho một người tên là Hùng, sau đó, họ mới tiến hành kè suối, xây dựng nhà sàn và 5 căn chòi bằng bê tông cạnh bờ suối. UBND xã Cao Sơn đã kiểm tra, lập biên bản, và xử phạt vi phạm hành chính 4 lần đối với trường hợp hộ ông Tý, mỗi lần xử phạt là 5.000.000 đồng.
“Trong mỗi lần lập biên bản kiểm tra, UBND xã đã đình chỉ mọi hoạt động xây dựng tại khu đất của gia đình ông Tý, yêu cầu tháo dỡ các công trình vi phạm, khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu nhưng hộ ông Tý không chấp hành, cứ được một thời gian lại tiếp tục xây dựng mới. Trong Quyết định xử phạt gần đây nhất (ngày 4/4/2023) UBND xã đã yêu cầu ông Tý phải khắc phục hậu quả bằng việc tự tháo dỡ tất cả các công trình vi phạm trong vòng 60 ngày, nếu quá thời hạn mà ông Tý không chấp hành, UBND xã sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định pháp luật”, ông Thụ thông tin.
Theo ông Thụ, không chỉ riêng gia đình ông Tý mà còn hàng chục hộ dân khác hiện cũng đang dựng nhà, sinh sống từ lâu trên diện tích đất trồng rừng của Lâm trường Tu Lý. Đó là do lịch sử để lại, công tác quản lý đất đai chưa chặt chẽ dẫn tới tình trạng trên. Bản thân Lâm trường Tu Lý cũng không quản lý được nên đã trả lại cho địa phương quản lý từ cuối năm 2014.
Theo thông tin từ UBND xã Cao Sơn, tháng 9/2014, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình đã có tờ trình gửi UBND tỉnh về việc thu hồi 1.909 ha đất do Lâm Trường Tu Lý (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Hoà Bình) để giao lại cho UBND huyện Đà Bắc. Trong đó có nêu, hiện trạng phần lớn diện tích đất trả lại đã được trồng các loại cây lâm nghiệp như keo, bạch đàn… ngoài ra còn có đất trồng cây lâu năm, đất có nhà ở và các công trình phụ trợ cho đời sống sinh hoạt người dân.
Đến tháng 10/2014, UBND tỉnh Hoà Bình đã có quyết định thu hồi hơn 1.909 ha đất (đợt 1) do Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Hoà Bình quản lý, không có nhu cầu sử dụng tại Lâm Trường Tu Lý giao cho UBND huyện Đà Bắc quy hoạch sử dụng vào các mục đích phù hợp. Trong đó, diện tích đất thu hồi tại xã Cao Sơn là hơn 819 ha, thị trấn Đà Bắc là 0,28 ha, xã Hào Lý hơn 199 ha, xã Tu Lý hơn 366 ha, xã Tân Minh hơn 524 ha.
UBND tỉnh Hoà Bình cũng giao UBND huyện Đà Bắc chỉ đạo các xã Cao Sơn, Hào Lý, Tu Lý, Tân Minh và thị trấn Đà Bắc quản lý chặt chẽ quỹ đất đã thu hồi. Đồng thời rà soát, lập phương án quy hoạch sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích đất thu hồi nêu trên trình UBND tỉnh phê duyệt, thực hiện giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân sau khi phê duyệt quy hoạch theo quy định pháp luật về đất đai.
Khi PV đặt vấn đề vì sao để xảy ra tình trạng người dân xây dựng các công trình trái phép trên đất rừng đã lâu như vậy mà không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, để tái diễn nhiều lần, thậm chí coi thường pháp luật? Việc quy hoạch và xem xét cấp đất cho người dân ở đây là loại đất với mục đích sử dụng là đất gì?... thì Chủ tịch UBND xã Cao Sơn trả lời đã báo cáo UBND huyện Đà Bắc và phải đợi ý kiến từ cấp trên mới có thể xử lý dứt điểm được.
Liên quan vấn đề này, ông Lương Văn Thi, Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc thông tin, trường hợp hộ ông Chu Văn Tý xây dựng các công trình trái phép tại khu vực suối Láo thì UBND xã Cao Sơn đã có báo cáo huyện và huyện cũng đã nắm được. Vi phạm lớn nhất của hộ ông Tý là đã xây dựng các công trình này trên đất rừng sản xuất.
Theo ông Thi, đây là trách nhiệm, thẩm quyền của xã và xã cũng đã lập biên bản, xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động xây dựng và yêu cầu hộ ông Tý tháo dỡ công trình vi phạm. Huyện sẽ có trách nhiệm đôn đốc UBND xã Cao Sơn theo dõi, giám sát việc chấp hành tháo dỡ này cũng như ngăn chặn nếu có biểu hiện xây dựng mới.