Theo thống kê đến nay, tình hình thiên tai do ảnh hưởng của đợt mưa giông, sấm sét, mưa đá trên địa bàn tỉnh Hòa Bình khiến hơn 500 căn nhà bị thiệt hại.
Trước đó, chiều tối, đêm ngày 20/4/2024 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã xảy ra mưa, mưa đá, giông lốc, sét cục bộ như Thành phố Hòa Bình, huyện Đà Bắc, huyện Cao Phong. Lượng mưa dao động từ 15-30mm, có nơi trên 30mm như Tiến Sơn, Lương Sơn: 34,4mm; Độc lập, Thành phố Hòa Bình; 32,2mm...
Tính đến thời điểm báo cáo ngày 22/4/2024 đã gây một số thiệt hại trên địa bàn huyện Cao Phong và huyện Đà Bắc: 519 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó: 1 hộ bị sập nhà hoàn toàn (xã Tân Minh); 26 ngôi nhà tốc mái hoàn toàn; 30 ngôi nhà tốc mái trên 50% và 377 ngôi nhà bị thiệt hại một phần dưới 30% (các xã bị thiệt hại gồm xã Tú Lý; Giáp Đắt; Nánh Nghê; Đồng Chum; Tân Pheo; Tân Minh; Toàn Sơn; thị trấn Đà Bắc và xã Mường Chiềng).
Tổng diện tích thiệt hại 95,5ha lúa và hoa màu, trong đó thiệt hại hoàn toàn 5,0ha; thiệt hại trên 50% khoảng 35,5ha; thiệt hại dưới 30% khoảng 55ha. Lúa thiệt hại 6,0ha còn lại là cây ngô. Cây lâm nghiệp tổng diện tích thiệt hại 53ha, trong đó thiệt hại hoàn toàn khoảng 3ha; thiệt hại trên 50% khoảng 40ha; thiệt hại dưới 30% khoảng 10ha.
Bên cạnh đó là những thiệt hại về đường ống dẫn nước, kênh mương tưới tiếu, lồng cá của người dân, hư hỏng toàn bộ mái tôn chống nóng trường mầm non xóm Đăm xã Nánh Nghê và 2 trường hợp người dân bị thương do mái rơi, tường đổ.
Ông Trần Quốc Toản, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện đã làm việc với chính quyền địa phương xã xây dựng phương án tạm thời di dời người và tài sản đối với các hộ bị tốc mái hoàn toàn và tốc mái trên 50% đến các hộ dân quanh xóm để ở, còn lại các hộ dân thiệt hại nhẹ huy động nhân dân đến dọn dẹp và cùng với gia đình lợp lại mái nhà những tấm bị vỡ hỏng.
Chính quyền địa phương đã cử cán bộ chuyên môn trực tiếp đến các hộ gia đình để chỉ đạo khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra; đồng thời các địa phương tiếp tục tổng hợp, thống kê báo cáo thiệt hại theo quy định.
Ban Chỉ huy thường xuyên cập nhật các bản tin thời tiết, cảnh báo nguy hiểm trên địa bàn tỉnh từ các cơ quan dự báo thời tiết của tỉnh, của Trung ương thường trực công tác phòng chống thiên tai, đôn đốc các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo mưa lũ, truyền tải các bản tin về mưa lớn, giông lốc đến văn phòng thường trực các địa phương; đồng thời yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị tổng hợp tình hình thiệt hại có báo cáo nhanh gửi về.