Hoá đơn điện tử (HĐĐT) ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, làm sao để người dân vượt qua được tâm lý e ngại, sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, để cơ quan thuế kiểm soát được hoá đơn? Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) đã có cuộc trao đổi về nội dung này.
PV:Thưa bà, theo quy định, những nhóm đối tượng nào được sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền?
Bà Nguyễn Thị Lan Anh: Theo quy định thì những nhóm đối tượng được sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền là doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực trực tiếp đến người tiêu dùng, bao gồm: Nhóm 1: Nhóm kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn; Nhóm 2: Nhóm bán lẻ hàng hóa (trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ hàng tiêu dùng); Nhóm 3: Nhóm bán lẻ thuốc tân dược; Nhóm 4: Nhóm dịch vụ khác (dịch vụ vui chơi giải trí, vé cầu đường, vé xe buýt, vé tham quan, du lịch,…).
Để được sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, người nộp thuế sẽ phải đáp ứng điều kiện nào, thưa bà?
- Các DN, hộ kinh doanh thuộc các lĩnh vực trực tiếp đến người tiêu dùng đang sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế hoặc không có mã của cơ quan thuế được lựa chọn sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền.
DN, hộ kinh doanh chỉ cần có thiết bị điện tử đồng bộ hay một hệ thống nhiều thiết bị điện tử được kết hợp với nhau bằng giải pháp công nghệ thông tin có chức năng chung như: tính tiền, lưu trữ các thao tác bán hàng, số liệu bán hàng, khởi tạo hoá đơn điện tử có dải ký tự mã của cơ quan thuế đảm bảo duy nhất, tra cứu giao dịch, báo cáo giao dịch... và được kết nối chuyển dữ liệu đến cơ quan Thuế theo định dạng chuẩn bằng phương thức điện tử thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu điện tử.
Như vậy, đối với hình thức máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan Thuế có thể là hình thức máy tính sẵn có của hộ kinh doanh đáp ứng được việc cài đặt phần mềm hóa đơn theo yêu cầu của cơ quan Thuế (không phải đầu tư mới) hoặc có thể đầu tư mới máy tính tiền chuyên dụng có cài đặt sẵn phần mềm hóa đơn của cơ quan Thuế.
Mã của cơ quan Thuế trên HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền có thể thiết lập cho nhiều máy tính tiền tại một hoặc nhiều địa điểm kinh doanh, đơn vị phụ thuộc đảm bảo tính duy nhất của từng hóa đơn.
Người bán khi sử dụng HĐĐT được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan Thuế phải có trách nhiệm sử dụng dải ký tự mã của cơ quan Thuế cấp khi lập HĐĐT. Đồng thời phải chuyển dữ liệu cho cơ quan Thuế ngay trong ngày thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu điện tử.
Thưa bà, hiện không ít người băn khoăn rằng, HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền có được coi là chứng từ hợp pháp và có thể sử dụng những hóa đơn này làm căn cứ thanh toán với cơ quan đơn vị của mình không?
- HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền được coi là chứng từ hợp pháp phải có những nội dung như HĐĐT khác (tên hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn; số hóa đơn; tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán; tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua; tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ; thành tiền chưa có thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng, tổng số tiền thuế giá trị gia tăng theo từng loại thuế suất, tổng cộng tiền thuế giá trị gia tăng, tổng tiền thanh toán đã có thuế giá trị gia tăng; chữ ký của người bán, chữ ký của người mua; thời điểm lập hóa đơn; thời điểm ký số trên hóa đơn điện tử; mã của cơ quan thuế trên hóa đơn). Riêng chữ ký số của người bán thì không bắt buộc.
Theo quy định, các khoản chi mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn (hoặc sao chụp hóa đơn hoặc tra thông tin từ Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế về hóa đơn) được khởi tạo từ máy tính tiền được xác định là khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp khi xác định nghĩa vụ thuế.
Trân trọng cảm ơn bà!